Sử dụng khôn khéo để phát huy giá trị đất ngập nước tại Việt Nam
Bảo tồn và sử dụng khôn khéo đất ngập nước góp phần quan trọng giúp cân bằng sinh thái, là “cái nôi” sinh tồn của hàng nghìn loài sinh vật; nguồn sống của hàng triệu người dân, đồng thời là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của Đất nước.
Đất ngập nước - huyết mạch của trái đất!
Đất ngập nước là một trong những nguồn tài nguyên - môi trường quan trọng nhất, nhưng cũng nằm trong số những tài sản tự nhiên bị “lãng quên” nhất trên thế giới.
Nơi nào có đất ngập nước, nơi đó có sự sống dồi dào. Các hệ sinh thái đất ngập nước ngọt và biển là nơi cư trú của 40% sinh vật trên trái đất. Hơn 1 tỷ người hiện đang sinh sống dựa vào các vùng đất ngập nước. Vùng đất than bùn có khả năng lưu trữ lượng carbon nhiều gấp đôi so với các khu rừng trên thế giới. Có thể nói, những vùng đất ngập nước chính là huyết mạch của trái đất.
Bên cạnh những lợi ích to lớn và vô giá do đất ngập nước mang lại, các vùng đất ngập nước và công tác quản lý, bảo tồn chúng cũng đang phải đối mặt với nhiều đe dọa, cả từ tự nhiên và con người.
Trong hơn 200 năm qua, gần 90% vùng đất ngập nước đã bị suy thoái, thậm chí là biến mất để lấy đất phục vụ cho nông nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng và tác động của biến đổi khí hậu. Nhiều vùng đất ngập nước bị thu hẹp, bị suy thoái, ô nhiễm, không bền vững, khai thác không hiệu quả.
Nhận thức được những mối đe doạ của tình trạng suy thoái đất ngập nước đối với nền kinh tế - xã hội và vai trò đặc biệt của nó trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, các quốc gia trên thế giới đang thúc đẩy nhiều dự án khôi phục và bảo tồn vùng sinh thái quan trọng này.
Điều này đòi hỏi phải bảo tồn hiệu quả và sử dụng khôn khéo các vùng đất ngập nước, phải lồng ghép các cân nhắc, các vấn đề về bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước vào các chính sách, chiến lược, kế hoạch hành động và các dự án phát triển ngành, lĩnh vực và các địa phương.
Được đánh giá là quốc gia có hệ sinh thái đất ngập nước đa dạng, năm 1989, Việt Nam đã được phê chuẩn trở thành thành viên thứ 50 của Công ước Ramsar và là nước đầu tiên của khu vực Đông Nam Á tham gia công ước. Thông qua việc phê chuẩn Công ước Ramsar, Chính phủ Việt Nam đã cam kết thiết lập một hệ thống bảo tồn đất ngập nước tiêu biểu.
Đến nay, Việt Nam có 12 triệu ha được công nhận là khu Ramsar thế giới, chiếm khoảng 37% tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước. Các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên quan trọng như các hồ, đầm, rừng ngập mặn, vùng đất ngập nước ven biển rất có giá trị về đa dạng sinh học, trong đó có vườn quốc gia chàm chim của tỉnh Đồng Tháp với biểu tượng sếu đầu đỏ.
Để bảo vệ vùng đất ngập nước, Việt Nam đã và đang nỗ lực trong xây dựng hệ thống thể chế, chính sách cũng như triển khai bảo vệ bằng những hành động thực tiễn.
Tăng cường bảo vệ các giá trị của vùng đất ngập nước
Ở Việt Nam, áp dụng cách tiếp cận thận trọng và khôn khéo đối với sử dụng đất ngập nước đã dẫn đến sự chuyển đổi từ thâm canh lúa nước sang canh tác các cây trồng ngắn ngày phù hợp với nguyên tắc sử dụng khôn khéo và bền vững các vùng đất ngập nước.
Năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm kê, đánh giá hiện trạng các vùng đất ngập nước trên toàn quốc và đề xuất được 74 vùng đất ngập nước quan trọng cần khoanh vi, bảo vệ.
Cũng trong năm 2016, nhóm công tác quốc gia về đất ngập nước được thành lập để tham mưu xây dựng các văn bản, chính sách và các hoạt động về quản lý, bảo tồn và sử dụng khôn khéo đất ngập nước.
Tại một số địa phương như Thái Bình, Thừa Thiên - Huế, nhóm công tác đất ngập nước cũng đã được thành lập với vai trò tăng cường tham mưu về công tác quản lý đất ngập nước cho mỗi tỉnh.
Nhiều hoạt động bảo vệ môi trường sông, vùng ven biển đã được cộng đồng dân cư trên cả nước chủ động và tích cực tham gia vì bảo vệ đất ngập nước là bảo vệ cuộc sống và tương lai của họ.
Các hoạt động thường là dọn vệ sinh, nhặt rác ở các tỉnh ven biển hoặc các hoạt động dọn rác, làm thông kênh mương, cống rãnh tại các đô thị, nạo vét ao hồ, lòng sông. Nhiều vùng đất ngập nước quan trọng được cộng đồng bảo vệ, quản lý và nhiều địa phương thành lập khu bảo tồn đất ngập nước nhằm tăng cường bảo vệ các giá trị của vùng đất ngập nước.
Đến nay, 23 tỉnh, thành phố trên cả nước đã có quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học và xác định rõ nhiều vùng đất ngập nước quan trọng cần được bảo vệ, quản lý dưới hình thức khu bảo tồn. Tổng cộng có 47 khu đất ngập nước quan trọng được đưa vào quy hoạch thành lập khu bảo tồn đến năm 2030 theo Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước (Quyết định số 45/QĐ-TT ngày 08/1/2019).
Nhiều hoạt động bảo tồn, sử dụng khôn khéo đất ngập nước được triển khai sâu rộng trên toàn quốc thông qua các chương trình, dự án, đề tài như: Chương trình trồng rừng ngập mặn ven biển; hỗ trợ các sinh kế bền vững cho người dân địa phương sống phụ thuộc vào tài nguyên đất ngập nước ở khu Ramsar (Tràm Chim và Láng Sen) nhằm giảm thiểu các áp lực đến các khu bảo tồn đất ngập nước.
Các mô hình quản lý hoặc bảo tồn và sử dụng khôn khéo đất ngập nước dựa vào cộng đồng được thực hiện tại nhiều địa phương như nuôi trồng thuỷ thân thiện môi trường, ao tôm sinh thái ở vùng ven biển miền Bắc, quản lý rạn san hô ở Ninh Thuận và Bình Định,...
Sau hơn 30 năm tham gia Công ước Ramsar và 17 năm thực hiện Nghị định số 109/2003/NĐ-CP, Việt Nam đã có 9 khu bảo tồn được công nhận là vùng ĐNN có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar); 47 vùng đất ngập nước được quy hoạch thành khu bảo tồn đất ngập nước; Có 4 khu Ramsar thuộc 4 khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam được UNESCO công nhận...