Sự kiện kinh tế - tài chính thế giới tuần từ 18-23/7/2016

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

- Toàn cầu:

+ Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 3,1% trong năm 2016 và 3,4% trong năm 2017, giảm so với mức tương ứng là 3,2% và 3,5% dự báo hồi tháng 4/2016, do tác động tiêu cực của Brexit.Trong đó: (i) Tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ đạt 2,2% trong năm 2016, thấp hơn dự báo 2,4%; năm 2017 giữ nguyên ở mức 2,5%; (ii) Tăng trưởng GDP của Anh đạt 1,7% trong năm 2016 và 1,3% trong năm 2017, giảm mạnh so với mức tương ứng là 1,9% và 2,2%, do sự bất ổn tăng lên sau Brexit sẽ khiến nhu cầu nội địa suy giảm đáng kể. (Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF ngày 19/7)

+ Kinh tế toàn cầu có thể thiệt hại hơn 2.000 tỷ USD vào năm 2030 do tình trạng biến đổi khí hậu khiến trái đất ấm lên. GDP của 43 nước trên thế giới sẽ sụt giảm do năng suất lao động giảm tại Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh.Trong đó GDP của Indonesia và Thái Lan giảm khoảng 6%, của Trung Quốc giảm khoảng 0,8% và của Ấn Độ giảm khoảng 3,2% vào năm 2030. (TheoLiên Hợp quốc ngày 19/7)

- Châu Á - Thái Bình Dương: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển thuộc châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2016 đạt khoảng 5,6%, giảm so với mức 5,7% (dự báo hồi tháng 3/2016), do tác động của việc kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng chậm lại và Brexit; năm 2017 giữ nguyên ở mức 5,7% (dự báo tháng 3/2016). Dự báo tăng trưởng kinh tế tại các khu vực như sau:

+ Đông Á: 5,7% trong năm 2016 và 5,6% năm 2017, trong đó Trung Quốc tăng trưởng tương ứng là 6,5% và 6,3%.

+ Nam Á: Dẫn đầu khu vực về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong cả hai năm 2016, 2017, với tốc độ tăng trưởng lần lượt là 6,9% và 7,3%; trong đó Ấn Độ tăng trưởng tương ứng là 7,4% và 7,8%, nhờ chi tiêu tiêu dùng tăng nhanh và kinh tế khu vực nông thôn tăng trưởng khá hơn.

+ Đông Nam Á: 4,5% trong năm 2016 và 4,8% trong năm 2017, do hầu hết các nền kinh tế trong khu vực này đều tăng trưởng ổn định trong 6 tháng đầu năm 2016 nhờ chi tiêu tiêu dùng tăng. + Trung Á: 1,7% trong năm 2016 và 2,7% trong năm 2017 (thấp hơn mức dự báo tương ứng 2,1% và 2,8% trước đó), do giá hàng hóa vẫn thấp và suy thoái ở Nga.

+ Thái Bình Dương: 3,9% trong năm 2016 và 3% trong năm 2017.

(Theo Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB ngày 28/7)

Bất động sản

Trong quý 2/2016, giá trị giao dịch bất động sản toàn cầu đạt 148 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2015. Châu Mỹ đạt 69 tỷ USD, giảm khoảng 14% so với cùng kỳ năm 2015; châu Á - Thái Bình Dương đạt 22 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2015, chủ yếu do sự suy giảm giao dịch ở Trung Quốc và Nhật Bản với mức giảm lần lượt là 39% và 20%. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2016, tổng giá trị giao dịch đạt 281 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2015, do ảnh hưởng từ biến động chính trị tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư. (Theo Công ty tư vấn Jones Lang Lasalle - JLL, Hoa Kỳ)

