Hướng tới kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Tài chính (28/8/1945 – 28/8/2015):
Sống trên "núi tiền" nhưng lòng không hề "tơ vương"
(Tài chính) Sau Hiệp định ngày 6/3/1946 thực dân Pháp không từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta, chúng ra sức đánh phá trên tất cả các mặt trận. Để bảo toàn lực lượng và xây dựng lực lượng kháng chiến, Xứ ủy và Ủy ban kháng chiến Trung bộ cho sơ tán các cơ quan Trung bộ ra khỏi thành phố Huế.
Ông Nguyễn Văn Tấn - Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Trung bộ, Giám đốc Sở Tài chính Trung bộ và là đại diện Bộ trưởng Bộ Tài chính ở Trung bộ nhận lệnh sơ tán các cơ quan tổ chức in bạc cụ Hồ, và tổ chức sản xuất vũ khí cung cấp cho kháng chiến cho sơ tán một bộ phận ấn loát vào Quảng Ngãi, một bộ phận chuyển ra Hà Tĩnh rải từ Chu Lệ, Hương Khê đến Đức Yên, Đông Thái, Đức Thọ… sau đó lập ra một xưởng in ấn loát lớn ở xã Thịnh Văn, Hương Sơn. Đồng chí Lê Trọng Cự được cử làm giám đốc Xưởng in. Tháng 1/1947, những tờ bạc đầu tiên được sản xuất ra trên đất Hà Tĩnh và cung cấp cho cả Trung bộ.
Để có được những tờ bạc đầu tiên phải kể đến việc đưa 2 nhà máy in bạc và cơ khí sản xuất vũ khí vào chiến khu. Đây là việc rất khó khăn vất vả. Vì ngay trong ban phụ trách chúng tôi, từ nhỏ đến giờ chưa ai tỏ.
Nhà máy bây giờ biết phải xây dựng như thế nào? Nhà xưởng to, nhỏ ra sao? Nhưng sau đó do tìm hiểu trong dân, tự mày mò, tháng 6/1947 phân xưởng 1 cơ xưởng Yên Duệ bắt đầu chuyển động và đến nửa tháng 7/1947 đã lắp đặt xong tại gốc cây Trôi gần đường bộ vào.Tháng 7/1947 bắt đầu san ủi làm nhà máy in bạc. Đến tháng 10/1947, nhà máy in bạc đã lắp đặt xong và đi vào sản xuất.
Để đi vào sản xuất được thì trước đó, vào tháng 9/1947 đã phải di chuyển phân xưởng II Yên Duệ (nhờ lúc đó mùa nước lớn nên dễ di chuyển). Đến tháng 11/1947 phần xưởng này cũng đã đi vào sản xuất. Tuy nhiên việc di chuyển nghe qua thì dễ nhưng rất phức tạp và khó khăn.
Tất cả máy móc phải tháo rời thật nhỏ đến từng chi tiết. Có chi tiết thì từng người gánh vác được nhưng có những bộ phận như thân máy, trục máy, bộ máy, trục rulô… nặng tới hàng tạ, hàng tấn không thể tháo rời được.
Từ Thịnh Văn ra sông khoảng 200 mét, hay từ Yên Duệ ra sông cũng vậy. Kéo đẩy ra được bến sông là cả một công đoạn khó khăn vất vả. Đến việc lắp ráp cũng vậy, một kg xi măng đổ bệ cũng không có, máy móc lắp cho 2 nhà máy này đòi hỏi phải có độ chính xác cao, giảm nhẹ tối đa độ rung.
Đồng bạc in ra được nét thì thiết bị lắp phải thật chuẩn. Bên cạnh đó việc in bạc thì phải có giấy. Tổ chức lại phải xây dựng một xưởng giấy, cử người ra Hà Nội học kỹ thuật sau đó vào Thanh Hóa mày mò nghiên cứu. Đến đầu năm 1947 bắt đầu sản xuất được giấy phục vụ công việc in tiền. Có giấy rồi lại đến mực. Mực phải lấy từ nội thành vào.
