Số ngân hàng Mỹ sụp đổ sẽ tăng cao

Theo TTXVN

Các nhà phân tích ngân hàng Mỹ dự báo trong năm 2010 và hai năm tiếp theo, số ngân hàng sụp đổ ở nước này sẽ tiếp tục tăng cao do các khoản nợ xấu tăng.

Do các khoản vay trong các năm 2006 và 2007 đã đến kỳ đáo hạn, nhưng các doanh nghiệp và người tiêu dùng khó có khả năng hoàn trả nên số ngân hàng bị sụp đổ trong năm 2010 dự báo sẽ lên tới con số 200, tăng 43% so với 140 ngân hàng phải đóng cửa năm 2009.

Ông Gerard Cassidy, nhà nghiên cứu về ngân hàng thuộc Công ty Capital Markets, dự báo, sẽ có từ 175-200 ngân hàng bị sập tiệm trong năm nay và con số này sẽ tiếp tục tăng trong các năm 2011 và 2012, biến những năm này thành đỉnh cao của chu trình sụp đổ hiện tại của ngành ngân hàng.

Ông nói: "Trong chu trình này, chúng ta đã thấy hàng trăm ngân hàng bị sụp đổ và chúng ta không chắc là khi nào thì chu trình này kết thúc. Nếu cho rằng chu trình này kéo dài 5 năm và sự sụp đổ của các ngân hàng bắt đầu từ cuối năm 2007 hoặc đầu năm 2008, thì đến năm 2013 chu trình này mới kết thúc".

Theo ông Fred Cannon, nhà phân tích ngân hàng thuộc công ty dịch vụ tài chính hàng đầu Mỹ Keefe, Bruyette & Woods (KBW), các khoản vay có vấn đề gây ra sự sụp đổ của các ngân hàng trong thời gian qua chính là các khoản vay được thực hiện trong năm 2006 và 2007, thời kỳ đỉnh cao của bùng nổ về nhà ở tại Mỹ.

Ông Cannon nói: "Nếu giá nhà không tăng gấp đôi, hoặc nếu giá trị thương mại của bất động sản không tăng 50% trong 12 tháng tới thì sẽ không tránh khỏi có nhiều khoản vay xấu". Với 15 ngân hàng bị đóng cửa trong tháng 1/2010, ông Cannon dự đoán cả năm nay, số ngân hàng sập tiệm sẽ vượt con số 140 ngân hàng bị đóng cửa vào năm ngoái.

Theo dữ liệu của KBW, các ngân hàng bị đóng cửa trong năm 2009 đã tiêu tốn quỹ của Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) khoảng 36,4 tỷ USD. Các ngân hàng này có tổng tài sản trị giá 171,9 tỷ USD, như vậy tỷ lệ lỗ trung bình là 21%. Tỷ lệ lỗ trung bình của 15 ngân hàng bị đóng cửa trong tháng 1/2010 là 33%.

Theo tính toán của nhà phân tích Cassidy, nếu trung bình một ngân hàng bị đổ vỡ vào năm 2010 có tài sản trị giá 1 tỷ USD và tiêu tốn phí bảo hiểm của FDIC bằng 28% giá trị tài sản của các ngân hàng này thì các ngân hàng bị đổ vỡ trong năm nay sẽ khiến quỹ của FDIC "vơi" thêm từ 49-56 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo ông Cassidy, cũng có yếu tố để lạc quan, đó là mặc dù nhiều ngân hàng có thể bị đổ vỡ trong năm 2010 và những năm tiếp theo, nhưng ảnh hưởng của sự đổ vỡ đối với thị trường sẽ không nặng nề như những năm trước, vì những ngân hàng này sẽ nhỏ hơn về quy mô.

Ông dự báo, 10 ngân hàng lớn nhất có thể sụp đổ vào năm nay có tổng tài sản chưa tới 100 tỷ USD, trong khi đó, thì riêng ngân hàng Washington Mutual sụp đổ vào tháng 9/2008 đã có tài sản trị giá hơn 300 tỷ USD.

Theo thông báo của FDIC vào cuối tháng 9/2009, 552 ngân hàng với tài sản trị giá 346 tỷ USD được cho là các "ngân hàng có vấn đề", đây là con số lớn nhất trong vòng 15 năm qua.

Tuy nhiên, FDIC cũng không nêu đích danh các ngân hàng có vấn đề vì e ngại rằng người gửi có thể rút tiền từ các tài khoản tiết kiệm tại các ngân hàng này, khiến quá trình sụp đổ của các ngân hàng đó càng nhanh.