Nâng cao lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Trà Vinh
Trên cơ sở dữ liệu thu thập được từ 315 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2013-2017, nghiên cứu sử dụng phương pháp thống kê mô tả, phân tích độ tin cậy và phân tích nhân tố để đánh giá thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh thời gian qua.
Trên cơ sở xác định những ưu điểm, hạn chế, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Trà Vinh.
Trong những năm qua khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ở nước ta không những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP mà còn góp phần tích cực vào công cuộc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; Là một trong những nền tảng tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nền kinh tế thị trường... Số liệu thống kê cho thấy, tính đến cuối năm 2017, tổng số DNNVV là 520.000 DN, chiếm khoảng 97% tổng số DN đang hoạt động với số vốn đăng ký khoảng 130 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng số vốn đăng ký của các DN, góp phần đáng kể vào sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, hoạt động của khu vực DNNVV hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, cụ thể như: Quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ; thiếu vốn; chưa hình thành chuỗi liên kết; công nghệ lạc hậu; hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn thấp; sức cạnh tranh kém; trình độ, năng lực quản lý và đội ngũ nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế... (Phạm Việt Dũng (2016).
Tại tỉnh Trà Vinh, bên cạnh những đóng góp và hạn chế chung còn tồn tại, các DNNVV hiện nay chưa thực sự đóng vai trò động lực then chốt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế. Số liệu thống kê cho thấy, giai đoạn từ năm 2012 - 2016, số DNNVV phải giải thể là 499 DN so với 1.192 DN thành lập mới (UBND tỉnh Trà Vinh, 2018). Nguyên nhân là do các DNNVV chưa phát huy hết được nội lực và lợi thế cạnh tranh của mình trước các đối thủ cạnh tranh trong và ngoài nước (Bùi Thị Thanh và Nguyễn Xuân Hiệp (2016).
Thực trạng hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
Tính đến cuối năm 2017, tỉnh Trà Vinh có 1.433 DNNVV, chiếm 73,45% tổng số DN trên địa bàn Tỉnh; vốn điều lệ đăng ký kinh doanh lũy kế của các DNNVV trong giai đoạn 2013-2017 là 5.657 tỷ đồng, chiếm 22,55% tổng nguồn vốn đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp toàn tỉnh. DNNVV giải quyết việc làm cho 36.537 lao động, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 543 tỷ đồng, đóng góp hơn 53% GDP của Tỉnh (UBND tỉnh Trà Vinh, (2018).
Bảng 1: Cơ cấu doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 phân theo loại hình kinh doanh |
|||
TT |
Loại hình DN |
Số lượng (DN) |
Tỷ lệ (%) |
1 |
Công ty TNHH 1 thành viên |
736 |
51,36 |
2 |
Công ty TNHH 2 thành viên |
251 |
17,52 |
3 |
Công ty cổ phần |
63 |
4,39 |
4 |
DN tư nhân |
383 |
26,73 |
Tổng |
1.433 |
100 |
Theo thống kê, Công ty TNHH một thành viên là loại hình DN chiếm số lượng nhiều nhất, với 736 DN so với tổng số 1.433 DNNVV trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, chiếm tỷ lệ 51,36%. Tiếp theo là loại hình DN tư nhân - loại hình DN truyền thống, ổn định, với 251 DN, chiếm tỷ lệ 26,73%. Ở vị trí thứ 3 là loại hình công ty TNHH hai thành viên với 251 DN, chiếm 17,52%. Cuối cùng là loại hình DN công ty cổ phần với 63 DN, chiếm tỷ lệ 4,39%.
Tình hình phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa phân theo khu vực
Mặc dù, Trà Vinh có nhiều lợi thế phát triển kinh tế theo hướng nông nghiệp và thủy hải sản, nhưng do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố (tập quán, thói quen canh tác, sản xuất, cơ chế, chính sách quản lý kinh tế...) nên lĩnh vực nông nghiệp của Tỉnh đến nay vẫn chậm phát triển và không ổn định.
Số liệu thống kê cho thấy, mặc dù tốc độ tăng trưởng của các DNNVV thuộc khu vực nông nghiệp (bao gồm thủy hải sản và làm muối) giai đoạn 2013-2017 là ấn tượng, bình quân tăng xấp xỉ 99,9%/năm, tuy nhiên, các DN hoạt động trong khu vực này so với các DN hoạt động trong những khu vực còn lại luôn chiếm tỷ lệ rất thấp, bình quân chỉ chiếm 2,3%.
Trong khi đó, các DNNVV thuộc khu vực công nghiệp - xây dựng mặc dù có sự tăng trưởng âm trong năm 2017 (-36,54%) nhưng lại có tốc độ tăng trưởng đồng đều và ổn định trong giai đoạn 2013 - 2016, bình quân tăng 14,76%/năm, chiếm tỷ trọng bình quân 43,4%/năm, cao nhất so với các DN thuộc những khu vực khác.