Bọn Pháp hình như cũng đánh hơi thấy nên chúng ra sức cấm vận, kiểm soát gắt gao buộc ta phải tự nghiên cứu mực. Bao nhiêu khó khăn như vậy nhưng ta vẫn sản xuất ra được mực in tốt như mực ngoại nhập, đáp ứng đủ cho nhà máy in bạc.
Công việc in tiền lúc đó rất vất vả nhưng ai cũng vui, mặc dù đời sống lúc đó khó khăn, cơm chuối bẹ măng rừng không đủ no, quần áo không đủ ấm, muỗi nhiều… không ai không bị sốt rét, người mau khỏi là khoảng 20 ngày, chậm khỏi là khoảng 2 tháng. Sốt rét hết đợt này đến đợt khác. Y tá không có, thuốc lại hiếm… nhưng ai cũng chịu đựng được để bước vào sản xuất.
Một số đại diện Ban Liên lạc Sở Ấn loát Trung bộ trong buổi gặp mặt tại Nghệ An năm 2012. Ảnh: H.H |
Chiến khu gian khổ là vậy nhưng phong trào học tập rất cao. Với phương châm “học để làm và học để trưởng thành”, ai cũng tự học và điển hình là đồng chí Trần Quang Đạt – một thanh niên học sinh nông thôn tham gia mặt trận Việt Minh cướp chính quyền xong làm công tác thanh niên ở xã.
Năm 1946 được kết nạp đảng, năm 1947 được bổ sung lên cơ sở Yên Duệ học thợ nguội. Trình độ văn hóa mới lớp 6 nhưng anh xác định trách nhiệm đảng viên phải cố bám học một thời gian ngắn để biết nghề nguội xong học nghề tiện. Năm 1947 lên chiến khu được bổ sung vào cấp ủy chi bộ phụ trách công đoàn chiến khu. Công việc hết sức mới mẻ nhưng đều phải cố gắng làm. Ngoài gương tự học như đồng chí Đạt còn có đồng chí Đặng Ngọc Sách, Bùi Cúc, Trần Ngọc Mỹ, Nguyễn Thực…
Gần 6 năm trời, Nhà máy in bạc cụ Hồ do đồng chí Lê Trọng Cự làm giám đốc, đồng chí Nguyễn Thực làm phó (sau đồng chí Nguyễn Thực đi công tác khác) thì bổ sung đồng chí Nguyễn Mai, Trần Quốc Đạt, Lê Đình Hanh vào ban lãnh đạo và gần 400 cán bộ công nhân viên đã vượt qua bao gian khổ, khó khăn và dâng trọn tuổi thanh xuân để làm ra hàng trăm tỷ đồng bạc cụ Hồ kịp cho nhu cầu kháng chiến.
Tính từ tháng 5/1947 đến hết năm 1952, nhờ sự hỗ trợ của 500 cán bộ công nhân viên xí nghiệp in giấy bạc đồng minh, 400 cán bộ công nhân viên xí nghiệp in giấy bạc Đồng Quang, hơn 200 cán bộ xí nghiệp in mực và sự chỉ đạo giúp đỡ của giám đốc tài chính trung bộ, ban phụ trách cơ xưởng Ủy ban kháng chiến Liên khu IV là lực lượng hỗ trợ trên 1.200 con người sống trong chiến khu đã chịu đựng biết bao gian khổ, vượt qua bao khó khăn sản xuất ra hàng trăm tỷ đồng bạc cụ Hồ để cung cấp cho nhu cầu kháng chiến và còn viện trợ cả miền Nam.
Suốt thời gian đó không bao giờ thiếu bạc. Sống trên một kho vàng, kho bạc lớn như vậy nhưng không có một ai tơ vương.
Rời Sở Ấn loát Trung bộ, mỗi người một nơi, thỉnh thoảng anh em gặp nhau mừng mừng, tủi tủi rồi ôm nhau khóc, cười vui sướng và hãnh diện tự hào khi được sống, chiến đấu trong những năm tháng hào hùng ấy./.
(Ghi theo lời kể của cụ Nguyễn Chúc – nguyên cán bộ Sở Ấn loát Trung bộ ở Hà Tĩnh)