Sôi nổi hoạt động M&A tại Đông Nam Á

Theo nfsc.gov.vn

(Tài chính) Với điều kiện cho vay thuận lợi, các doanh nghiệp Đông Nam Á đang tăng cường mua lại và sáp nhập, nhằm mở rộng mạng lưới hoạt động ra ngoài khu vực.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trưởng phòng M&A Đông Nam Á Eugene Gong tại Deutsche Bank nhận định, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Đông Nam Á có tham vọng vươn mình ra các thị trường quốc tế như châu Âu, Mỹ và Australia thông qua những thương vụ mua lại và sáp nhập (M&A).

Theo thống kê của Dealogic, giá trị các thương vụ M&A của khối doanh nghiệp Đông Nam Á với các công ty nước ngoài đã đạt kỷ lục 30,9 tỷ USD tính đến thời điểm hiện tại của năm 2014.

Một số thương vụ M&A gần đây của Singapore và Philippines là những ví dụ điển hình cho tham vọng toàn cầu của khối doanh nghiệp Đông Nam Á.

Tuần trước, công ty Frasers Centrepoint, được niêm yết tại Singapore, đã đạt được thỏa thuận vô điều kiện với công ty bất động sản Australand của Australia dưới sự bảo trợ của ngân hàng Deutsche Bank, Standard Chartered và SMBC. Sau đó, phải kể đến thương vụ mua lại giữa công ty thương mại nông sản Wilmar & First Pacific của Singapore và công ty thực phẩm Goodman Fielder của Australia.

Tại Philippines, tập đoàn Universal Robina đạt được thỏa thuận mua lại công ty thực phẩm Griffin's Foods của New Zealand trong tháng 7. Trước đó, Emperador cũng chấp thuận mua hãng rượu whisky United Spirits’ Whyte & Mackay hồi tháng 5.

Mãi đến khi thu hút được sự chú ý của giới đầu tư nước ngoài, Đông Nam Á mới thoát khỏi cái bóng quá lớn của Trung Quốc. Ông Gong cho biết, trong những năm gần đây, các công ty đa quốc gia ngày càng tập trung mở rộng mạng lưới hoạt động tại Đông Nam Á thông qua các thương vụ M&A. Trước đó, phần lớn các tập đoàn quốc gia này dồn sự chú ý vào Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo số liệu của Dealogic, tổng giá trị M&A nhằm vào khu vực Đông Nam Á đã tăng 39,8 tỷ USD tính đến thời điểm hiện tại của năm 2014, giảm 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia là 4 nước có các doanh nghiệp được mua lại nhiều nhất khu vực.

Tuy nhiên, hoạt động đầu tư vào Đông Nam Á vẫn gặp nhiều khó khăn. Một trong những thách thức đặt ra là sự bất ổn trong pháp lý.

Năm ngoái, ngân hàng lớn nhất của Singapore (DBS) đã phải từ bỏ thương vụ mua lại cổ phiếu của ngân hàng lớn thứ 6 Indonesia (Danamon) trị giá hàng tỷ USD. Nguyên nhân là, quy định của Indonesia không cho phép DBS nắm giữ cổ phần chi phối tại Danamon.

Ông Gong dự báo, xu hướng M&A sẽ tăng trưởng mạnh hơn nữa tại Đông Nam Á khi các công ty cổ phần tư nhân ngày càng hứng thú thành lập nhiều quỹ đầu tư để tăng cường sức ảnh hưởng trong khu vực.