"Sợ lộ "sân sau" vì nhiều ông chủ ngân hàng là con nợ"

Theo infonet.vn

(Tài chính) "Nhiều ngân hàng tại Việt Nam hiện giờ ông chủ ngân hàng đồng thời cũng là ông chủ tập đoàn, vừa là con nợ - chủ nợ. Sợ lộ "sân sau" nên họ thích để nợ tại ngân hàng để xử lý hơn là bán cho VAMC là chuyện dễ hiểu".

"Sợ lộ "sân sau" vì nhiều ông chủ ngân hàng là con nợ" - Ảnh 1
TS. Lê Xuân Nghĩa
TS. Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia chia sẻ với phóng viên xung quanh câu chuyện mua bán nợ xấu giữa ngân hàng và Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC).

Phóng viên: Hiện VAMC đang làm việc với một số nhà băng để xúc tiến quá trình mua bán nợ xấu, tuy nhiên, thực tế nhiều e ngại VAMC sẽ không mua được những khoản nợ "đáng giá" vì ngân hàng ngại lộ "sân sau"?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Thực ra chuyện xử lý nợ xấu không mới vì lâu nay chúng ta vẫn làm dưới hình thức để tự các Ngân hàng thương mại (NHTM )"xoay sở" trên nền tảng phòng ngừa rủi ro của họ. Tuy nhiên khi nợ xấu đã "phình to" quá mức thì phải có bàn tay can thiệp của  Ngân hàng nhà nước (NHNN) để quá trình này diễn ra nhanh, gọn hơn. Tôi cho rằng, trong một thời gian ngắn VAMC được thành lập và đi vào hoạt động trong bối cảnh thủ tục hành chính "lề mề" như ở Việt Nam là một sự cố gắng lớn. Chỉ trong vài ba tháng VAMC đã chỉnh sửa toàn bộ nền tảng pháp lý để đi vào hoạt động là tốt. Tôi tin rằng với quy định của Chính phủ và sự tích cực của NHNN thông qua "bàn tay" VAMC, chắc chắn một lượng lớn nợ xấu sẽ được VAMC mua lại và xử lý dứt điểm.

Việc ngân hàng e ngại bán nợ cho VAMC chắn chắc có, vì nhiều ông chủ ngân hàng tại Việt Nam giờ đóng nhiều "vai": vừa là chủ ngân hàng, đồng thời là chủ tập đoàn, cũng là chủ nợ - con nợ... Chẳng ai lại thích "lộ gót chân a-sin" của mình, nên họ thích để món nợ tại ngân hàng tự xử lý âm thầm hơn là mang bán cho VAMC. Một khi đã bán cho VAMC sẽ bị đấu giá công khai trên thị trường, tên tuổi bị "bêu"... họ sẽ là người chịu thiệt. Ngược lại, những khoản nợ mà họ thấy khả năng không thể xử lý nổi thì "đùn" sang VAMC cũng là điều bình thường.

Tuy nhiên, với kỷ luật mua bán nợ nghiêm khắc mà NHNN đề ra, chắc chắn Ngân hàng sẽ phải bán nợ đúng chuẩn cho VAMC.

Để dọn đường cho VAMC thuận lợi trong mua bán nợ xấu, NHNN vừa qua đã bỏ yêu cầu "các khoản nợ xấu phải có 65% tài sản đảm bảo mới được bán cho VAMC". Phải chăng nới lỏng điều kiện NHNN đang muốn "ép" các ngân hàng phải nợ cho VAMC? 

NH lợi dụng quy định này ko bán nợ hoặc tìm mọi cách ko đủ tiêu chuẩn để ko phải bán cho VAMC, mà nợ của ông chủ đâu phải bằng Bất động sản mà bằng chính dự án. Nên sửa là khôn ngoan.

Theo quy định của NHNN nghĩa vụ bán nợ là bắt buộc. Còn ngân hàng muốn tự xử lý khoản nợ của mình hay không thì vẫn phải có ý kiến đồng ý của VAMC. Tôi cho rằng, việc NHNN sửa đổi điều kiện ràng buộc này là một quyết định khôn ngoan. Chính vì nhiều ông chủ ngân hàng đồng thời là "con nợ" nên họ không muốn bán cho VAMC. Nợ của họ đâu phải thế chấp bằng bất động sản, mà thế chấp bằng chính dự án. Trước đây các ông chủ này lợi dụng quy định này để không bán nợ hoặc tìm mọi cách không đủ tiêu chuẩn để không phải bán nợ cho VAMC, nhưng nay với quy định mới họ sẽ không vin vào lý do nợ không đủ chuẩn để "trốn" bán nợ.

Xử lý nợ xấu được xem là huyết mạch tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. "Ách tắc" ở khâu này nên xem ra quá trình tái cơ cấu vẫn đang rất "ì ạch", thưa ông?

Một điều đáng lo ngại hiện nay là các tập đoàn lớn (kể cả quốc doanh và tư nhân) hiện nợ ngân hàng nhiều vô kể. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, tỷ lệ nợ ngân hàng trên tổng số nợ của doanh nghiệp chiếm tới 55,03%. Có những khoản nợ của các Doanh nghiệp, tập đoàn không dừng lại ở con số hàng chục ngàn tỷ, thậm chí hàng trăm ngàn tỷ nhưng điều kiện thị trường hiện tại quá ảm đạm không thể trả được.

Lòng tin giữa ngân hàng – doanh nghiệp hiện đang rất thấp, chủ yếu là do nợ xấu. Nếu mỗi bên đều giữ an toàn cho mình, cố thủ không xử lý nợ xấu thì hậu quả khôn lường. Như trường hợp Nhật Bản, họ đã phải trả giá cho 20 năm tăng trưởng "âm" do chần chừ xử lý nợ xấu chậm 2 năm.

Huyết mạch của cơ cấu lại ngân hàng chính là xử lý nợ xấu. Tái cấu trúc ngân hàng liên quan chặt chẽ tới thanh khoản nền kinh tế, có phá băng tín dụng, bất động sản ... hay không liên hệ mật thiết tới tái cấu trúc hệ thống nhà băng. Vì thế tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là "xương sống" để cứu ngân hàng, doanh nghiệp và cả nền kinh tế.