Sự khác biệt trong cách tính giá xăng dầu trong nước và thế giới
(Tài chính) Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu vừa được Chính phủ ban hành với những điểm mới trong cơ chế điều hành giá xăng dầu được kỳ vọng là sẽ minh bạch công thức hình thành giá, quản lý chặt việc tăng, giảm giá, góp phần bảo đảm quyền lợi của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Xoay quanh câu chuyện điều hành thị trường xăng dầu, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính.
Ông Nguyễn Anh Tuấn
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Hiện nay giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất nhiều vào giá xăng dầu thế giới do chúng ta nhập khẩu lượng xăng dầu thế giới chiếm đến 70%. Do vậy, việc hình thành giá dựa trên giá xăng dầu thế giới để làm tham chiếu điều hành giá xăng dầu trong nước. Bên cạnh đó, Nhà nước có quy định giá cơ sở để xác định giá điều hành giá xăng dầu trong nước, trong giá cơ sở gồm rất nhiều các chi phí cấu thành ví dụ đối với giá nhập khẩu, các loại thuế, phí khác hình thành nên giá xăng dầu trong nước.
Từ giá cơ sở này, chúng ta tính giá bán ra như thế nào thưa ông?
Hiện nay, giá cơ sở đã được quy định rất rõ các chi phí trong đó, mỗi lần điều hành giá, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tính toán và cùng với các doanh nghiệp để điều hành phù hợp với giá xăng dầu thế giới và thực hiện điều hành giá xăng dầu trong nước.
Ví dụ, thời gian qua, chúng tôi điều hành giá, mỗi lần điều hành đều có thông cáo báo chí và thông tin đến các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết được và chúng tôi cũng kèm theo bảng giá tính cơ sở, diễn biến gía xăng dầu thế giới theo từng ngày để tính giá cơ sở này.
Trong bảng giá cơ sở quy định và tính rất rõ số tiền từ việc nhập khẩu xăng dầu thế giới rồi số tiền thuế trong các quy định theo giá cơ sở đều tính toán rất cụ thể và chúng tôi đều công khai trên trang Web của Cục quản lý giá (Bộ Tài chính).
Trong thời gian vừa qua, việc điều hành giá xăng dầu được thực hiện như thế nào?
Hiện nay, chúng ta đang thực hiện điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP và từ 1/11/2014 chúng ta sẽ thực hiện Nghị định 83/2014/NĐ-CP. Hiện nay, căn cứ vào Nghị định của Chính phủ, việc điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước trên cơ sở Nhà nước quy định giá cơ sở và có đặt ra biên độ điều hành giá cũng như tần suất điều hành giá.
Hiện nay, theo Nghị định 84 thì tần suất điều hành giá tối đa là 10 ngày đối với trường hợp tăng và tối thiểu 10 ngày đối với trường hợp giảm. Biên độ tính giá là dưới 7% rồi 12% trở lên, rồi từ 7-12%. Dựa trên quy định như vậy, các doanh nghiệp chủ động tính toán giá của mình và kê khai với cơ quan quản lý Nhà nước và trên cơ sở đó cơ quan quản lý Nhà nước sẽ điều hành giá.
Việc điều hành giá xăng dầu ở Việt Nam có điểm gì khác biệt với các nước trong khu vực và trên thế giới?
Hiện nay, việc quản lý và điều hành giá xăng dầu phụ thuộc vào các quốc gia, mà mỗi quốc gia có thể chế chính trị, quản lý kinh tế, khả năng chế biến sản xuất xăng dầu thì đều có cách quản lý và điều hành khác và chúng tôi có nghiên cứu thì thấy không có một mô hình chung cho việc quản lý về giá xăng dầu.
Tuy nhiên, mỗi quốc gia đều có những quy định để điều hành giá, ví dụ như phải niêm yết giá, phải theo dõi tình hình giá cả để có những tác động nhất định.
Ở Việt Nam, chúng ta không khác biệt nhiều so với thế giới, bởi hiện nay giá trong nước được hình thành trên cơ sở tín hiệu của giá thế giới và chúng ta thấy rằng xăng dầu là mặt hàng nằm trong danh mục bình ổn giá theo quy định của Luật giá và các quy định của Chính phủ.
Do vậy, Nhà nước cần có sự quản lý và điều tiết giá xăng dầu theo quy định của Chính phủ như chúng tôi đã trình bày là Nhà nước sẽ quyết định giá cơ sở và tần suất điều hành giá, biên độ điều chỉnh để doanh nghiệp, người dân cũng như cơ quan quản lý cùng giám sát và điều hành giá xăng dầu.
Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP có nhiều điểm mới trong việc điều hành thị trường xăng dầu. Liệu những quy định mới này có kh ắc phục được những thắc mắc lâu nay của người dân liên quan đến việc giá xăng thường tăng nhanh giảm chậm không?
Dư luận nói rất nhiều về việc tăng nhanh, giảm chậm, chúng tôi cũng đánh giá rất kỹ nguyên nhân tại sao mặc dù chúng ta đã điều hành rất đúng theo quy định của Chính phủ. Chúng tôi thấy rằng một trong những điểm mà chúng ta tính bình quân giá 30 ngày theo chu kỳ tính giá và tần suất điều chỉnh giá là 10 ngày, do vậy sẽ có độ trễ nhất định và vẫn bị hiểu nhầm là tăng nhanh, giảm chậm. Nghị định mới sẽ khắc phục triệt để vấn đề này, bằng cách quy định tần suất điều chỉnh giá là 15 ngày và tính giá bình quân cũng là 15 ngày. Và như vậy là sẽ không bị tính trùng như quy định trước.
Liên quan tới quỹ bình ổn giá xăng dầu, nhiều ý kiến cho rằng, khi quyền điều hành giá xăng dầu thuộc Bộ Công Thương quản lý thì khó tránh khỏi tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi.” Vậy, quan điểm của ông về vấn đề này như nào?
Khi tham mưu cho lãnh đạo các Bộ và trình Chính phủ, chúng tôi cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến về vấn đề này và chúng tôi cũng đã lường trước được vấn đề này. Do vậy, trong Nghị định mới có quy định rõ các trách nhiệm của các Bộ, ngành trong đó có trách nhiệm của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát quỹ này. Một trong những điểm mới tại Nghị định 83, là quỹ bình ổn giá sẽ gửi tại 1 ngân hàng. Do vậy, chúng ta hoàn toàn có thể giám sát và kiểm soát được quỹ này. Và như vậy, Liên bộ điều hành quỹ đều thực hiện theo quỹ này là hoàn toàn minh bạch và người dân có thể giám sát được.
Trong thời gian tới đây, Bộ Tài chính sẽ có vai trò như thế nào trong việc điều hành giá xăng dầu?
Trước hết chúng tôi sẽ rà soát những nội dung tại Nghị định 83 và chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Công Thương để ban hành các văn bản hướng dẫn sau khi thực hiện Nghị định này. Một trong những điểm cơ bản là chúng tôi sẽ cùng với Bộ Công Thương giám sát việc hình thành, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá và sẽ kiểm tra việc điều hành giá của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mới theo quy định.