Sở Tài chính Ninh Thuận đẩy mạnh chuyển đổi số


Xác định chuyển đổi số (CĐS) là nhân tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Sở Tài chính Ninh Thuận đã tập trung chỉ đạo công tác CĐS tại đơn vị; tham mưu Tỉnh ủy tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác tài chính; đồng thời chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả công tác CĐS trên địa bàn tỉnh.

Trụ sở Sở Tài chính Ninh Thuận. Ảnh internet
Trụ sở Sở Tài chính Ninh Thuận. Ảnh internet

Kết quả, trong 9 tháng năm 2023, Sở Tài chính tỉnh Ninh Thuận đã tiếp nhận, cập nhật và luân chuyển xử lý 16.644 văn bản đến; dự thảo văn bản, ký duyệt và phát hành 3.517 văn bản đi trên phần mềm.

Các phòng thuộc sở đã tiếp nhận, cập nhật, chuyển xử lý văn bản đến và dự thảo văn bản, ký duyệt, phát hành văn bản đi trên phần mềm đạt 100%. Nhờ đó, trong 9 tháng năm 2023, 100% thủ tục hành chính của Sở Tài chính đạt mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.

Để tăng hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành cũng như triển khai các nhiệm vụ chuyên môn, đến nay Sở Tài chính Ninh Thuậnđã triển khai ứng dụng phần mềm theo dõi văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh Ninh Thuận, qua đó đơn vị đã tiếp nhận 307 văn bản trên phần mềm, đã chỉ đạo xử lý và cập nhật 290/307 văn bản được giao trên phần mềm theo đúng quy trình, thời gian quy định, còn 17 văn bản đang trong thời hạn xử lý.

Tỷ lệ báo cáo định kỳ, báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch UBND tỉnh được thực hiện qua hệ thống báo cáo điện tử của tỉnh; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống báo cáo tỉnh Ninh Thuận với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ đạt 100%.

Bên cạnh đó, Sở Tài chính còn ký kết với VNPT Ninh Thuận về nâng cấp hệ thống mạng số liệu chuyên dùng phục vụ cơ quan nhà nước đáp ứng chương trình CĐS nhằm tăng cường công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT); thúc đẩy kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) các cơ quan, đơn vị, địa phương theo chủ trương của UBND tỉnh.

Sở Tài chính Ninh Thuận đã triển khai, khai thác và sử dụng phần mềm CSDL về giá mang lại hiệu quả cho công tác quản lý giá; triển khai kết nối CSDL về giá trên địa bàn tỉnh vào CSDL quốc gia về giá đặt tại Bộ Tài chính, phù hợp với lộ trình triển khai CSDL quốc gia về giá giai đoạn 2 của Bộ Tài chính.

Qua đó, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về giá, điều hành kinh tế, điều tiết giá của Nhà nước trên địa bàn tỉnh; công khai thông tin về giá theo quy định của pháp luật; công khai, minh bạch thông tin về giá, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân khai thác dữ liệu để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần làm lành mạnh giá cả thị trường.

Thực hiện Quyết định số 32/2023/QĐ-UBND ngày 21/6/2023 của UBND tỉnh, Sở Tài chính tổ chức tập huấn phần mềm CSDL về giá trên địa bàn tỉnh giúp các đơn vị trong ngành quản lý CSDL về giá tập trung, thống nhất, an toàn; dễ dàng theo dõi và quản lý, vừa mang tính hiệu quả và tính chính xác cao từng bước giúp giảm tải công tác quản lý. Đồng thời, nâng cao khả năng phục vụ tốt cho công tác tổng hợp, báo cáo liên quan tới giá và quá trình thực thi các chính sách của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh được thuận lợi, kịp thời.

