Sớm ban hành thông tư hướng dẫn cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
Hiện nay, Bộ Tài chính đang tiếp thu các ý kiến góp ý của địa phương, tích cực hoàn thiện nội dung dự thảo Thông tư hướng dẫn cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) để sớm ban hành.
Gửi kiến nghị tới Bộ Tài chính, cử tri tỉnh Lâm Đồng đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện các nội dung tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL và sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP nhằm đảm bảo triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL; trong đó có nội dung hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp công thuộc nhóm 1 và nhóm 2 xây dựng phương án tiền lương và trình tự thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án tiền Iương.
Trường hợp chưa thực hiện ngay việc chi trả thu nhập cho người lao động theo cơ chế tiền lương mới quy định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, cử tri đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành Nghị định điều chỉnh Nghị định số 60/2021/NĐ-CP đối với nội dung xây dựng phương án trả lương và thu nhập cho phù hợp.
Đồng thời, cử tri cũng kiến nghị tiếp tục cho các đơn vị sự nghiệp công thực hiện cơ chế chi trả tiền lương và thu nhập tăng thêm như đã thực hiện trong năm 2021 cho đến khi thực hiện cơ chế tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Trả lời kiến nghị cử tri, Bộ Tài chính cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan để trình Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của các ĐVSNCL.
Trong đó, Nghị định đã thể hiện các quan điểm chi đạo và mục tiêu nêu tại Nghị quyết số 19/NQ-TW và Nghị quyết số 27/NQ-TW về cơ chế tiền lương. Theo đó, về lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN), để đảm bảo thực hiện theo đúng mục tiêu của Nghị quyết số 19/NQ-TW, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP đã quy định: Đến hết năm 2021, cơ bản hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công.
Về xác định mức độ tự chủ tài chính, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP đã quy định việc xác định mức độ tự chủ tài chính của ĐVSNCL theo hướng tách bạch giữa thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao và hoạt động không sử dụng NSNN mà đơn vị được tự quyết định theo quy định pháp luật.
Về cơ chế tự chủ chi trả tiền lương, để cụ thể hóa định hướng đổi mới cơ chế tài chính của ĐVSNCL theo Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị quyết số 27-NQ/TW, thể hiện sự khác biệt giữa các ĐVSNCL có mức độ tự chủ tài chính khác nhau, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP đã quy định chi trả tiền lương kể từ thời điểm chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW có hiệu lực thi hành.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã có Vông văn số 8469/BTC-HCSN ngày 29/7/2021 gửi lấy ý kiến các bộ, địa phương; đồng thời đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Tài chính về dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL. Bộ Tài chính đã tổng hợp ý kiến của cácbộ, địa phương để hoàn thiện dự thảo Thông tư, trong đó có nhiều ý kiến về cơ chế chi trả tiền lương, thu nhập và phân phối kết quả hoạt động của ĐVSNCL.
Tuy nhiên, do ảnh hường nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19 đến tình hình kinh tế xã hội, ngày 13/11/2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 34/2021/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, trong đó tại khoản 1 Điều 3 quy định: “Lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995 ”. Theo đó, khi phê duyệt phương án tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, các ĐVSNCL sẽ chưa thực hiện ngay việc chi trả thu nhập cho người lao động theo cơ chế tiền lương mới quy định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, năm 2020-2021, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu của các ĐVSNCL, đặc biệt là đối với các đơn vị trong lĩnh vực y tế và lĩnh vực đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, do đó việc đánh giá tình hình thực Nghị quyết số 19-NQ/TW nhằm mục tiêu đề xuất phương án tự chủ cho giai đoạn tiếp theo sẽ không đảm bảo được tính đầy đủ, khách quan. Từ đó, ảnh hưởng đến việc xác định mức độ tự chủ của các đơn vị trong thời kỳ ổn định tiếp theo.
Vì vậy, để có cơ sở pháp lý ban hành Thông tư hướng dẫn cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL phù hợp với bối cảnh tình hình thực tế, Bộ Tài chính đã có 02 văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ/Chính phủ đề nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép các ĐVSNCL tiếp tục được thực hiện cơ chế chi trả thu nhập tăng thêm như trong năm 2021 đến khi chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW có hiệu lực thi hành. Đối với các nội dung quy định khác về cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL vẫn thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.
Tuy vậy, ngày 09/3/2022, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về đề xuất của Bộ Tài chính. Trong đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phố hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, cơ quan liên quan rà soát các quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP; trường hợp có nội dung cần sửa đổi, bổ sung, các Bộ thống nhất phương án, đảm bảo đúng quy định, đủ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60/2021/NĐ-CP theo đúng trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương đánh giá tình hình thực tế triển khai các quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, trên cơ sở đó đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các bộ, địa phương, Bộ Tài chính tiếp tục có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về một số khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ- CP và đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép các ĐVSNCL được tiếp tục thực hiện phương án tự chủ đã được duyệt đến hết năm 2022. Đối với những ĐVSNCL chưa được phê duyệt phương án tự chủ tài chính thì thực hiện phê duyệt phương án tự chủ tài chính của năm 2022.
Như vậy, Bộ Tài chính đã chủ động có các văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ/Chính phủ xin ý kiến tháo gỡ về cơ chế tự chủ tài chính của các ĐVSNCL. Hiện nay, trong khi đợi ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vê nội dung đề xuất nêu trên, tiếp thu các ý kiến góp ý của địa phương, Bộ Tài chính đang tích cực hoàn thiện nội dung dự thảo Thông tư hướng dẫn cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL để sớm ban hành.