DATC tham gia tái cơ cấu hiệu quả nhiều doanh nghiệp


Với vai trò là công cụ của Nhà nước trong việc mua bán xử lý nợ, chuyển đổi quyền chủ nợ từ các tổ chức tín dụng, thời gian qua, Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã tham gia xử lý, làm lành mạnh tài chính cho các DN lâm vào tình trạng thua lỗ, khôi phục sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, các quy định hiện hành lại đang hạn chế phạm vi hoạt động của DATC...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Xử lý hiệu quả nhiều “ông” lớn nhưng…

Năm 2019 đánh dấu hiệu quả hoạt động của DATC bằng việc tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao liên quan đến tái cơ cấu nợ của hàng loạt ông lớn như: Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ (SBIC); Tổng công ty hàng hải Việt Nam (CTCP Vinalines); Công ty cổ phần thực phẩm miền Bắc thuộc Tổng công ty thuốc lá Việt Nam, Công ty Haprosimex…

Việc DATC xử lý thành công tái cơ cấu nợ của các DN lớn đã góp phần nâng cao năng lực tài chính, từng bước phục hồi hoạt động của các DN này. Điển hình tại SBIC, ngoài việc tập trung triển khai công tác theo dõi, giám sát thanh lý nhượng bán tài sản bảo đảm, tài sản hình thành từ nguồn trái phiếu DATC, DATC còn phối hợp đôn đốc SBIC đẩy nhanh việc phân chia và quản lý nguồn thu từ xử lý tài sản theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính.

DATC cũng phối hợp với SBIC báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp thẩm quyền về những vướng mắc trong quá trình bán tài sản, phân chia nguồn thu từ bán tài sản; tích cực tham gia ý kiến các nội dung liên quan đến tái cơ cấu SBIC theo yêu cầu của Bộ Tài chính… Kết quả, luỹ kế thu hồi nợ của SBIC đạt 259 tỷ đồng.

Tương tự tại Vinalines, DATC tiếp tục triển khai đàm phán mua và xử lý các khoản nợ phải thu của các tổ chức tín dụng và các DN thành viên. Kết quả, năm 2019, doanh số mua nợ trong năm đạt 282,7 tỷ đồng, doanh thu 366 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2015 đến nay, tổng giá trị khoản nợ DATC đã mua từ các tổ chức tín dụng đạt 9.154 tỷ đồng.

Theo đánh giá, việc DATC hỗ trợ Vinalines và các DN thành viên xử lý nợ đã góp phần giúp các DN giảm áp lực trả nợ, cân đối dần về mặt tài chính, tiết giảm chi phí tài chính, dần nâng cao hiệu qủa hoạt động sản xuất kinh doanh. Tại Công ty thực phẩm miền Bắc, DATC tiếp tục thực hiện phương án tái cơ cấu DN, đẩy nhanh các thủ tục để hoàn thành việc quyết toán và bàn giao từ DNNN sang công ty cổ phần.

Đại diện DATC cho biết, thông qua công tác mua nợ, chuyển đổi quyền chủ nợ từ các tổ chức tín dụng, trong năm 2019 DATC đã xử lý nợ, tái cơ cấu tài chính cho 8 DN đang lâm vào tình trạng thua lỗ, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả. Sau khi xử lý tài chính, công ty đã chuyển nợ thành vốn góp đầu tư tại 1 doanh nghiệp. Việc tái cơ cấu DN, chuyển nợ thành vốn góp của DATC, DATC đã thực hiện đổi mới công tác quản trị, khôi phục sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực hoạt động của DN. Cùng với đó, công tác quản lý vốn đầu tư tại các doanh nghiệp có vốn góp của công ty trong năm 2019 tiếp tục được đổi mới theo hướng tăng cường giám sát các hoạt động của DN, không ngừng nâng cao trách nhiệm của tập thể, cá nhân được giao nhiệm vụ đại diện vốn đã góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý vốn.

Cơ chế không còn phù hợp

Đầu tháng 4/2020, tại phiên họp lần thứ 9 Ban chỉ đạo xử lý các yếu kém của một số dự án và DN chậm tiến độ thuộc ngành Công thương, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu DATC nghiên cứu, tham gia quá trình tái cơ cấu theo đúng vai trò, chức năng trong quá trình thoái vốn nhà nước tại các dự án này. Bộ Tài chính chỉ đạo và tạo điều kiện để DATC tham gia tái cơ cấu các dự án, DN theo quy định pháp luật, cố gắng giảm thiểu thiệt hại tối đa cho Nhà nước.

Mặc dù, việc tham gia vào xử lý nợ, tái cơ cấu các dự án thua lỗ là hết sức cần thiết do sẽ phát huy được khả năng của DATC là công cụ xử lý nợ, tài sản tồn đọng, tái cơ cấu DN mà đơn vị này đã thực hiện tốt trong 17 năm qua. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các quy định hiện hành tại một số văn bản như Nghị định số 126/2017/NĐ-CP lại đang làm hạn chế phạm vi hoạt động vốn là thế mạnh của DATC là mua nợ để tái cơ cấu DN.

Theo quy định, DATC chỉ tham gia tái cơ cấu các DNNN thuộc danh mục Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần khi cổ phần hóa sau khi xử lý tài chính và xác định giá trị DN mà giá trị thực tế của DN thấp hơn các khoản nợ phải trả (âm vốn chủ sở hữu). Nếu DATC chỉ thực hiện tái cơ cấu đối tượng DN trên, thì số lượng DN được tái cơ cấu sẽ rất hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động kinh doanh của DATC.

Do đó, để phát huy vai trò của DATC trên thị trường mua bán nợ, tham gia tái cơ cấu DN hiệu quả, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải sớm nâng cao địa vị pháp lý của Công ty này, trong đó sớm ban hành nghị định quy định về chức năng, cơ chế hoạt động cho DATC. Cụ thể, bổ sung một số quy định mới để phù hợp với một số văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành và đặc thù hoạt động của DATC.

Theo đó, mở rộng đối tượng mua, bán nợ; mức độ xử lý tài chính đối với các doanh nghiệp khách nợ; hỗ trợ vốn và bảo lãnh vay vốn với DN tái cơ cấu; các cơ chế chủ động trong xử lý nợ tại doanh nghiệp tái cơ cấu; chế độ trích lập dự phòng nợ mua, dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đối với các khoản vốn góp của DATC; phương thức thoái vốn phù hợp với đặc thù hoạt động…

Ngoài ra, cần ban hành cơ chế hiện đang áp dụng đối với DN tương đồng về hoạt động kinh doanh mua bán, xử lý nợ đối với DATC. Điển hình như Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) trong tham gia xử lý nợ xấu của các tổ chức kinh tế, tham gia hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ có tổ chức và có sự quản lý của Nhà nước; cơ chế tiếp nhận nợ và tài sản của các đơn vị sự nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa theo quy định của Chính phủ. Khi có đầy đủ các cơ chế, chính sách thì DATC với vai trò là công cụ của Nhà nước thông qua hoạt động mua bán xử lý nợ tham gia tái cơ cấu tài chính, phục hồi DN sẽ phát huy được hết hiệu quả.