Sự kiện kinh tế - tài chính Việt Nam tuần từ 18 - 22/01/2016

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung

Sản xuất

công nghiệp

Để thực hiện Chiến lược và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô, năm 2016 dự kiến sẽ có một số điều chỉnh về chính sách thuế, phí, cụ thể:

- Ô tô chở người: Sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu từ 64% xuống còn 61% và giảm dần xuống còn 52% đến năm 2019.

- Ô tô tải: Thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc dưới45 tấn sẽ được điều chỉnh tăng lên bằng mức trần cam kết (từ 25 - 70%) tùy theo tải trọng của xe.

- Một số chủng loại xe tải chuyên dùng tăng thuế nhập khẩu từ 15% lên 20%.

(Theo Bộ Công Thương)

Doanh nghiệp

Theo Tập đoàn Bảo Việt:

- Doanh thu hợp nhất trong năm 2015 đạt 20.807 tỷ đồng, bằng 110% kế hoạch, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó:

+ Bảo hiểm nhân thọ đạt doanh thu 10.100 tỷ đồng, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2014, đóng góp lớn nhất vào doanh thu của Tập đoàn Bảo Việt.

+ Bảo hiểm phi nhân thọ đạt doanh thu 6.471 tỷ đồng, tăng khoảng 5,9% so với cuối năm 2014.

- Mức lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn trong năm 2015 đạt 1.187 tỷ đồng, bằng 104,1% so với kế hoạch cả năm.

- Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 1.465 tỷ đồng, bằng 101,8% kế hoạch

Năm 2016, Tập đoàn Bảo Việt đặt kế hoạch doanh thu 1 tỷ USD.

Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê về xu hướng kinh doanh trong quý ​1/2016 của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các doanh nghiệp đều lạc quan về xu hướng kinh doanh đối với các tiêu chí: Khối lượng sản xuất, đơn đặt hàng, chi phí sản xuất, tồn kho… Theo đó:

- Có 40,9% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 17,7% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 41,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định trong quý 1/2016.

- Có 16,5% số doanh nghiệp dự báo lượng hàng tồn kho sẽ tăng; 29,5% số doanh nghiệp cho rằng lượng hàng tồn kho sẽ giảm và 54% số doanh nghiệp dự báo sẽ giữ ổn định.

(Theo Tổng cục Thống kê)

Mức lương năm 2015 ước đạt 5,53 triệu đồng/người/tháng, tăng khoảng 8% so với năm 2014, cụ thể:

- Khối doanh nghiệp nhà nước có mức lương cao nhất, đạt 7,04 triệu đồng/tháng, tăng 8%.

- Khối doanh nghiệp tư nhân đạt 4,99 triệu đồng/tháng, tăng 6%.

- Khối doanh nghiệp FDI ước đạt 5,47 triệu đồng/tháng, tăng 9%.

(Theo bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động tiền lương - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư nhân Đại hội Đảng lần thứ XII, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: Tính đến năm 2013, khu vực tư nhân đóng góp 45% GDP, 39% vốn đầu tư thực hiện trong khu vực doanh nghiệp, 33% thu ngân sách và tạo ra 62% việc làm trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2014 - 2015, tỷ trọng trong GDP của khu vực doanh nghiệp tư nhân có thể chiếm trên 50%, của khu vực doanh nghiệp nhà nước đang có xu hướng giảm cùng với quá trình cổ phần hóa mạnh mẽ.

Ngày 18/01, tại Khu ​​công nghiệp Long Hậu, Long An, Tập đoàn hàng đầu thế giới về giải pháp tem, nhãn mác, bao bì, phụ liệu Avery Dennison RBIS​ đã đưa vào sử dụng nhà máy mới có vốn đầu tư 30 triệu USD, thu hút 1.200 nhân viên tham gia, nhằm nâng cao năng lực sản xuất nhãn ép nhiệt và phục vụ khách hàng, đáp ứng hiệu quả hơn nhu cầu của các thương hiệu và tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới.

