Sớm khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía bắc

PV.

Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 58/VPCP-KTTH ngày 3/1/2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh biên giới phía bắc.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu sớm khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía bắc.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu sớm khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía bắc.

Công văn nêu rõ, xét đề nghị của UBND tỉnh Lạng Sơn về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa, tình trạng ùn tắc nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng, Y tế, Thông tin và Truyền thông, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 350/TB-VPCP ngày 27/12/2021 về tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía bắc.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị của UBND tỉnh Lạng Sơn trong quá trình thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng và theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao để sớm khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh biên giới phía bắc.

Trước đó, ngày 27/12/2021, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 350/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp trực tuyến về việc tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía bắc.

Theo đó, để sớm khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Văn bản số 9249/VPCP-KTTH ngày 18/12/2021 và các chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ có liên quan, trong đó lưu ý tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Cụ thể, về giải pháp trước mắt, mục tiêu là giải phóng trong thời gian sớm nhất hơn 5.000 xe hàng hóa xuất khẩu đang ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới trên địa bàn 02 tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh.

Do đó, Chính phủ giao Giao Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương và các địa phương tỉnh biên giới phía Bắc tiếp tục làm việc, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các địa phương, cơ quan chức năng phía Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi tăng thời gian thông quan và lượng hàng hóa thông quan.

Giao Chủ tịch UBND các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh và các tỉnh có cửa khẩu đánh giá tình trạng ùn tắc hàng hóa xuất khẩu tại các cửa khẩu trên địa bàn, quyết định điều phối và thông báo cho các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp trên cả nước, trên phương tiện thông tin đại chúng về việc tạm dừng hoặc cho phép tiếp tục đưa hàng hóa lên cửa khẩu biên giới; bảo đảm không để ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu, giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp và người dân.

Phó Thủ tướng cũng giao các Bộ: Tài chính (Tổng cục Hải quan), Công Thương, Ngoại giao phối hợp với các tỉnh biên giới và cơ quan liên quan khẩn trương tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho hàng hóa từ phía cửa khẩu biên giới phía Trung Quốc sớm nhập khẩu về Việt Nam. Bộ Y tế, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) và các địa phương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng “vùng xanh”, “luồng xanh” ở khu vực cửa khẩu biên giới (vùng an toàn dịch bệnh) với quy trình, tiêu chuẩn phòng chống dịch hài hòa với phía Trung Quốc.

Về giải pháp lâu dài, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương chủ động tổ chức các hội nghị cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, nhà sản xuất, người dân để chủ động có phương án sản xuất, thu hoạch, bảo quản, đóng gói, vận chuyển và tiêu thụ phù hợp, hiệu quả. UBND các tỉnh, thành phố sản xuất nông sản phối hợp với các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo người dân, doanh nghiệp sản xuất theo nhu cầu thị trường, đảm bảo đáp ứng các quy trình, quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, vận chuyển, truy xuất nguồn gốc để chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch đối với hàng nông sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ đàm phán về quản lý chất lượng để tăng số lượng trái cây được chính thức xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, đẩy nhanh đàm phán nghị định thư với Trung Quốc để giảm tỷ lệ nông sản Việt Nam phải kiểm tra khi xuất khẩu vào Trung Quốc. Hoạt động tạm nhập, tái xuất, quá cảnh hàng hóa thực hiện theo quy định hiện hành và các cam kết quốc tế, bảo đảm giám sát chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng lợi dụng, gian lận thương mại.

Các địa phương biên giới phía Bắc chú trọng đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, kho bãi, bố trí địa điểm tập kết hàng hóa và phương tiện không quá gần cửa khẩu để hạn chế ùn tắc, kiểm soát, kiểm dịch từ xa.