Sôi động cuộc đua rót vốn vào khởi nghiệp
Các start-up Việt đang tăng tốc mạnh mẽ trong thời gian qua nhờ sự hoàn thiện khung pháp lý và ngày càng có nhiều nguồn vốn đầu tư sẵn sàng rót vào các mô hình này.
Số liệu cho thấy, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đã có sự cải thiện rõ rệt. So với năm 2016, số lượng không gian làm việc chung tăng hơn 50% với khoảng 70 khu, gần 40 quỹ đầu tư có hoạt động tại Việt Nam. Bên cạnh đó, gần 890 triệu USD vốn đầu tư đã được rót vào các start-up Việt trong cả năm 2018, cao gấp 3 lần năm 2017. Đóng góp vào con số tăng trưởng ấn tượng này là bởi năm qua đã chứng kiến nhiều thương vụ lớn với quy mô trên 50 triệu USD. Điều này cho thấy chất lượng của các start-up Việt đang nâng lên rất nhanh chóng.
Đơn cử như ví điện tử Momo đầu năm 2019 đã gọi vốn thành công vòng 3 từ Warburg Pincus - Công ty quản lý Quỹ đầu tư vốn tư nhân hàng đầu thế giới, với quy mô hơn 50 triệu USD, lớn nhất từ trước tới nay. Theo ông Nguyễn Bá Diệp - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dịch vụ di động trực tuyến Momo, mục tiêu lớn nhất mà DN này đặt ra trong lần gọi vốn thành công này chính là thu hút thêm được nhân tài, đặc biệt là người nước ngoài gia nhập công ty. Thứ hai là nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán để phục vụ khách hàng tốt hơn.
Trước đó, một số thương vụ khác cũng đã gọi vốn thành công trong năm 2018 với quy mô tương đối lớn, gồm Yeah1, Topica, Sendo… Đây đều là những DN đã nhiều lần gọi vốn thành công. Giới chuyên gia nhận định điều này cho thấy một loạt start-up Việt Nam đã chứng minh được năng lực của mình, đồng thời thị trường Việt Nam cũng đã chứng minh được sức hút đối với các NĐT.
Ông Mai Duy Quang - Giám đốc Topica Founder Institute cho rằng, một loạt thương vụ đầu tư thêm vào các start-up trong vòng 3 cho thấy tăng trưởng của các DN khởi nghiệp Việt Nam rất bền vững. Nếu NĐT thấy không hiệu quả thì không thể có chuyện rót thêm tiền.
Bên cạnh đó, năm 2018 cũng chứng kiến sự cạnh tranh sôi động của các quỹ đầu tư. Hiện nay 3 quỹ nội gồm 500 Vietnam, Viisa và ESP đang chiếm 60% tổng số thương vụ đầu tư cho các start-up giai đoạn mới chớm và ươm mầm. Tuy nhiên các quỹ ngoại cũng đang nhanh chân hơn để tranh giành các thương vụ tốt. Trong đó mảng dịch vụ trên nền tảng ứng dụng công nghệ vẫn đang hứa hẹn thu hút nhiều vốn hơn cả.
Bởi theo đại diện các quỹ đầu tư, Việt Nam có nhiều kỹ sư công nghệ thông tin giỏi, thị trường dịch vụ tiêu dùng đang phát triển tốt… Khi rót vốn vào, các quỹ tập trung hỗ trợ thêm bằng cách tư vấn chiến lược để các start-up tránh những sai lầm không đáng có trong quá trình quản trị.
Ngay trong những tháng đầu năm 2019, hàng triệu USD cũng đã được rót vào các start-up Việt, tập trung vào các mảng fintech, du lịch, giáo dục... Gần đây nhất, Logivan - công ty công nghệ được mệnh danh là "Uber xe tải" của Việt Nam đã nhận vốn 5,5 triệu USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm Alpha JWC và hai NĐT khác. Trước đó khoảng 1 tháng, Luxstay là start-up mở đầu làn sóng này.
Theo đó, ứng dụng kết nối cho thuê nhà ngắn hạn có mạng lưới chỗ ở (chung cư, biệt thự, homestay) ở phân khúc trung và cao cấp, đã huy động được 3 triệu USD từ CyberAgent Capital, Y1 Ventures, cùng một số NĐT khác… WeFit, start-up Việt kết nối các phòng tập fitness gọi vốn 1 triệu USD trong vòng 1 từ CyberAgent Capital và một số quỹ đầu tư thiên thần…
Nhìn vào cơ cấu quy mô vốn đầu tư trong năm vừa qua có thể thấy số thương vụ ở vòng 3, là vòng gọi vốn sâu đã khá ấn tượng, trong khi ở vòng 1 là giai đoạn ươm mầm cũng không kém sôi động khi có tới 6 quỹ đầu tư mới với tổng vốn khoảng 500 triệu USD quyết định nhảy vào cuộc chơi ở vòng này.
Tuy nhiên theo giới chuyên gia, để các DN khởi nghiệp tiếp tục bứt phá thì cần trám lỗ hổng về vốn ở vòng 2, là những thương vụ có quy mô từ 2-20 triệu USD, bởi đang có ít NĐT tham gia trong khi vòng này lại có ý nghĩa tăng tốc quan trọng cho một công ty khởi nghiệp.
Cuộc đua gọi vốn cho khởi nghiệp cũng tiếp tục sôi động hơn với sự tham gia của các quỹ hỗ trợ từ Nhà nước. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV, có vốn điều lệ tối thiểu 2.000 tỷ đồng. Như vậy đã có khung pháp lý chính thức đối với hoạt động cho vay vốn từ quỹ đối với DN khởi nghiệp. Ngoài ra, quỹ cũng tài trợ vốn cho DN khởi nghiệp sáng tạo theo hình thức cấp vốn không hoàn lại, mức tài trợ tối đa 1 tỷ đồng/dự án.