Việc khánh thành nhà máy mới tại Việt Nam giúp ngành dệt may tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm nhập khẩu nguyên phụ liệu, nhãn mác nước ngoài vào Việt Nam - Bà Trương Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) cho biết.

Tổng cầu

Đầu tư

Cơ quan bảo lãnh đầu tư đa phương (MIGA) thuộc WB đã đồng ý hỗ trợ 239,7 triệu USD cho Việt Nam thực hiện Dự án thủy điện ở Hồi Xuân (Quan Hóa - Thanh Hóa), thông qua phát hành bảo lãnh cho một nhóm các bên cho vay do Goldman Sachs và Bank of Tokyo Mitsubishi (BTMU) đứng đầu, nhằm bảo hiểm rủi ro không thực hiện nghĩa vụ tài chính với bảo lãnh thanh toán của Chính phủ cho các bên cho vay và có kỳ hạn 15 năm, được dùng cho việc thiết kế, xây dựng, vận hành và bảo dưỡng nhà máy thủy điện có công suất 102 MW nằm khoảng 15 km về phía Tây Bắc xã Hồi Xuân. Sau đó, nhà máy này sẽ sản xuất và bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo một hợp đồng mua bán điện. Dự kiến nhu cầu về điện ở Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong thời gian từ năm 2014 - 2020, chủ yếu do tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam, đã giúp đất nước chuyển đổi từ một trong những nước nghèo nhất trên thế giới thành nước có thu nhập trung bình thấp chỉ trong một phần tư thế kỷ. (Theo Ngân hàng Thế giới - WB)

Ngân sách

nhà nước

Doanh thu ngành xổ số năm 2015 đạt khoảng 3 tỷ USD, trong đó số tiền nộp vào ngân sách lên tới 1 tỷ USD. Sau khi trừ vào các khoản chi phí, thuế... nếu đã đủ vốn điều lệ thì lợi nhuận còn lại sẽ tiếp tục đóng vào ngân sách địa phương và chi hoàn toàn cho lĩnh vực an sinh xã hội như giáo dục, y tế…

(Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính)

Xuất nhập khẩu

Năm 2015, Việt Nam đã nhập siêu 3,54 tỷ USD, với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt hơn 162,11 tỷ USD, chỉ tăng 7,9% so với năm 2014, không đạt mục tiêu đề ra là tăng 10%; tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt gần 165,65 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2014. (Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan)

Năm 2015, xuất khẩu da giầy đạt 14,88 tỷ USD, tăng gần 16% so với 2014, chiếm 9,1% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

- Mỹ là thị trường có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất, đạt 5,1 tỷ USD, tăng 50% so với năm 2014, chiếm tới 43% tổng kim ngạch xuất khẩu.

- EU là thị tường đứng thứ 2, đạt 4,4 tỷ USD, tăng 20% năm 2014, chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu.

(Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam)

Cân đối vĩ mô

Lạm phát

CPI tháng cận Tết (tháng 01/2016) không đổi so với tháng 12/2015 và tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2015, do giá xăng dầu, giá gas giảm đã dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu giảm 6,44% so với tháng 12/2015, góp phần giảm CPI chung khoảng 0,27%. (Theo Tổng cục Thống kê)

Cước vận tải

- Tính đến thời điểm này, đã có 21 doanh nghiệp gửi thông báo về việc giảm giá vé ở mức 2 - 12% trong dịp Tết Nguyên đán 2016. Trong đó, bến Mỹ Đình có 16 doanh nghiệp, bến Giáp Bát có 5 doanh nghiệp. (Theo Công ty quản lý bến xe Hà Nội)

- Mới có 25/217 doanh nghiệp đang hoạt động kê khai giảm giá vé. Tuy nhiên, mức giảm chỉ từ 2 - 3% tùy theo tuyến và chỉ áp dụng cho vé đi những ngày thường, còn những ngày cao điểm giáp Tết (khoảng từ 20 tháng Chạp trở đi), giá vé lại tăng 20 - 60% ở một số tuyến. (Theo ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe miền Đông)