Về công tác bố trí nguồn kinh phí thường xuyên triển khai thực hiện Đề án 06 tại địa phương năm 2023. Trên cơ sở hồ sơ lập dự toán nhu cầu kinh phí chi thường xuyên năm 2023 triển khai thực hiện Đề án 06 của các cơ quan, đơn vị và khả năng cân đối của ngân sách địa phương năm 2023, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2023, kết dư ngân sách tỉnh năm 2021 và tăng thu năm 2023 với hơn 15,5 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ ứng dụng CNTT, Đề án 06 của Chính phủ.

Cụ thể: Đã bố trí cho Sở Thông tin và Truyền thông số tiền 13,056 tỷ đồng đảm bảo ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và thực hiện nhiệm vụ CĐS của tỉnh. Bố trí cho Sở Tư pháp số tiền 800 triệu đồng thực hiện các nhiệm vụ CĐS năm 2023 của ngành. Bố trí cho Sở Khoa học và Công nghệ số tiền 1 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ CĐS cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Kế hoạch số 1061/KH-UBND ngày 22/3/2023 của UBND tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2023 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Bố trí kinh phí trang bị 198 thiết bị đọc chíp, mã QR trên thẻ căn cước công dân cho 7 huyện, thành phố và Sở Y tế số tiền 792 triệu đồng. Bố trí kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị thu nhận hồ sơ định danh điện tử cho Công an tỉnh số tiền 151,8 triệu đồng. Giao bổ sung số tiền 505 triệu đồng cho các cơ quan, đơn vị để thực hiện chính sách hỗ trợ công chức chuyên trách CNTT năm 2023 theo Quyết định số 274/QĐ-UBND ngày 30/5/2023 của UBND tỉnh về việc phê duyệt danh sách cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách CNTT trên địa bàn tỉnh.

Ngoài các nhiệm vụ kể trên, Sở Tài chính còn tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 02/2023/QĐ-UBND ngày 9/1/2023 quy định mức ưu đãi phí, lệ phí khi thực hiện thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến trên địa bàn tỉnh gồm các khoản: Lệ phí cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động cơ sở thể thao, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp; phí bình tuyển, công nhận cây mẹ, cây đầu dòng, vườn giống cây lâm nghiệp, rừng giống.

Sở Tài chính đã hoàn thiện hồ sơ gửi Sở Tư pháp thẩm định để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Ninh Thuận xem xét, thông qua tại kỳ họp cuối năm 2023, dự kiến có thêm 12 loại phí, lệ phí sẽ được giảm khi thực hiện thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến. Chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương đề xuất danh mục phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh và mức giảm thu để xây dựng dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh quy định mức ưu đãi phí, lệ phí đối với người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CĐS của ngành Tài chính còn những vướng mắc và khó khăn như: Nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn sau đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu nên kinh phí dành cho công tác CĐS trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng về CNTT hiện nay chưa được đồng bộ và hiện đại, đường truyền của hệ thống mạng TD-Office có thời điểm rất chậm và có thời điểm không gửi được văn bản đi làm ảnh hưởng đến công tác chuyên môn. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách CNTT trên địa bàn tỉnh còn mỏng và trình độ vẫn chưa đáp ứng được tất cả mọi yêu cầu nên dẫn tới còn nhiều hạn chế cũng như không phát huy hết tiềm năng thế mạnh...

Để hoàn thành nhiệm vụ CĐS năm 2023, từ nay đến cuối năm, Sở Tài chính Ninh Thuận tiếp tục tuyên truyền có hiệu quả các nghị quyết, chương trình, đề án về CĐS của trung ương và tỉnh. Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2314/QĐ-UBND ngày 15/12/2021 của UBND tỉnh; Kế hoạch số 02-KH/BCĐCĐS ngày 9/3/2023 của Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh; Kế hoạch số 956/KH-BĐHCĐS ngày 16/3/2023 của Ban điều hành CĐS tỉnh.

Đồng thời thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 590/KH-UBND ngày 15/2/2022 của UBND tỉnh Ninh Thuận về việc triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Theo Báo Ninh Thuận