Các giá trị kinh tế của đất ngập nước
Thực tiễn cho thấy, đất ngập nước càng khẳng định rõ vai trò và giá trị kinh tế của chúng đối với sự phát triển của quốc gia. Đất ngập nước là nguồn sống của một bộ phận khá lớn người dân Việt Nam, mang lại lợi ích và giá trị to lớn về kinh tế, đóng góp rất quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đất ngập nước góp phần quan trọng cho sự phát triển của các ngành nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, năng lượng, giao thông thủy và tham quan du lịch.
Các dòng sông tạo nên các vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn và phì nhiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp như Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Các vùng đất ngập nước ven biển chứa đựng nhiều khu hệ cá với sản lượng cao, cung cấp nguồn lợi thủy sản cho nhiều cộng đồng dân cư sống xung quanh.
Trong những năm gần đây, đất ngập nước càng khẳng định rõ vai trò và giá trị kinh tế đối với sự phát triển của quốc gia. Cụ thể, trong nông nghiệp, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới (từ năm 1989 đến năm 2004, đã xuất khẩu hơn 45 triệu tấn gạo, tương đương trên 10 tỷ USD). Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, sản lượng lúa cả nước đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022. Giá trị xuất khẩu gạo đã đạt kỷ lục với 4,78 tỷ USD, tăng 38,4% so với năm 2022.
Trong khi đó, ngành Thủy sản tiếp tục gặt hái được kết quả ấn tượng khi ước xuất khẩu thủy sản năm 2023 đạt khoảng 9,2 tỷ USD, đạt 92% so với kế hoạch (10 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu tập trung vào: Tôm khoảng 3,45 tỷ USD; cá tra khoảng 1,9 tỷ USD; nhuyễn thể khoảng 0,8 tỷ USD; cá ngừ khoảng 0,9 tỷ USD...
Đặc biệt, nói về giá trị kinh tế, phải kể đến sự phát triển mạnh của ngành Du lịch dựa trên các giá trị của đất ngập nước. Nhiều vùng đất ngập nước như đảo Cát Bà, Côn Đảo, Phong Nha - Kẻ Bàng, các khu căn cứ cách mạng ở Vườn quốc gia U Minh Thượng, các khu du lịch sinh thái như Vườn quốc gia Xuân Thủy, Khu sự trữ sinh quyển RNM Cần Giờ, Vườn quốc gia Ba Bể, Vườn quốc gia Tràm Chim,... là những điểm thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Một số vùng đất ngập nước ven biển tiêu biểu như: cửa sông Bạch Đằng, cửa sông Ba Lạt, cửa sông Văn Úc, cửa Đáy (bãi triều Kim Sơn), đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, đầm Thị Nại, cửa sông Tiền, bãi triều Tây Nam Cà Mau đã được lượng giá kinh tế. Kết quả cho thấy vùng bãi triều Tây Nam Cà Mau đạt giá trị cao nhất, tổng giá trị kinh tế (TEV) tính cho 1 ha đất ngập nước là 4.594 USD, tiếp đó là vùng cửa sông Tiền, cửa sông Ba Lạt và đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (có TEV là 2.301 USD/ha), các điểm có giá trị thấp hơn như cửa sông Văn Úc, đầm Thị Nại và thấp nhất là cửa sông Bạch Đằng (TEV là 503 USD/ ha)...
Theo các chuyên gia, giá trị kinh tế của đất ngập nước ngày càng tăng nhờ có chính sách của Nhà nước trong việc sử dụng, thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ vào khai thác, sử dụng, bảo tồn các vùng đất ngập nước. Giá trị kinh tế của đất ngập nước còn góp phần nâng cao cuộc sống của người nông dân Việt Nam, làm giảm tỷ lệ nghèo, đặc biệt tại vùng đệm của các vùng đất ngập nước có hoạt động du lịch, lễ hội như ở Chùa Hương - Hà Nội, Tràng An - Ninh Bình...