- Dự báo lượng hành khách đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong dịp Tết năm nay tăng từ 3 - 5% so với năm ngoái. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong bến sẽ áp dụng phụ thu không quá 40% so với mức giá vé ngày thường và thời gian phụ thu là 6 ngày (gồm 4 ngày trước Tết và 2 ngày sau Tết). (Theo Bến xe miền Tây)

Lãi suất

Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, hiện nay:

- Lãi suất cho vay bằng VND của hệ thống tổ chức tín dụng phổ biến khoảng 6 - 9%/năm đối với ngắn hạn, 9 - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Đặc biệt, một số ngân hàng áp dụng lãi suất cho vay 5 - 6%/năm đối với phân khúc khách hàng có xếp hạng tín nhiệm cao, khả năng tài chính tốt…

- Tỷ trọng dư nợ các khoản cho vay có lãi suất trên 13%/năm tiếp tục xu hướng giảm, dưới 10%/năm tiếp tục xu hướng tăng, cho thấy các tổ chức tín dụng vẫn tiếp tục hỗ trợ cho sản xuất - kinh doanh và nền kinh tế.

VAMC đã có thông báo về mức lãi suất điều chỉnh của các khoản nợ xấu đã được VAMC mua trong quý 1/2016. Cụ thể:

- Lãi suất bằng VND được giữ nguyên ở mức 9,6%/năm.

- Lãi suất USD được điều chỉnh giảm còn 4,2%/năm, từ mức 4,3% trong quý 4/2015.

- Lãi suất bằng EUR được điều chỉnh giảm còn 4,8%/năm, từ mức 5,4% trong quý 4/2015.

Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay năm 2016 sẽ tăng thêm 0,6 - 1%, do:

- Tín dụng tăng trưởng mạnh trong năm 2015 sẽ buộc các ngân hàng phải điều chỉnh tăng lãi suất huy động để có thể thu xếp đủ vốn vay cho năm 2016.

- Lạm phát sẽ được điều chỉnh dần theo kỳ vọng 5 - 7% cho giai đoạn 2016 - 2020, là cơ sở để tăng lãi suất danh nghĩa.

- NHNN cần duy trì một độ rộng hợp lý cho lãi suất VND so với USD và việc FED dự kiến điều chỉnh lãi suất tăng thêm 1% trong năm 2016 sẽ gây áp lực tăng lãi suất VND.

(Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt)

Giá vàng

Trong tuần, giá vàng SJC được các doanh nghiệp điều chỉnh giảm từ 10 đến 30 nghìn đồng/lượng. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 23/01), giá vàng được niêm yết ở mức:

+ Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn tại thành phố Hồ Chí Minh: 32,64 - 32,91 triệu đồng/lượng, tại Hà Nội: 32,64 - 32,93triệu đồng/lượng.

+ Tập đoàn Doji: 32,79 - 32,85 triệu đồng/lượng.

+ Công ty Bảo Tín Minh Châu: 32,79 - 32,85 triệu đồng/lượng.

Tỷ giá

Tính chung cả tuần, tỷ giá USD/VND được điều chỉnh giảm từ 5 đến 20 đồng/USD. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 23/01), tỷ giá được các ngân hàng mua bán ở mức:

+ Vietcombank: 22.360 - 22.430 đồng, giảm 5 đồng mỗi chiều.

+ ACB: 22.370 - 22.430 đồng, giảm 10 đồng chiều bán ra.

+ Eximbank và DongABank: 22.370 - 22.430 đồng, giảm 10 đồng mỗi chiều.

+ Techcombank: 22.330 - 22.450 đồng, giảm 20 đồng chiều mua vào và giảm 10 đồng chiều bán ra.

Tăng trưởng tín dụng/huy động

Trong năm 2015, tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tăng trưởng cao hơn những năm trước. Dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản vào khoảng 360.000 tỷ đồng. Như vậy, so với khoảng 197.000 tỷ đồng của năm 2012, thì năm 2015 các ngân hàng đã "bơm" vào lĩnh vực địa ốc 163.000 tỷ đồng (khoảng 7,4 tỷ USD), tăng 80%. (Theo Phó Thống đốc NHNN)

Trong tháng 01/2016, trên địa bàn thành phố Hà Nội, tăng trưởng dư nợ cho vay đã đạt 0,9%, huy động vốn tăng 0,7%.