Tỷ giá

- Trung Quốc: Tỷ giá tham chiếu đồng CNY ngày 19/7 được điều chỉnh giảm 10 điểm cơ bản xuống còn 6,6971 CNY/USD - mức thấp nhất trong vòng hơn 5 năm qua, do đồng CNY đang mất giá trước những lo ngại về đà phục hồi kinh tế Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng bởi thị trưởng bất động sản không tăng trưởng trong tháng 6/2016. (Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - PBoC ngày 19/7)

- Nhật Bản: Trên thị trường tiền tệ châu Á sáng ngày 19/7, đồng JPY giao dịch ở mức 106,33 JPY/1USD - mức thấp nhất kể từ ngày 24/6 (đồng JPY giao dịch ở mức 99,02 JPY/1 USD - mức cao nhất kể từ tháng 11/2003 bởi tác động của Brexit), do giới đầu tư kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Nhật bản (BoJ) sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách trong cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 29/7 và Chính phủ Nhật Bảnsẽ triển khai một gói kích thích tài chính mới để thúc đẩy nền kinh tế.

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Hầu hết các chỉ số chứng khoán chính tăng điểm trong tuần qua, chủ yếu do lợi nhuận của các tập đoàn kinh tế, ngân hàng (Bank of America, Công ty Microsoft…) tốt hơn dự đoán và cổ phiếu lĩnh vực công nghệ tăng giá mạnh. Tính chung cả tuần (18 - 22/7/2016), chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 0,3%, 0,6% và 1,4%. Trong ngày giao dịch cuối tuần (22/7/2016) so với phiên giao dịch ngày hôm trước, các chỉ số:

+ Dow Jones đạt 18.570,85điểm, tăng 0,3%.

+ S&P 500 đạt 2.175,03 điểm, tăng 0,5%.

+ Nasdaq Composite đạt 5.100,16 điểm, tăng 0,5%.

- Chứng khoán châu Á: Hầu hết các thị trường chứng khoán chính tăng điểm trong tuần qua, chủ yếu do các nhà đầu tư kỳ vọng vào những biện pháp hỗ trợ nền kinh tế từ chính phủ các nước hậu Brexit. Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 0,23% lên 133,98 điểm.

Các thị trường chính tăng điểm:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 0,8% lên 16.627,25 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 1,45% lên 21.964,27 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) tăng 1,52% lên 5.498,187 điểm.

Các thị trường chính giảm điểm:

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 1,41% xuống 3.012,82 điểm.

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 0,25% xuống 2.010,34 điểm.

Dầu mỏ

Tuần từ 18 - 22/7/2016, giá dầu WTI và Brent giảm tương ứng 5,3% và 4%, do lượng dầu thô và sản phẩm lọc dầu lưu kho tiếp tục tăng khiến giới đầu tư lo ngại một thời kỳ thừa cung mới đang hình thành; đồng USD mạnh lên. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (22/7/2016), giá dầu giao tháng 9/2016:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 56 cent (1,3%) xuống 44,19 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 09/5/2016.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe giảm 51 cent (1,1%) xuống 45,69 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 10/5/2016.

Châu Âu

EU

- Các ngân hàng châu Âu cần phải bổ sung 30 - 40 tỷ EUR vốn cho các chi nhánh của họ tại Anh, do chi phí hoạt động của các chi nhánh này trong lĩnh vực thị trường vốn sẽ tăng 8 - 22% do ảnh hưởng của Brexit. (Tập đoàn tư vấn tài chính Boston Consulting Group, Hoa Kỳ)

- Ngày 18/7, EU công bố kế hoạch phân bổ thêm gói viện trợ mới trị giá 500 triệu EUR (553 triệu USD), nâng tổng số tiền lên 1 tỷ EUR (1,106 tỷ USD), nhằm hỗ trợ nông dân của 28 nước thành viên gặp khó khăn do giá sữa liên tục giảm. Tháng 9/2015, EU đã chi 500 triệu EUR từ quỹ khẩn cấp để hỗ trợ nông dân các nước thành viên, tuy nhiên giá sữa và các mặt hàng nông sản khác của các nước EU vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.

Eurozone

Thặng dư tài khoản vãng lai của Eurozone trong tháng 5/2016 đạt 30,9 tỷ EUR, giảm 5,4 tỷ EUR so với mức kỷ lục của tháng 4/2016 (36,3 tỷ EUR). Lũy kế 12 tháng (tính đến tháng 5/2016), thặng dư tài khoản vãng lai đạt 347 tỷ EUR (tương đương 3,3% GDP), tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2015. (Theo Thời báo Tài chính Anh ngày 20/7)

Anh

- CPI tháng 6/2016 của Anh tăng 0,5% - mức cao nhất kể từ tháng 11/2014, sau khi tăng 0,3% trong tháng 5, do giá máy bay, nhiên liệu và chi cho tiêu dùng tăng, tuy nhiên tỷ lệ này vẫn cách xa mục tiêu lạm phát 2% trong vòng 2 năm tới. Các nhà kinh tế kỳ vọng, việc giảm giá đồng GBP sẽ đẩy lạm phát tăng mạnh trong thời gian tới. (Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh - ONS ngày 19/7)

- Trong 3 tháng (từ tháng 3 - 5/2016), tỷ lệ thất nghiệp của Anh ở mức 4,9% - thấp nhất trong vòng 11 năm qua. Tổng số người thất nghiệp là 1,65 triệu người, giảm 54.000 người so với 3 tháng trước đó. Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế, xu hướng tích cực này sẽ không kéo dài do chịu tác động của Brexit. (Theo ONS ngày 20/7)

- Theo khảo sát 132 Giám đốc tài chính (CFOs) của các tập đoàn tài chính - ngân hàng lớn ở Anh về tác động của Brexit do Hãng Tư vấn Deloitte công bố ngày 18/7, có 73% quan ngại về triển vọng sản xuất - kinh doanh của tập đoàn mình do Brexit sẽ khiến doanh thu và vốn đầu tư giảm đáng kể trong bối cảnh các doanh nghiệp thu hẹp hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ năm 2007 khi Deloitte bắt đầu nghiên cứu này; 82% CFOs khẳng định doanh nghiệp của họ sẽ cắt giảm chi phí trong năm 2017.

Hy Lạp

Hy Lạp đã thanh toán 2,3 tỷ EUR (2,5 tỷ USD) tiền nợ cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).Số tiền này là một phần của khoản hỗ trợ trị giá 7,5 tỷ EUR mà Hy Lạp được Eurozone giải ngân hồi tháng 6/2016. Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM), cơ quan điều phối khoản vay của Hy Lạp, cho biết sẽ giải ngân thêm 2,8 tỷ EUR cho Hy Lạp nếu nước này tiếp tục thực hiện cải cách kinh tế. (Theo AFP ngày 20/7)

Thổ Nhĩ Kỳ

Hãng xếp hạng tín nhiệm S&P ngày 20/7 đã hạ mức xếp hạng tín dụng của Thổ Nhĩ Kỳ một bậc, từ BB+/B xuống BB/B - cả hai mức đều được coi là không nên đầu tư - và vẫn đánh giá triển vọng nợ công là tiêu cực sau cuộc đảo chính ở nước này (15/7), phản ánh tình hình kinh tế, tài chính công và nợ của Thổ Nhĩ Kỳ có thể xấu hơn mức dự báo, bất ổn chính trị làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, tiềm ẩn nguy cơ làm tăng thêm sức ép lên cán cân thanh toán. (Theo S&P ngày 20/7)

Châu Á

Hàn Quốc

Chỉ số giá sản xuất (PPI) của nước này trong tháng 6/2016 giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2015 - mức giảm thấp nhất kể từ tháng 12/2014, sau khi giảm 3% trong tháng 5/2016, chủ yếu do sự suy giảm chậm lại của các mặt hàng công nghiệp (giảm 4,8% so với mức giảm 5,2% trong tháng 5). (Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc - BoK ngày 19/7)

