Doanh nghiệp nhỏ và vừa hội nhập:

Sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm

Theo Đức Hiệp/daibieunhandan.vn

Trong bối cảnh thương mại điện tử đã có nền tảng lớn, phát triển nhanh chóng, các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cần tận dụng để đưa các sản phẩm đến tay khách hàng một cách nhanh chóng, thuận tiện hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đặc biệt, doanh nghiệp cần sử dụng các công cụ truyền thông trên các mạng xã hội để quảng bá sản phẩm. Đây là khuyến nghị được các chuyên gia nêu ra tại Hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm nâng cao năng lực xúc tiến xuất khẩu hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam”, diễn ra ngày 25/3.

Thiếu thông tin thị trường

Trong bối cảnh tự do hóa thương mại, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tác động rất lớn đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Trong đó, sức ép cạnh tranh mở rộng thị trường xuất khẩu diễn ra gay gắt. Thực tế này đòi hỏi phải nâng cao năng lực xúc tiến thương mại nhằm thu hút đầu tư thông qua hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Song song với đó là đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, thâm nhập thị trường mới và tham gia chuỗi sản xuất nhằm từng bước nâng cao nội lực của nền kinh tế.

Theo phân tích của Phó Trưởng ban hợp tác quốc tế (Cơ quan đại diện thương mại và đầu tư Pháp - Business France) Christophe Legillon, việc khảo sát trực tiếp tại thị trường nước ngoài giúp các doanh nghiệp nắm bắt được nhiều thông tin về xu hướng của các thị trường. Thông qua đó, doanh nghiệp có thêm cơ hội hợp tác và xuất khẩu sản phẩm đối với các thị trường này.

Trên thực tế, Chính phủ và các bộ, ngành đã tích cực cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, qua đó hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu cho các DNNVV. Riêng Bộ Công thương cũng đã có nhiều chương trình hợp tác hỗ trợ, đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu và phát triển thương hiệu thông qua thương mại điện tử; đồng thời nỗ lực nâng cao năng lực cho hệ thống xúc tiến thương mại để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận, phân tích thông tin về thị trường, khách hàng... sử dụng các phương thức xúc tiến thương mại hiện đại và hiệu quả.

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú thừa nhận, hiện nay, phần lớn doanh DNNVV vẫn thiếu thông tin về thị trường, đặc biệt là thông tin về đối tác xuất nhập khẩu, khách hàng tiềm năng, thị trường tiềm năng khiến năng lực cạnh tranh giảm, thiếu thị trường bền vững. Do đó, việc tăng cường thông tin, xúc tiến thương mại trở thành vấn đề sống còn của doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực xúc tiến xuất khẩu, mở rộng và chiếm lĩnh thị trường.

Tận dụng ưu thế của thương mại điện tử

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng, các chuyên gia cho rằng, việc chú trọng tới công tác xây dựng và phát triển thương hiệu giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến thương mại là rất cần thiết.

Trưởng phòng hợp tác và truyền thông sáng tạo, Ban Xúc tiến và truyền thông (Business France) Celcile Delettrer nhìn nhận, hiện, thương mại điện tử đã có nền tảng lớn, phát triển nhanh chóng với lượng khách hàng và hệ thống phân phối khổng lồ. Doanh nghiệp Việt có thể tận dụng những nền tảng sẵn có của thương mại điện tử để đưa các sản phẩm đến tay khách hàng một cách nhanh chóng, thuận tiện hơn. DNNVV cũng nên tận dụng ưu thế của các trang thương mại điện tử lớn để tạo niềm tin với khách hàng.

Bà nhấn mạnh, muốn tồn tại và phát triển, trước tiên các doanh nghiệp phải tăng cường kết nối với đối tác và khách hàng. Tiếp đó, doanh nghiệp phải thể hiện được thương hiệu trên Social Media là các công cụ truyền thông được dùng trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube... Doanh nghiệp nên sử dụng các công cụ này để quảng bá sản phẩm. Vì thông qua việc tương tác với người dùng bằng các thiết bị công nghệ, khách hàng sẽ dễ dàng biết và tiếp cận với thương hiệu của doanh nghiệp nhiều hơn. Thêm vào đó, doanh nghiệp phải nâng cao giá trị thương hiệu và năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Nguyễn Thu Thủy bổ sung, các DNNVV muốn tận dụng tốt các cơ hội xúc tiến xuất khẩu, chinh phục thị trường nước ngoài cần xây dựng thương hiệu, chiến dịch marketing. Mặt khác, bản thân doanh nghiệp cũng phải tận dụng website của mình để chủ động đưa thông tin sản phẩm, hàng hóa đến khách hàng.

Giới chuyên gia khuyến nghị, để nâng cao năng lực xúc tiến xuất khẩu, các DNNVV cần tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có. Bên cạnh đó, cần chủ động liên hệ với các các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài để tìm kiếm đối tác thương mại tại các thị trường mục tiêu, “mở đường” cho việc ký thỏa thuận thương mại và tạo thị trường xuất khẩu bền vững. Doanh nghiệp cũng cần chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin để có thể tận dụng tối đa những lợi thế của thương mại điện tử trong xúc tiến xuất khẩu.

Hơn nữa, ngoài việc thúc đẩy nhận thức của các nhà phân phối và người tiêu dùng ngoài nước về các sản phẩm thương hiệu Việt, Chính phủ cần tạo ra một hình ảnh của Việt Nam là một quốc gia nổi tiếng về sự phong phú, đa dạng và chất lượng cao của hàng hóa dịch vụ. Các bộ, ngành cần “đến gần” hơn các hiệp hội, doanh nghiệp để tìm hiểu khó khăn, hạn chế của DNNVV. Từ đó, có thể đưa giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong từng ngành hàng cụ thể để khai thác tốt hơn thị trường nước ngoài thông qua xúc tiến xuất khẩu.