- Tổng nguồn vốn huy động tháng 01/2016 ước đạt 1.486 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so tháng 12/2015. Trong đó, tiền gửi đạt 1.393 nghìn tỷ đồng, tăng 0,6% (tiền gửi tiết kiệm tăng 0,1%, tiền gửi thanh toán tăng 1%); phát hành giấy tờ có giá đạt 93 nghìn tỷ, tăng 2,4%.

- Tổng dư nợ cho vay tháng 01/2016 ước đạt 1.249 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so tháng 12/2015. Trong đó, dư nợ ngắn hạn đạt 714 nghìn tỷ đồng, tăng 0,2%; dư nợ trung và dài hạn đạt 535 nghìn tỷ đồng, tăng 2%. Trong tổng dư nợ cho vay, dư nợ bằng VNĐ chiếm 90,5%.

(Theo Cục Thống kê Hà Nội)

Trong 7 năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam đã tăng trưởng trung bình khoảng 20%/năm, bình quân đạt khoảng 1,5 triệu đồng/người. Số lượng người có nhu cầu vay các gói vay nhỏ hiện nay rất lớn. Dự báo trong năm 2016, cho vay tiêu dùng sẽ có nhiều cơ hội bứt phá khi Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế thế giới. Tiềm năng phát triểntài chínhtiêu dùng ở Việt Nam là rất lớn, dự đoán sẽ vượt qua 10% GDP vào năm 2020. (Số liệu thống kê năm 2014, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đạt khoảng trên 200.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 5,3% GDP). (Theo Viện Chiến lược Ngân hàng)

Thị trường tài sản

Trái phiếu

Trong tuần, HNX đã tổ chức 02 phiên đấu thầu TPCP. Cụ thể:

Ngày 20/01, HNX đã tổ chức phiên đấu thầu TPCP do KBNN phát hành, với tổng khối lượng gọi thầu 4.000 tỷ đồng gồm 3 loại kỳ hạn 3 năm (1.000 tỷ đồng), 5 năm (2.000 tỷ đồng) và 20 năm (1.000 tỷ đồng).

+ Kỳ hạn 3 năm: Huy động được 1.000 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 5,78%/năm (bằng lãi suất trúng thầu phiên ngày 13/01/2016).

+ Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 1.100 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 6,58%/năm (bằng lãi suất trúng thầu phiên ngày 13/01/2016).

+ Kỳ hạn 20 năm: Huy động được 60 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 7,75%/năm.

Kể từ đầu năm 2016 đến 20/01, KBNN đã huy động thành công 5.713,4 tỷ đồng TPCP.

Ngày 19/01, HNX đã tổ chức phiên đấu thầu TPCP bảo lãnh do VDB phát hành với tổng khối lượng 5.250 tỷ đồng gồm 3 loại kỳ hạn: 3 năm (2.500 tỷ đồng), 5 năm (2.500 tỷ đồng), 15 năm (250 tỷ đồng).

+ Kỳ hạn 3 năm: Huy động được 2.500 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 6,25%/năm (bằng lãi suất trúng thầu phiên ngày 12/01/2016).

+ Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 2.500 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 7,21%/năm (thấp hơn 0,03%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên ngày 12/01/2016).

+ Kỳ hạn 15 năm: Không trúng thầu.

Tính chung từ đầu năm đến 19/01, VDB đã huy động thành công 13.050 tỷ đồng TPCP bảo lãnh.

Cổ phiếu

Tuần qua, cả 2 chỉ số VN-Index và HNX-Index đều giảm.

- VN-Index:Tiếp tục giảm mạnh xuống còn 522,24 điểm vào cuối phiên giao dịch ngày 22/1, tương ứng giảm 3,82% so với tuần giao dịch trước.

-HNX-Index: Giảm xuống còn 73,85 điểm, tương ứng giảm 2% so với tuần giao dịch trước đó.

