Sóng biển Đông không "dập" được thị trường

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Những thông tin xấu hôm nay tưởng như sẽ vùi dập thị trường nhưng hóa ra lại chỉ kích động dòng tiền lớn bên ngoài nhập cuộc nhanh hơn. Những đợt bán tháo ồ ạt đã không khiến người mua run sợ, mà trái lại, chỉ góp phần tạo thanh khoản đột biến.

 Sóng biển Đông không "dập" được thị trường
Giá sụt mạnh tạo cơ hội bắt đáy hôm nay. Nguồn: internet
Lòng tham hiện diện

Thị trường hôm nay phải chịu sức ép “kép” từ hàng loạt tin xấu, tất cả đều đã xuất hiện trước giờ giao dịch và chỉ còn chờ thị trường mở cửa để tác động. Đầu tiên là sự kiện nâng tỷ giá đột ngột. Tiếp đến là việc Trung Quốc kéo thêm dàn khoan ra biển đúng vào thời điểm thị trường kỳ vọng vào một giải pháp ngoại giao.

Sự hoảng loạn đã diễn ra, ít nhất là trong phần lớn thời gian giao dịch buổi sáng. Ngay lúc mở cửa, HSX đã chứng kiến VN-Index mất 0,89% với khối lượng bán tống ra gần 6,6 triệu cổ phiếu. Khoảng 78,8 tỷ đồng giá trị cổ phiếu bị bán ra để thu hồi tiền mặt về là sức ép mạnh chưa từng có trong 8 phiên mở cửa gần đây. Ngày 9/6 vừa qua, đợt mở cửa đạt giá trị 82,5 tỷ đồng nhưng đó lại là một phiên tăng. Nếu chỉ tính các phiên mở cửa tháo chạy với quy mô lớn, hôm nay chỉ xếp sau những phiên hoảng loạn đầu tháng 5, khi lần đầu tiên thị trường phản ứng với sự kiện biển Đông.

Chỉ trong khoảng 15 phút sau khi mở cửa, Vn-Index rơi thẳng xuống 558,65 điểm, mất 2% so với tham chiếu. Chưa hết, đợt phục hồi nhẹ sau đó diễn ra ngắn và lại nối tiếp bằng một đợt rơi mới với VN-Index quay lại 560,79 điểm.

Những biến động liên tục trong nửa đầu phiên sáng đã chứng thực tâm lý chưa thực sự ổn định và nhà đầu tư vẫn còn phản ứng thái quá trước những biến động bất ngờ. Tuy nhiên, đó chỉ là phản ứng của những nhà đầu tư bi quan. Thị trường luôn có những quan điểm trái chiều và hôm nay, đến lượt nhà đầu tư lạc quan thể hiện.

Có hai lực mua đáng kể hôm nay, xuất phát từ lực lượng bắt đáy và của nhà đầu tư trong nước, vốn đang mong mỏi những đợt sụt giảm như vậy để có thể mua được giá tốt. Tổng hợp dòng tiền bắt đáy đã tạo nên sóng hồi rất đáng kể. VN-Index chốt ngày chỉ còn giảm 0,47%. HNX-Index giảm 0,54%.

Thanh khoản thị trường tăng vọt 25% về khối lượng và 30% về giá trị so với hôm qua, đạt khoảng 187,1 triệu cổ phiếu và 2.312,3 tỷ đồng.

Nếu như nửa đầu phiên sáng là sự lo sợ của số lớn nhà đầu tư cầm cổ thì toàn bộ thời gian còn lại là sự tự tin của nhà đầu tư cầm tiền. Mức giá rơi quá nhanh và quá mạnh đã giúp họ có được cơ hội tham gia thị trường cực kỳ thuận lợi. Những nhà đầu tư do dự hẳn cũng có sự tự tin hơn khi giá rơi đến mức mà bình thường phải mất cả tuần điều chỉnh.

Rốt cục thì thanh khoản cũng đã chứng minh lòng tham vẫn đang hiện diện. Hàng ngàn tỷ đồng lao vào mua trong một phiên mà đáng lẽ thị trường phải rối loạn vì những thông tin tiêu cực. Sự khác biệt chính là ở chỗ đó.