Tương tự, các DN thuộc khu vực thương mại và dịch vụ cũng có sự tăng trưởng âm trong năm 2017 (-13,6%), tuy nhiên, giai đoạn 2013 - 2016, các DN thuộc khu vực này cũng có tốc độ tăng trưởng rất đồng đều và ổn định, bình quân tăng 14,63%/năm, chiếm tỷ trọng bình quân là 58,27%/năm.
Bảng 2: Tình hình phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh phân theo khu vực, giai đoạn 2013-2017 (DN) |
|||||||||
Lĩnh vực |
Tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh |
||||||||
2013 |
2014 |
Tăng (%) |
2015 |
Tăng (%) |
2016 |
Tăng (%) |
2017 |
Tăng (%) |
|
Nông nghiệp |
9 |
10 |
11,1 |
26 |
160 |
30 |
15,4 |
94 |
213,13 |
Công nghiệp và Xây dựng |
482 |
538 |
11,62 |
623 |
15,8 |
728 |
16,85 |
462 |
-36,54 |
Thương mại và Dịch vụ |
674 |
758 |
12,46 |
882 |
16,36 |
1.015 |
15,08 |
877 |
-13,6 |
Tổng cộng |
1.165 |
1.306 |
12,1 |
1.531 |
17,23 |
1.773 |
15,80 |
1.433 |
-19,18 |
Xét về tổng thể, giai đoạn 2013 - 2016, số lượng DNNVV trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã tăng lên đáng kể và tương đối đồng đều qua các năm. Cụ thể, năm 2014, số lượng DN tăng 141 DN so với năm 2013, tỷ lệ tăng là 12,1%; năm 2015 tăng 225 DN so với năm 2014, tỷ lệ tăng là 17,23%; năm 2016 tăng 242 DN so với năm 2015, tỷ lệ tăng là 15,8%. Tuy nhiên, đến năm 2017, số lượng DN này lại bị sụt giảm, từ 1.773 DN xuống còn 1.433 DN, giảm 340 DN so với năm 2016, giảm 19,18%. Sự sụt giảm này xuất phát từ các nguyên nhân sau:
- Trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2013, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhiều DNNVV trên địa bàn tỉnh Trà Vinh không đủ sức bám trụ nên đã ngừng hoạt động. Trong khi đó, từ năm 2014 - 2016 liên tiếp có nhiều DN đăng ký thành lập mới và cũng có nhiều DN tiếp tục phải giải thể nhưng việc ghi nhận chưa phản ánh kịp thời, đầy đủ nên dẫn đến tình trạng tồn tại một số lượng lớn DN “ảo” chưa được thu hồi giấy phép kinh doanh.
- Đến năm 2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trà Vinh đẩy mạnh rà soát các DNNVV không còn hoạt động, tiến hành thu hồi giấy phép kinh doanh của các DN này nên số lượng DN đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, theo thống kê số lượng DNNVV trên địa bàn tỉnh Trà Vinh vẫn có xu hướng tăng.
Tình hình tăng trưởng nguồn vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Trà Vinh
Phân tích tình hình tăng trưởng nguồn vốn của DNNVV phân theo khu vực kinh tế (Bảng 3) có thể thấy rằng, các DN thuộc khu vực công nghiệp – xây dựng” có tỷ trọng nguồn vốn bình quân cao nhất (bình quân chiếm 42,69%/năm). Kế tiếp là các DN thuộc khu vực thương mại – dịch vụ có tỷ trọng nguồn vốn bình quân hàng năm đạt 40,36% và cuối cùng là các DN thuộc khu vực nông nghiệp có tỷ trọng nguồn vốn bình quân thấp nhất, chỉ đạt 16,95%.
Bảng 3: Tình hình tăng trưởng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2013-2017 (Tỷ đồng,%) |
|||||||||
Lĩnh vực |
2013 |
2014 |
2015 |
2016 |
2017 |
||||
Nguồn vốn |
Tăng trưởng |
Nguồn vốn |
Tăng trưởng |
Nguồn vốn |
Tăng trưởng |
Nguồn vốn |
Tăng trưởng |
||
Nông nghiệp |
7 |
5 |
-28,57% |
1.048 |
+++ |
157 |
--- |
80 |
-49,04% |
Công nghiệp – Xây dựng |
375 |
225 |
-40% |
306 |
36% |
550 |
79,74% |
655 |
19,09% |
Thương mại – Dịch vụ |
466 |
221 |
-52,57% |
324 |
46,6% |
410 |
26,54% |
528 |
28,78% |
Tổng cộng |
848 |
451 |
-46,8% |
1.678 |
+++ |
1.117 |
-33,43% |
1.263 |
13,07% |
Về tốc độ tăng trưởng nguồn vốn bình quân, các DN thuộc khu vực nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng nguồn vốn bình quân cao nhất, với tốc độ tăng đạt 63,95%/năm, tuy nhiên các DN thuộc khu vực này có sự tăng trưởng không ổn định và thường xuyên tăng/giảm thất thường. Tiếp đó, các DN thuộc khu vực công nghiệp – xây dựng có tốc độ tăng trưởng nguồn vốn bình quân đạt 23,71%/năm. Cuối cùng là các DN thuộc khu vực thương mại – dịch vụ có tốc độ tăng trưởng nguồn vốn bình quân thấp nhất, đạt 12,34%/năm.
Đóng góp của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh
Số liệu thống kê (Bảng 4) cho thấy, mặc dù có sự tăng trưởng mạnh về số lượng DN thành lập và nguồn thu vào ngân sách nhà nước qua các năm, tuy nhiên, xét về tỷ lệ đóng góp vào ngân sách lại chưa cao so với tiềm năng phát triển của khu vực DNNVV. Nguyên nhân là do tính hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của DNNVV trên địa bàn tỉnh Trà Vinh chưa cao; Năng lực cạnh tranh, lợi thế cạnh tranh của cộng đồng các DN này còn yếu, thiếu tính liên kết; chủ yếu sản xuất, kinh doanh với quy mô nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu nội địa.
Về tình hình đóng góp vào GDP của Tỉnh, có thể thấy, tỷ trọng đóng góp của DNNVV luôn duy trì ở mức trên 39%/năm, cao nhất giai đoạn 2013-2017 là 53,69%, bình quân chiếm trên 47%, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 6%/năm. Tuy nhiên, khi xét về tỷ lệ số lượng DN so với tỷ lệ đóng góp vào ngân sách nhà nước và tỷ lệ đóng góp vào GDP của Tỉnh có thể thấy, DNNVV đến nay chưa thể hiện được vai trò động lực then chốt trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh.
Trong tương lai, với xu hướng hội nhập, để tồn tại và phát triển, các DNNVV trên địa bàn tỉnh Trà Vinh cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc tận dụng tốt những tiềm năng, lợi thế sẵn có, nhằm gia tăng năng lực và lợi thế cạnh tranh, mang lại hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của Tỉnh.
Giải pháp nâng cao lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Trà Vinh
Trên cơ sở phân tích thực trạng hoạt động, ưu điểm, hạn chế, lợi thế cạnh tranh của các DNNVV trên địa bàn, bài viết đề xuất các giải pháp giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh của các DNNVV tỉnh Trà Vinh trong điều kiện hội nhập, gồm:
Xây dựng chuỗi giá trị doanh nghiệp bền vững
Theo đó, các cơ quan quản lý trên địa bàn Tỉnh cần thường xuyên tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo chuyên đề về marketing, bán hàng và hỗ trợ sau bán hàng cho DN, từng bước nâng cao nhận thức của các nhà quản trị DN trong lĩnh vực này; đồng thời, làm đầu mối liên kết giữa các chuyên gia kinh tế với các nhà quản trị DN để hỗ trợ DN xây dựng chiến lược marketing, bán hàng và hỗ trợ sau bán hàng.
Bảng 4: Nguồn thu vào Ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2013-2017 |
|||
Năm |
Tổng thu ngân sách tỉnh (Triệu đồng) |
Đóng góp từ DNNVV (Triệu đồng) |
Tỷ lệ trên tổng thu ngân sách tỉnh (%) |
2013 |
1.156,728 |
405,595 |
35,06 |
2014 |
1.431,122 |
439,379 |
30,70 |
2015 |
2.124,631 |
489,882 |
23,06 |
2016 |
2.629,817 |
462,478 |
17,59 |
2017 |
3.117,914 |
543,501 |
17,43 |
Bên cạnh đó, cần tập trung nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của hoạt động marketing, bán hàng và hỗ trợ sau bán hàng cho các nhà quản trị DN; Xây dựng hoặc thuê chuyên gia xây dựng chiến lược marketing, bán hàng và hỗ trợ sau bán hàng cho khách hàng một cách hiệu quả, phù hợp với với khả năng tài chính của DN.
Chú trọng ứng dụng công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Các DN cần nâng cao nhận thức tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ, phát triển công nghệ vào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; Đào tạo, nâng cao năng lực quản trị cho các nhà quản trị DN; nâng cao năng lực cho nhân viên ở các bộ phận như lập kế hoạch, tài chính, kế toán, pháp lý, đối ngoại...
Cùng với đó, các cơ quan quản lý cần thường xuyên cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống tài chính kế toán, thuế và các thủ tục hành chính liên quan khác... cho DN; Mở lớp tập huấn, hỗ trợ DNNVV hoàn thiện hạ tầng cơ sở.
