Sống chung với… chảy chất xám

Theo Báo Đầu tư

Để đối phó với tình trạng công ty đối thủ luôn rình rập để lôi kéo nhân sự chủ chốt, các ông chủ doanh nghiệp hãy chấp nhận “sống chung với lũ” và chuẩn bị lực lượng nhân sự kế thừa.

Sống chung với… chảy chất xám
Đang thiếu lại càng thiếu hơn

Nhiều doanh nghiệp thừa nhận, giữ chân nhân tài là thách thức số một trong chiến lược về nguồn nhân lực. Đa phần các doanh nghiệp cho biết, họ đã thực hiện nhiều biện pháp như phân bổ người từ trên xuống; triển khai quản lý nhân sự theo hiệu quả công việc; tăng lương..., nhưng vẫn không thành công. Trong khi đó, các công ty săn đầu người, các đối thủ luôn rình rập để lôi kéo các nhân sự chủ chốt.

Hiện tượng “chảy máu chất xám” nêu trên đang trở thành vấn đề đau đầu đối với các ông chủ doanh nghiệp. Thực tế, nguồn cung trên thị trường lao động đang dư thừa lao động phổ thông, trong khi tình trạng thiếu nhân lực giỏi, có trình độ và kỹ năng chuyên môn cao diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực, từ tài chính - ngân hàng, công nghệ thông tin, thiết kế kiến trúc, sản xuất cho đến truyền thông…

Nghiêm trọng hơn, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế kéo dài như hiện nay, việc thiếu một hệ thống nhân lực tinh gọn, có hiệu quả làm việc cao đang khiến các doanh nghiệp mất khả năng cạnh tranh, thiếu ổn định.

Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho biết, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, quảng cáo đều phải tuyển dụng nhân sự từ các ngành ngoại ngữ, báo chí, kinh tế…, rồi tiến hành đào tạo lại. Song khi đã đào tạo đội ngũ nhân sự đủ lông, đủ cánh, doanh nghiệp lại phải đối mặt với nguy cơ bị các đối thủ chiêu dụ mất.

Chấp nhận sống chung với lũ

Ông Macro Breu, Quản lý nhân sự của McKinsey& Company cho hay, các ông chủ doanh nghiệp nên chấp nhận sống chung với tình trạng nhảy việc của nhân viên và chuẩn bị lực lượng nhân sự để kế thừa. 

Đồng tình với quan điểm trên, ông Chris Harvey, Tổng giám đốc VietnamWorks cho rằng, khi nhân viên viên giỏi ra đi vì bị đối thủ lôi kéo, các ông chủ doanh nghiệp, thay vì quá nôn nóng muốn giữ chân người tài hoặc đi săn người bổ sung, thì nên có chiến lược quy hoạch lực lượng nhân sự kế thừa. Không ai muốn nhân sự giỏi ra đi, nhất là sang công ty đối thủ, nhưng hãy tạo văn hóa làm việc chuyên nghiệp là để mọi sự ra đi thật êm ấm. Khi đó, những người còn lại ở công ty sẽ không bị xao động.

Thực tế, những doanh nghiệp đã và đang chủ động trong việc xây dựng và phát triển nguồn lực cho mình đều là những doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh trước bất kỳ đối thủ ngoại nào. Trường hợp của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) là một ví dụ. Với tầm nhìn “con người là yếu tố quyết định thành công”, Vinamilk đã xây dựng lực lượng lao động kế thừa bằng cách ký hợp đồng đào tạo dài hạn với Trường đại học Matxcơva để cử con em của cán bộ, nhân viên sang học.

Ngoài ra, tăng lương cũng là một chiêu cạnh tranh giữa các công ty, nhưng đây không phải là giải pháp an toàn, đặc biệt là với đối thủ ngoại.