Hàng đầu cơ ngược sóng

Top 5 giao dịch NĐTNN

Mã CK

KL mua ròng

GT mua ròng
(tỉ đồng)

STB

3.904.380

81,5

DPM

1.105.010

35,8

PVD

185.250

15,5

HPG

199.240

10,3

CSM

252.600

9,8

Mã CK

KL bán ròng

GT bán ròng
(tỉ đồng)

VIC

127.820

8,2

HAG

343.380

8,2

KBC

607.540

6,4

VCB

212.750

5,5

GAS

32.060

3,3

Cả hai sàn lúc đóng cửa chiều nay có trên 100 mã tăng giá. Không nhiều các cổ phiếu blue-chips lọt được vào đây và những mã đầu cơ nhỏ mặc sức tung hoành. Lợi thế về khả năng thanh khoản khống chế đã giúp những mã này đi ngược sóng giảm trong phiên. Dòng tiền đầu cơ vẫn đủ sức nâng đỡ giá và tạo biến động trái chiều thị trường.

Hai sàn xuất hiện khá nhiều các giao dịch cực mạnh ở các mã đầu cơ. Bất ngờ kịch trần là SZL, VNE, CMX, ATA hay tăng mạnh với thanh khoản lớn như KSK, PVC, SVC, BGM, BSI…

Không nhiều cổ phiếu thực sự mạnh nhưng ít nhất nhóm tăng rất tốt nói trên cũng chứng thực một điều: Dòng tiền đầu cơ vẫn đang tích cực hoạt động và chấp nhận rủi ro rất lớn khi thị trường chung không được tích cực. Với những phiên tràn ngập tin xấu như hôm nay, việc đẩy giá lên với mức độ lớn như vậy gặp rủi ro thất bại là cao.

Tuy nhiên người mua hôm nay đã thành công vì ít nhất thị trường lại tỏ ra mạnh mẽ với lực cầu bắt đáy ở diện rất rộng. Đây cũng có thể là yếu tố may mắn trùng hợp nhưng cũng là biểu hiện của sự tự tin.

Khối ngoại “trúng quả đậm”

Ngày áp chót hạn cuối cùng tái cân bằng danh mục, quỹ VNM có lẽ không mong gì hơn có được một phiên sụt giảm mạnh hơn hôm nay để mua vào với các cổ phiếu mục tiêu. Nhiệm vụ của quỹ này là giao dịch để cân bằng danh mục theo kế hoạch nên cũng không chịu nhiều áp lực về giá tăng giảm. Tuy nhiên rõ ràng là quỹ sẽ được lợi nếu mua được ở giá thấp và bán được ở giá cao, hoặc giảm được chi phí giao dịch.

Hàng trăm tỷ đồng đã được giải ngân thuận lợi ở nhiều cổ phiếu. DPM, HPG, PVD, STB là những mã có biến động giảm thuận lợi cho việc mua vào hàng chục tỷ đồng giá trị cổ phiếu. Điển hình như STB được giải ngân trên 83,5 tỷ đồng, DPM là trên 37,1 tỷ đồng. STB có lúc giảm 2,86% và DPM giảm 1,53%.

Nhiều cổ phiếu khác được nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh đa số là giảm sâu hôm nay như CSM, HPG, PVD, HSG, CTG, DRC, VND, PVS, PVC…

Tổng cộng đã có 262,8 tỷ đồng vốn được khối ngoại tung ra mua hôm nay, chưa kể các giao dịch khớp lệnh. Con số này tăng 48% so với hôm qua. Lượng vốn mua ròng cả hai sàn khớp lệnh là 168,6 tỷ đồng, cao nhất 14 phiên.

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

1.653,9 tỷ đồng (+37%)

122 triệu (+28%)

658,4 tỷ đồng (+17%)

65,1 triệu (+20%)

5 cổ phiếu đạt giá trị giao dịch cao nhất

HSX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)

HNX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)

FLC (137) - (8,3%)

KLF (91,8)-(13,9%)

SSI (132,2) - (8%)

KLS (58,8)- (8,9%)

STB (87,6) - (5,3%)

SCR (58,5) - (8,9%)

HAG (67,3) - (4,1%)

PVS (47,6) - (7,2%)

HCM (58,3) - (3,5%)

FIT (45,8) - (7%)