Trong tuần qua trên hai sàn,khối ngoại đã bán ròng 9,4 triệu đơn vị, tổng giá trị tương ứng 255,79 tỷ đồng, tăng 122,75% về lượng nhưng giảm 31,36% về giá trị so với tuần trước.

- HOSE: Bán ròng 10,85 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 271,61 tỷ đồng, gấp 3,57 lần về lượng nhưng giảm hơn 21% về giá trị so với tuần trước.

- HNX: Mua ròng 1,45 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 15,82 tỷ đồng.

Bất động sản

Trong quý 4/2015: (i) Tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ đạt khoảng 1,1 triệu m2, tăng 14,7% so với quý 3 và 14,3% so với cùng kỳ năm 2014; (ii) Giá thuê bình quân tăng 12,6% theo quý và 4,2% theo năm. Trung tâm thương mại có mức tăng theo quý cao nhất đạt 21,2%, trong khi cả khối bán lẻ và trung tâm bách hóa đều giảm lần lượt là 0,6% và 5,1%. (Theo Công ty Bất động sản Savills)

Tốc độ giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng tiếp tục tăng mạnh. Theo đó, tính đến hết tháng 12/2015, đã cam kết cho vay 26.999 tỷ đồng (đạt 90%) và đã giải ngân 17.711 tỷ đồng (đạt 59%) đối với 60 dự án và gần 40.037 hộ gia đình, cá nhân, tăng gần 3 lần so với tháng 12/2014. Cụ thể:

- Đối với hộ gia đình, cá nhân, đã cam kết cho vay với số tiền là 19.225 tỷ đồng, đã giải ngân cho 39.883 hộ với số tiền là 13.771 tỷ đồng.

- Đối với tổ chức, đã cam kết cho vay 60 dự án với số tiền là 7.774 tỷ đồng; đã giải ngân cho 58 dự án, dư nợ là 3.940 tỷ đồng.

(Theo Bộ Xây dựng)

Năm 2015, thị trường BĐS đã có sự phục hồi tích cực, thể hiện qua các yếu tố như giá cả ổn định, thanh khoản tăng, cơ cấu hàng hóa được điều chỉnh hợp lý…

- Về tín dụng trong lĩnh vực BĐS tiếp tục tăng trưởng, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống. Tính đến 31/10/2015, tín dụng BĐS đã tăng 16,6% so với thời điểm 31/12/2014.

- Lượng giao dịch: Năm 2015, Hà Nội có khoảng 19.350 giao dịch thành công, tăng gần 1,7 lần so với 2014 và TP.HCM có khoảng 18.700 giao dịch thành công, tăng 1,8 lần so với 2014.

- Giá bán, giá nhà ở: Năm 2015 tiếp tục ổn định, một số dự án tại các khu vực hạ tầng đầy đủ, triển khai đúng tiến độ giá chào bán tăng nhẹ từ 2 - 5% so với năm 2014.

- Lượng giao dịch nhà ở tăng kéo theo tồn kho BĐS đã giảm mạnh. Theo đó, tính đến 20/12/2015, tổng giá trị tồn kho BĐS giảm còn khoảng 50.889 tỷ đồng. So với quý 1/2013, lượng tồn kho đã giảm 77.659 tỷ đồng tương đương 60,4%; so với tháng 12/2014 tồn kho BĐS đã giảm 54.100 tỷ đồng, tương đương 42,3%.

(Theo Bộ Xây dựng)

Chính sách

Thông tư số 30/2015/TT-NHNN

Ngày 25/12/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 30/2015/TT-NHNN quy định việc cấp Giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng:

- Để được cấp phép, phải có tối thiểu 02 cổ đông sáng lập là tổ chức, mang quốc tịch Việt Nam và kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép; có vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong 03 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ xin cấp Giấy phép …

- Với tổ chức tín dụng phi ngân hàng trách nhiệm hữu hạn có chủ sở hữu, thành viên sáng lập là tổ chức nước ngoài, chủ sở hữu, thành viên sáng lập phải có tổng tài sản trên 10 tỷ đô la Mỹ vào cuối năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp phép;…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/02/2016