Singapore

Xuất khẩu nội địa phi dầu mỏ của nước này trong tháng 6/2016 đã giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2015, thấp hơn so với dự báo giảm 3% của Reuters. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường lớn nhất của Singapore, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm 2015, tiếp đà giảm 10,1% trong tháng 5; xuất khẩu sang Liên minh châu Âu giảm 5,8%, so với mức giảm 14% tháng 5; xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng 5,9% nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 9,1% tháng 5. (Theo Tổ chức Doanh nghiệp Quốc tế Singapore ngày 18/7)

Thái Lan

Mục tiêu tổng số thu toàn ngành du lịch của Thái Lan trong năm 2017 được điều chỉnh giảm từ 2,89 nghìn tỷ THB (82,5 tỷ USD) xuống 2,84 nghìn tỷ THB (81,1 tỷ USD), trong đó thu nhập từ hoạt động du lịch nội địa giảm từ 1.000 tỷ THB (28,5 tỷ USD) xuống 950 tỷ THB (27,1 tỷ USD), do ảnh hưởng của diễn biến kinh tế và chính trị của Thái Lan trước thời điểm tổng tuyển cử và các diễn biến bất ổn của thế giới và khu vực.(Theo Cơ quan Du lịch Thái Lan)

Malaysia

CPI của nước này trong tháng 6/2016 tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2015, thấp hơn so với kỳ vọng của thị trường (1,8%), sau khi tăng 2% trong tháng 5/2016, do chi phí giao thông và thực phẩm giảm. Điều này sẽ khiến Ngân hàng Trung ương Malaysia đẩy mạnh thực hiện các biện pháp nới lỏng tiền tệ vào cuối năm 2016. (Theo Văn phòng Thống kê Malaysia ngày 20/7)

Hoa Kỳ

Văn phòng Quản lý và Ngân sách Hoa Kỳ ngày 15/7 dự báo thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳtrong tài khóa 2016 (tính đến hết tháng 9/2016) đạt khoảng 600 tỷ USD, tăng 162 tỷ USD so với tài khóa 2015; tốc độ tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ trong năm 2016 đạt 2,2%, thấp hơn dự báo 2,7% đưa ra vào tháng 2/2016.

Trong tháng 6/2016, kinh tế Hoa Kỳ có dấu hiệu lạc quan hơn qua một số chỉ số sau:

- Doanh số bán lẻ của Hoa Kỳ tăng 0,6% - tháng tăng thứ ba liên tiếp, sau khi tăng 0,2% trong tháng 5/2016, cho thấykinh tế Hoa Kỳ đã phục hồi trong quý 2/2016. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 15/7)

- Sản lượng công nghiệp của Hoa Kỳ tăng 0,6% - mức tăng mạnh nhất trong 11 tháng, sau khi giảm 0,3% trong tháng 5/2016. (Theo Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ ngày 15/7)

- CPI tăng 0,2%, bằng mức tăng trong tháng 5/2016 donhu cầu nội địa ngày càng tăng. CPI lõi (không bao gồm chi phí lương thực và năng lượng) tăng 0,2%. So với cùng kỳ năm 2015, CPI tăng 1%. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 15/7)

Trong tháng 6/2016, lượng nhà mới xây tại nước này tăng 4,8% so với tháng 5/2016 đạt 1,19 triệu căn, cao hơn so với dự báo 1,17 triệu căn của các nhà kinh tế đưa ra trước đó. Đây làmột trong những dấu hiệu cho thấy kinh tế Hoa Kỳ đã lấy lại được đà tăng trưởng. Ngay sau thông báo trên, trong phiên giao dịch trên thị trường châu Á ngày 20/7, đồng USD tăng giá mạnh, đạt chỉ số 97,148 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 10/3. (Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 19/7)