Chú trọng kiểm soát các yếu tố đầu vào
Các DNNVV cần nâng cao quản trị DN, nhất là về khả năng phân tích, đánh giá chuỗi giá trị, từng bước nâng cao lợi thế cạnh tranh của mình trước các đối thủ cạnh tranh. Muốn vậy, các nhà quản trị DN cần thay đổi quan điểm, nhận thức của việc học hỏi; Tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, phát huy ý tưởng, cải tiến hệ thống, cải tiến dây chuyền sản xuất, tiết giảm chi phí...
Bảng 5: Đóng góp của doanh nghiệp nhỏ và vừa |
|||||
Diễn giải |
2013 |
2014 |
2015 |
2016 |
2017 |
Tổng sản phẩm theo giá hiện hành của tỉnh |
24.687 |
28.531 |
31.087 |
32.974 |
38.108 |
Giá trị tổng sản phẩm do các DNNVV tạo ra |
10.888 |
13.436 |
12.404 |
16.580 |
20.460 |
(%) đóng góp của DNNVV và GDP của tỉnh |
44,10 |
47,09 |
39,90 |
50.284 |
53.691 |
Tổng Doanh thu của DNNVV |
11.738 |
14.518 |
13.565 |
17.956 |
22.209 |
(%) Lợi nhuận/doanh thu |
0,91 |
1,18 |
1,56 |
2,023 |
2,623 |
Bên cạnh đó, thường xuyên quan sát, theo dõi diễn biến của thị trường để có kế hoạch, xây dựng chiến lược điều tiết công suất sản xuất (hoặc cung cấp dịch vụ) một cách phù hợp, hiệu quả; Tăng cường các hoạt động liên kết về phía sau, về phía trước và liên kết hàng ngang để quản trị tốt rủi ro. Các nhà quản trị DNNVV trên địa bàn tỉnh Trà Vinh cần thay đổi quan điểm, nâng cao nhận thức hơn nữa trong việc nắm bắt thời điểm để trở thành “người dẫn đầu” hoặc “người đi sau” có lợi nhất cho DN.
Thích nghi nhanh với sự thay đổi vĩ mô và thể chế
Các nhà quản trị DNNVV cần thay đổi quan điểm, nhận thức về tầm quan trọng của công nghệ; Chuẩn bị tài chính. Đặc biệt, tích cực hơn nữa trong việc phản hồi các yếu tố mang tính thể chế, thông qua việc tham gia đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – PCI (bộ chỉ số 10 thành phần PCI) để các nhà quản lý kinh tế cấp Tỉnh có thể kịp thời nắm bắt, điều chỉnh phù hợp.
Bên cạnh đó, cần kịp thời ghi nhận, điều chỉnh và từng bước xây dựng môi trường kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng DN nói chung và cho các DNNVV nói riêng.
Ngoài ra, các nhà quản trị DNNVV trên địa bàn tỉnh Trà Vinh cũng cần thay đổi quan điểm, nâng cao nhận thức về việc đánh giá chất lượng sản phẩm cung cấp thông qua đo lường cảm nhận của khách hàng; nâng cao hơn nữa trình độ, kiến thức chuyên môn.
Tài liệu tham khảo:
- Bùi Thị Thanh và Nguyễn Xuân Hiệp (2016), Nâng cao lợi thế cạnh tranh của DN – Nghiên cứu trường hợp các siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh, NXB. Lao động, TP. Hồ Chí Minh; 11-15;
- Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008), Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS tập 2, NXB Hồng Đức, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam; 23-38;
- Nguyễn Trần Sỹ (2013), “Năng lực động – hướng tiếp cận mới để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho DNNVV ở Việt Nam”, Phát triển & Hội nhập, 12 (22), 15-20;
- Phạm Việt Dũng (2016), “Phát triển DNNVV - Tạo động lực cho nền kinh tế”, Tạp chí cộng sản; 23-27;
- Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh (2018), Quyết định số 244/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch hỗ trợ phát triển DNNVV tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2018-2020;
- Teece DJ, Pisano G & Shuen A (1997), “Dynamic capabilities and strategic management”, Strategic Management Journal 18(7): 509-533;
- Ambrosini, V., Bowman, C. & Collier, N (2009), 'Dynamic capabilities: An exploration of how firms renew their resource base', British Journal of Management, vol. 20, no. 1; S9-S2;
- Helfat & ctg (2007), Dynamic Capabilities: Understanding Strategic Change in Organisations, Blackwell Publishing, Malden; 8-26;
- Vorhies và Morgan (2005), Benchmarking Marketing Capabilities for Sustainable Competitive Advantage; Journal of marketing; Vol 69; 80-94.