Thông tư số 39/2015/TT-NHNN

Ngày 31/12/2015, NHNN đã ban hành Thông tư số 39/2015/TT-NHNN quy định việc mở và sử dụng tài khoản vốn phát hành chứng khoán bằng ngoại tệ để thực hiện việc phát hành chứng khoán ở nước ngoài của người cư trú là tổ chức. Theo đó:

+ Tổ chức phát hành phải mở 01 tài khoản vốn phát hành chứng khoán bằng ngoại tệ tại 01 tổ chức tín dụng trước mỗi lần đăng ký chào bán chứng khoán bằng ngoại tệ ở nước ngoài.

+ Chậm nhất ngày 12 của tháng tiếp theo ngay sau tháng phát sinh việc mở, đóng tài khoản vốn phát hành chứng khoán bằng ngoại tệ của tổ chức phát hành, tổ chức tín dụng tại nơi tổ chức phát hành mở, đóng tài khoản vốn phát hành chứng khoán bằng ngoại tệ phải có văn bản báo cáo NHNN về tình hình mở, đóng tài khoản vốn phát hành chứng khoán.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2016.

Thông tư số 40/2015/TT-NHNN

Ngày 31/12/2015, NHNN đã ban hành Thông tư số 40/2015/TT-NHNN quy định việc mở và sử dụng tài khoản vốn phát hành chứng khoán bằng đồng Việt Nam để thực hiện hoạt động phát hành chứng khoán tại Việt Nam của người không cư trú là tổ chức.

+ Tổ chức phát hành nước ngoài phải mở 01 tài khoản vốn phát hành chứng khoán để thực hiện phát hành chứng khoán cho 01 dự án đầu tư tại Việt Nam.

+ Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán phải chuyển vào tài khoản vốn phát hành chứng khoán; tổ chức tín dụng được phép phải thực hiện phong tỏa toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào báo chứng khoán của tổ chức phát hành nước ngoài cho đến khi nhận được yêu cầu của tổ chức phát hành nước ngoài về việc chấm dứt phong tỏa kèm theo thông báo xác nhận kết quả chào bán chứng khoán từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2016.

Nhận định chuyên gia

- Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng kinh tế ổn định tại gần 7% trong năm 2015 do: (i) Nhu cầu nội địa và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng đã giúp Việt Nam tránh được làn sóng bán tháo cổ phiếu và phá giá nội tệ tại nhiều nước trong năm 2015. (ii) Tiêu dùng cá nhân tăng 9,3% trong năm 2015; (iii) Vốn FDI giải ngân tăng 17,4% so với năm 2014 lên mức cao kỷ lục 14,5 tỷ USD; (iv) Lạm phát sẽ được giữ ở mức dưới 5%, thâm hụt ngân sách được kiểm soát dưới mức 4% GDP.

- GDP của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng 6,7% trong năm 2016, song, nếu thâm hụt thương mại gia tăng do tăng trưởng nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng như ô tô, thì sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng.

(Theo Bloomberg)

Thị trường chứng khoán trong năm 2016 có nhiều biến động, thanh khoản thấp và nhà đầu tư khó giữ được tiền. Trong năm nay, vốn đầu tư gián tiếp không ổn định do FED đang trong chu kỳ tăng lãi suất, làm tăng giá USD nên các nhà đầu tư sẽ rời bỏ các thị trường mới nổi và cận biên. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng yếu cũng có thể làm tăng áp lực phá giá NDT thêm khoảng 3 - 6% so với USD. Hai yếu tố trên sẽ gây áp lực lên tỷ giá và lãi suất. Tỷ giá USD/VND có thể tăng thêm 5% và lãi suất cho vay tăng thêm 0,5 điểm phần trăm/năm.Thêm vào đó, nguồn cung cổ phiếu trong năm nay được dự báo tăng lên, trong khi tiền của nhà đầu tư giảm đi, làm cho thanh khoản của thị trường tiếp tục giảm xuống. (Theo Ông Trần Thăng Long, trưởng phòng phân tích nghiên cứu của Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam)