"Sóng" lớn đang ở phía trước
(Tài chính) Nếu không chuẩn bị kỹ càng, rất khó để các doanh nghiệp Việt Nam thắng thế trong cuộc cạnh tranh với các doanh nghiệp ASEAN khi ngày Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành đang tới gần.
Từ nhiều năm qua, ASEAN đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam sau Mỹ và EU. Xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực ASEAN năm 2000 mới đạt 2,6 tỷ USD thì đến năm 2013 đã đạt 18,4 tỷ USD. Việc AEC hình thành với sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ… sẽ là cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và đưa sản phẩm của mình xâm nhập một cách mạnh mẽ hơn nữa vào một thị trường có quy mô lên tới 600 triệu người và GDP hàng năm khoảng 2.000 tỷ USD. Một số doanh nghiệp Việt Nam khi được hỏi cảm thấy có hy vọng nhờ hàng rào thuế quan sẽ gần như được dỡ bỏ hoàn toàn khi AEC chính thức hình thành. Tuy nhiên, lộ trình giảm thuế không đơn giản như vậy.
Có khoảng 90% dòng thuế sẽ giảm còn 0% vào năm 2015, nhưng chỉ thực hiện ở 6 nước, còn 4 nước là Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar thì được linh hoạt đến năm 2018. Do đó, doanh nghiệp phải xem những dòng thuế nào của Việt Nam phải giảm xuống 0% vào năm 2015, dòng thuế nào vào năm 2018 và những năm tiếp theo. Sân chơi ASEAN cũng không phải là dễ dàng hơn khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, bởi các hàng rào phòng vệ thương mại lại có xu hướng gia tăng. Chẳng hạn, muốn được hưởng ưu đãi thuế suất 0% thì ít nhất 40% hàm lượng của sản phẩm phải được sản xuất trong khu vực ASEAN. Khi chúng ta không đáp ứng được quy tắc xuất xứ thì thuế suất giảm cũng trở nên vô nghĩa. “Sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp dệt may vì phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa của các nước khác trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là hàng hóa của Thái Lan và Trung Quốc vốn có những lợi thế lớn về giá cả, chất lượng và từ lâu đã chiếm lĩnh thị trường”, ông Ngô Đức Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần May quốc tế Thắng Lợi nhận định.
Phải chủ động hội nhập
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, việc được hưởng ưu đãi thuế quan 0% cũng không mang lại nhiều tác dụng cho doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Bởi ngoài hàng rào thuế quan, còn có các quy ước kỹ thuật như: rào cản thương mại (TBT), quy ước kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm (SPS). Chưa kể việc kiểm dịch, kiểm tra dư lượng kháng sinh, các đòi hỏi về nhãn mác bao gói… sẽ là rào cản nông sản Việt Nam xuất khẩu vào các nước. Trong khi đó, tại thị trường nội địa, những rào cản kỹ thuật trong lĩnh vực này của Việt Nam với hàng nhập khẩu chưa có hoặc chưa cao nên khó có thể bảo hộ được các doanh nghiệp trong nước và nông dân – nhóm dễ bị tổn thương trong quá trình hội nhập.
Một khó khăn nữa, theo ông Mười là yếu kém về kỹ thuật lẫn vấn đề giá khiến sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam giảm tính cạnh tranh. 80% doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi của Việt Nam chăn nuôi nhỏ lẻ, chỉ 20% chăn nuôi công nghiệp mà chủ yếu do nước ngoài đầu tư. Việc chăn nuôi nhỏ lẻ đã làm cho năng suất của ngành này khá thấp, dẫn đến giá thành cao hơn giá thế giới khoảng 25%.