Trung Quốc

Trong tuần qua, PBoCđã thực hiện 4 lần bơm tiền ra thị trường với tổng giá trị 105 tỷ CNY vào thị trường thông qua các thỏa thuận repo, nhằm giảm bớt tình trạng khan hiếm tiền mặt trên thị trường, thay vì cắt giảm lãi suất hoặc tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

- Ngày 18/7, PBoC bơm 50 tỷ CNY (7,6 tỷ USD) vào thị trường liên ngân hàng thông qua các thỏa thuận bán và mua lại cổ phiếu (repo) có kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2,25% khi đáo hạn, nhằm tăng tính thanh khoản của thị trường.

- Ngày 19/7, bơm 60 tỷ CNY (9 tỷ USD) được bơm vào thị trường liên ngân hàng thông qua các thỏa thuận bán và mua lại cổ phiếu (repo) có kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2,25% khi đáo hạn, nhằm tăng tính thanh khoản của thị trường.

- Ngày 20/7, bơm 15 tỷ CNY (2,4 tỷ USD) vào thị trường thông qua các thỏa thuận repo có kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2,25% khi đáo hạn.

- Ngày 21/7, bơm 30 tỷ CNY (4,9 tỷ USD) vào thị trường thông qua các thỏa thuận repo có thời hạn 7 ngày, lãi suất 2,25%, đồng thời có 20 tỷ CNY repo đáo hạn, như vậy trên thực tế, PBoC đã bơm 10 tỷ CNY vào thị trường tài chính.

Trong tháng 6/2016, các ngân hàng thương mại Trung Quốc đã đưabán ra 12,8 tỷ USD ngoại tệ, tăng nhẹ so với 12,5 tỷ USD trong tháng 5. Trong khi đó, PBoC đã bán số ngoại tệ trị giá 14,6 tỷ USD trong tháng 6/2016, tăng so với 8 tỷ USD trong tháng 5/2016. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2016, có tổng cộng 173,8 tỷ USD ngoại tệ được Trung Quốc bán ra. (Theo Cơ quan Quản lý ngoại hối nhà nước Trung Quốc ngày 21/7)

Nhật Bản

Trong tháng 7/2016, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) sản suất của Nhật Bản đạt 49 điểm, tăng so với 48 điểm trong tháng 6/2016, do sản lượng sản xuất và các đơn đặt hàng mới giảm với tốc độ chậm hơn. (Theo số liệu sơ bộ của Công ty Thông tin tài chính và Dịch vụ Markit công bố ngày 22/7)

Chính sách

- ECB: Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 21/7 quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản và lãi suất tái cấp vốn ở mức thấp kỷ lục (lãi suất cho vay 0,25%; lãi suất tiền gửi ngân hàng -0,4%; lãi suất tái cấp vốn 0%) và tiếp tục thực hiện gói nới lỏng định lượng, mua vào trái phiếu trị giá 88 tỷ USD hàng tháng cho tới ít nhất là cuối tháng 3/2017.

- Brazil: Ngân hàng Trung ương Brazil ngày 20/7 quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 14,25%, đã được duy trì trong vòng 1 năm qua để hỗ trợ nền kinh tế đang lâm vào suy thoái khi tốc độ tăng trưởng kinh tế trong tháng 5/2016 giảm 0,51% so với tháng 4/2016 - mức giảm mạnh nhất trong vòng 6 năm qua và dự báo GDP cả năm 2016 giảm 3,3%; lạm phát ở mức cao.

- Indonesia: Ngân hàng Trung ương Indonesia ngày 21/7 quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 6,5%, trái với dự báo giảm 25 điểm phần trăm của các chuyên gia kinh tế đồng thời cho biết các biện pháp nới lỏng tiền tệ trước đó đã giúp kinh tế Indonesia cải thiện dần. Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế nước này đạt 4,92% trong quý 2/2016 và 5 - 5,4% trong cả năm 2016 (so với 4,79% năm 2015).