Sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong mua bán nợ

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 9/2020

Sau 16 năm hoạt động, với vai trò là công cụ quan trọng của Chính phủ để hỗ trợ quá trình sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tổ chức kinh doanh theo cơ chế thị trường, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã luôn thực hiện tốt “sứ mệnh” được giao. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cần tháo gỡ để DATC phát huy tốt hơn nữa vai trò, vị thế của mình.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thực hiện tốt “sứ mệnh” được giao

Chính thức đi vào hoạt động năm 2004 đến nay, về cơ bản DATC đã hoàn thành tốt chức năng và nhiệm vụ được giao, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các nhiệm vụ mới trong giai đoạn tiếp theo.

Theo đó, DATC đã tích cực tham gia mua, xử lý nợ xấu trên 90.000 tỷ đồng, góp phần quan trọng xử lý nợ xấu của nền kinh tế, khẳng định vị thế, vai trò là công cụ của Chính phủ trong quá trình thực hiện xử lý nợ xấu và thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp (DN).

DATC đã hỗ trợ xử lý nợ của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đặc biệt khó khăn khi thực hiện chuyển đổi hoặc tái cơ cấu tài chính, điển hình như: Vinashin (nay là SBIC), Vinalines, Tổng Công ty Dâu tằm tơ, Tổng Công ty Thực phẩm miền Bắc, Haprosimex... Đối với Vinalines, DATC đã mua và xử lý 4.915 tỷ đồng nợ phải trả tại các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước…

Bên cạnh đó, DATC đã tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ trong quá trình sắp xếp, chuyển đổi sở hữu của 2.628 DNNN (gồm 1.022 DN của Trung ương và 1.606 DN địa phương), với tổng giá trị các khoản nợ và tài sản tính theo sổ sách kế toán đã tiếp nhận là 4.425,9 tỷ đồng.

Kết quả này góp phần làm lành mạnh tình hình tài chính của DN, thúc đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, chuyển đổi sở hữu DNNN. Lũy kế đến nay, DATC đã xử lý và thu hồi về cho Nhà nước khoảng 673,4 tỷ đồng từ những khoản nợ và tài sản tưởng như không còn giá trị được loại ra khi sắp xếp, cổ phần hóa các DNNN.

Đối với hoạt động tái cơ cấu DN thông qua xử lý nợ mà trọng tâm là chuyển đổi sở hữu DNNN không đủ điều kiện cổ phần hóa, từ năm 2004 đến nay, DATC đã thực hiện tái cơ cấu cho 173 DN. Qua đó, DATC đã giúp DN giảm bớt áp lực về tài chính, từng bước phục hồi và ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao động và có đóng góp cho ngân sách.

Khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động

Mặc dù, hoạt động của DATC đã đạt được những kết quả nhất định nhưng trong quá trình hoạt động cũng phát sinh những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.

Trong quá trình hoạt động 16 năm qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của DN nói chung và DATC nói riêng đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, như: Luật DN 2014, Luật Đầu tư 2014 và Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN năm 2014; và một số nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các thông tư hướng dẫn có liên quan đến hoạt động mua bán nợ và thoái vốn.

Tuy nhiên, văn bản pháp lý cao nhất điều chỉnh riêng cho hoạt động của DATC vẫn là Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg ngày 5/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập DATC và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, nên việc hướng dẫn cơ chế hoạt động còn hạn chế do liên quan đến vấn đề thẩm quyền quy định.

Hiện tại, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, hoàn tất và trình Chính phủ dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung mới so với quy định hiện hành. Nghị định được ban hành sẽ là lực đẩy quan trọng để DATC phát triển mạnh mẽ hơn.

Ngoài ra, hoạt động của DATC đòi hỏi sự phối hợp của nhiều chủ thể khác nhau, bao gồm cả DN và các bộ, ngành, địa phương, do đó việc ban hành mới Nghị định quy định sẽ giúp nâng cao địa vị pháp lý của DATC, tăng cường tính tuân thủ các chủ thể trong quá trình phối hợp với DATC thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là nhiệm vụ chính trị được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Bên cạnh đó, hoạt động của DATC có nhiều điểm đặc thù, khác biệt như các hoạt động mua nợ xấu, tái cơ cấu DN và thoái vốn; mua, xử lý nợ gắn với việc hình thành các loại tài sản khác nhau, cần phải tiếp quản và khai thác có hiệu quả; lĩnh vực hoạt động vừa gắn với lĩnh vực tín dụng ngân hàng, vừa gắn với các hoạt động của DN sản xuất kinh doanh thông thường.

Theo quy định hiện tại, thì phạm vi xử lý nợ, tái cơ cấu DN của DATC chỉ tập trung ưu tiên cho khối DNNN thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu, tuy nhiên, số lượng DNNN cần thực hiện sắp xếp không còn nhiều (240 DN).

Trong khi đó, quy mô nợ xấu và số lượng các DN thuộc thành phần kinh tế khác, bao gồm cả khối DN FDI cần sự hỗ trợ xử lý nợ, tái cơ cấu của DATC trong thời gian tới ngày càng tăng, kể cả về quy mô và số lượng. Như vậy, đối tượng phục vụ của DATC không chỉ có các DNNN mà sẽ bao gồm khu vực tư nhân với tính chất sở hữu và hoạt động khác hẳn so với DNNN, nên cần phải có những quy định pháp lý mới cho DATC hoạt động phù hợp hơn.

Bên cạnh đó, cơ chế hoạt động của DATC cũng phát sinh một số bất cập, việc chưa điều chỉnh kịp thời so với định hướng phát triển cũng như những quy định mới được sửa đổi, bổ sung thời gian qua, dẫn đến hạn chế trong thực hiện vai trò, nhiệm vụ được giao của DATC.

Cụ thể: (i) Về đối tượng mua, bán nợ mới tập trung chủ yếu vào DNNN, mức độ xử lý tài chính; (ii) Về hỗ trợ vốn và bảo lãnh vay vốn đối với DN tái cơ cấu; (iii) Thiếu các cơ chế chủ động trong xử lý nợ tại DN tái cơ cấu; (iv) Vướng mắc về cơ chế, trình tự, thủ tục xử lý nợ xấu của DN tại Ngân hàng phát triển Việt Nam và Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam...

 Những hạn chế trên đã làm giảm hiệu quả hoạt động mua bán xử lý nợ, từ đó ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ của DATC cũng như quá trình phục hồi DN. Vì vậy, cần sớm sửa đổi, bổ sung về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực mua bán nợ, xử lý tài sản và tái cấu trúc DN, phục hồi sản xuất kinh doanh cho các DN, khách nợ trong thời gian tới để tạo thuận lợi cho DATC hoạt động.