Được thành lập theo Nghị định 115/CP ngày 30/10/1962 của Chính phủ, ngày 01/4/1963, Vietcombank chính thức ra mắt và đi vào hoạt động. Sự ra đời của Vietcombank nhằm đáp ứng yêu cầu quốc tế về hoạt động ngân hàng đối ngoại và gánh vác trọng trách: Kinh doanh ngoại hối, thanh toán quốc tế, tín dụng quốc tế, cho vay ngoại thương; Tham gia quản lý ngoại hối, góp phần bảo vệ tiền tệ và tài sản nhà nước, tăng cường và mở rộng quan hệ kinh tế, chính trị và văn hóa với nước ngoài...

Ngay từ khi ra đời, tập thể cán bộ, lãnh đạo, nhân viên Vietcombank đã nhanh chóng bắt tay thực hiện những nhiệm vụ đầu tiên của một định chế tài chính mới. Hoạt động trong thời chiến cũng như thời bình, đồng hành với lịch sử phát triển của dân tộc, Vietcombank luôn khẳng định rõ vai trò, vị thế của mình, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Vừa đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho nền kinh tế của hậu phương miền Bắc, Vietcombank vừa làm trọn nhiệm vụ cung ứng ngoại tệ cho chiến trường miền Nam, góp phần tích cực vào sự nghiệp thống nhất đất nước, tiêu biểu là hoạt động của B29.

Những năm đầu 1965 – 1966, số tiền chi viện cho miền Nam được giao cho Ủy ban Thống nhất tổ chức vận chuyển bằng USD vào miền Nam. Từ năm 1967 trở đi, yêu cầu chi viện cho các chiến trường miền Nam ngày càng lớn. B29 đã giao cho Tổng cục Hậu cần đóng gói đưa vào miền Nam với tổng số tiền lên tới hàng trăm triệu USD.

Kết quả kinh doanh năm 2012 của Vietcombank cho thấy: Tiền gửi khách hàng tại thời điểm 31/12/2012 đạt 285.196 tỷ đồng, tăng gần 55.500 tỷ, tương đương 24% so với đầu năm; cho vay ra đạt gần 239.800 tỷ, tăng 15,2% so với năm 2011.

Từ năm 1969, việc vận chuyển tiền mặt vào chiến trường với khối lượng lớn như trên gặp nhiều rủi ro do bị địch đánh phá ác liệt. Đồng chí Mai Hữu Ích lúc bấy giờ là Cục phó Cục ngoại hối, Phó giám đốc (sau là Phó Tổng giám đốc) Vietcombank đã được đồng chí Lê Thanh Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ cử vào chiến trường trực tiếp nghiên cứu và bàn với Ban Kinh tài Trung ương cục miền Nam về biện pháp thanh toán đặc biệt qua ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, Ban Kinh tài tại miền Nam nhận lương thực, thực phẩm hoặc vũ khí, đạn dược tại chỗ từ các thương nhân miền Nam và báo cho B29 điện chuyển ngoại tệ vào tài khoản của họ ở nước ngoài. Đây là biện pháp thanh toán đặc biệt theo quy ước rất chặt chẽ, đảm bảo được bí mật, an toàn cho người giao hàng và người trả tiền. Việc áp dụng biện pháp thanh toán đặc biệt này đã chi viện cho các chiến trường được nhanh chóng, không bị tổn thất.

Trong những năm cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, B29 đã thực hiện việc thanh toán đặc biệt an toàn cho hàng trăm chuyến hàng trị giá hàng trăm triệu USD. Đây là một chiến công thầm lặng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc mà Cục Ngoại hối, Vietcombank vinh dự được tham gia. Ngoài ra, trong quá trình tiếp nhận vốn ngoại tệ từ nước ngoài về, đưa ngoại tệ chi viện vào miền Nam, B29 đã vận dụng linh hoạt các nghiệp vụ, chuyển đổi ngoại tệ này sang ngoại tệ khác, tranh thủ điều chuyển vốn từ ngân hàng không trả lãi sang ngân hàng trả lãi, ngân hàng trả lãi thấp sang ngân hàng trả lãi cao đã thu được khoản lãi gần 21 triệu USD tăng thêm nguồn viện trợ cho chiến trường.

Ngay sau ngày miền Nam giải phóng, bằng nhiều biện pháp tích cực, có hiệu quả, Vietcombank đã nhanh chóng tiếp quản hệ thống ngân hàng của chế độ cũ, thu về cho quốc gia một khối lượng tài sản, vốn lớn đang nằm ở nước ngoài, đấu tranh với các ngân hàng nước ngoài trong việc chuyển các tài khoản đứng tên Ngân hàng Quốc gia chế độ Sài Gòn vào tài khoản đứng tên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở nước ngoài, để sau khi bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, chúng ta đã thu về cho Nhà nước hàng trăm triệu USD.

Bước vào tái cơ cấu hoạt động, Vietcombank đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu mở rộng đầu tư, hỗ trợ các thành phần kinh tế đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của đất nước. Trong những năm gần đây, cùng với việc mở rộng tín dụng, chất lượng tín dụng của Vietcombank luôn được kiểm soát ở mức độ an toàn. Cơ cấu tín dụng được chuyển đổi theo hướng tập trung và phục vụ cho các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, thuộc các lĩnh vực phát triển bền vững…

Bên cạnh đó, đẩy mạnh về công nghệ đã làm thay đổi căn bản công nghệ ngân hàng. Từ đó giúp Vietcombank mở rộng và nâng cao các dịch vụ ngân hàng mới, phát huy các dịch vụ truyền thống như thanh toán quốc tế, mở rộng các dịch vụ mới nhằm thu hút khách hàng - hỗ trợ công tác huy động vốn và đa dạng hóa các nguồn thu cho đơn vị.

Nhìn lại những trang sử vẻ vang một phần hai thế kỷ của Vietcombank, có thể tự hào trước những đóng góp không nhỏ của toàn hệ thống Vietcombank trên mặt trận là “bà đỡ” cho các doanh nghiệp. Dấu ấn của Vietcombank đã và đang lan rộng trong đời sống kinh tế - xã hội.

Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập vào thời điểm Ngân hàng đã thực hiện cổ phần hóa thành công, đa dạng hóa hình thức sở hữu càng tăng thêm sức mạnh, hội tụ thêm trí tuệ và sự tâm huyết, tạo lực đẩy vững mạnh cho sự phát triển của Vietcombank. Kể từ khi có thêm đối tác chiến lược – Ngân hàng Nhật Bản Mizuho với mô hình hoạt động mới, hiện đại, Vietcombank có bước chuyển mình thực sự trên các lĩnh vực hoạt động.

Phát huy truyền thống 50 năm, các thế hệ cán bộ Vietcombank sẽ viết tiếp những trang sử mới, quyết tâm thực hiện thành công chương trình tái cấu trúc, để đưa Vietcombank sách ngang tâm với các ngân hàng lớn trong khu vực.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 3 – 2013

50 năm Vietcombank: Những mốc son

Lê Đắc Cù - Nguyên Chủ tịch HĐQT Vietcombank

(Tài chính) Trong chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển, mỗi giai đoạn, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đều tạo dựng được những mốc son đáng ghi nhớ. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập (1/4/1963 – 1/4/2013), cùng Vietcombank nhìn lại những mốc son chói lọi trong suốt chặng đường vinh quang ấy…

Xem thêm

Video nổi bật