Sự kiện kinh tế - tài chính Việt Nam tuần từ 6-11/6/2016

Theo trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Tăng trưởng

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2016 sẽ giảmxuống 6,2%, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra trong tháng 01/2016. Tuy nhiên,Việt Nam vẫn là 1 trong 3 nước (Việt Nam, Philippines, Thái Lan) góp phần bù đắpcho xu hướngtăng trưởng chậm lại của các nước xuất khẩu hàng hóa trong khu vực. (Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu - GEP của Ngân hàng Thế giới công bố ngày 07/6)

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 8,5 - 9%/năm và GDP bình quân đầu người trên địa bàn đạt 6.700 - 6.800 USD/người. Do vậy, Hà Nội cần huy động vốn đầu tư xã hội khoảng 2,5 - 2,6 triệu tỷ đồng, trong đó vốn ngoài ngân sách chiếm 80%, đồng thời năng suất lao động xã hội tăng bình quân 6,5%/năm.

Các danh mục dự kiến thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư giai đoạn 1 có 52 dự án, tương đương khoảng 16 tỷ USD, trong đó tập trung vào các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật 35 dự án (4 dự án đường sắt đô thị, 6 dự án cầu qua sông Hồng và sông Đuống, 5 dự án khép kín các đường vành đai và 20 dự án khác).

(Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển” ngày 04/6)

Sản xuất công nghiệp

5 tháng đầu năm 2016, thị trường thép đã phục hồi tích cực do nhu cầu thép tăng, giá thép trong nước cũng tăng theo xu hướng của thị trường thép thế giới. Trong đó: (i) Việt Nam sản xuất 1.881,8 nghìn tấn sắt thép thô, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2015; 1.981,2 nghìn tấn thép cán, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2015. (ii) Nhập khẩu thép các loại tăng 50,5% về lượng và 1,6% về trị giá, tuy nhiên nhập khẩu sản phẩm từ thép giảm 36,5% về trị giá. (Theo Bộ Công Thương)

Dịch vụ

Tính đến hết tháng 5/2016, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại ước đạt 12,3 triệu người, bảo hiểm thất nghiệp khoảng 10,5 triệu người, bảo hiểm xã hội tự nguyện khoảng 194 nghìn người và bảo hiểm y tế khoảng 71,1 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn quốc là 77,1% dân số; số nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế là 14.467 tỷ đồng, chiếm 5,6% so với kế hoạch giao thu, tăng 1.213 tỷ đồng (9,1%) so với cùng kỳ năm 2015.(Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam)

Doanh nghiệp

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) trở thành ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tổng tài sản đứng đầu khu vực ASEAN. Trong quý 1/2016, huy động và cho vay của VPBank so với cuối năm 2015 giữ ở mức 129.000 tỷ đồng huy động và 115.000 tỷ đồng cho vay. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng gần 20%. Vốn điều lệ tăng hơn 1.100 tỷ đồng, lên mức 9.181 tỷ đồng, chủ yếu từ lợi nhuận để lại và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. (Theo Tạp chí The Banker)

Từ đầu năm đến ngày 27/5, cả nước cổ phần hóa được 38 doanh nghiệp, với tổng giá trị theo sổ sách là 691,9 tỷ đồng, thu về hơn 2.467 tỷ đồng. Đồng thời đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa tại 61 doanh nghiệp, 77 công ty đang xác định giá trị doanh nghiệp. (Theo Báo Đầu tư ngày 8/6 dẫn nguồn từ Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp)

Trong 5 tháng đầu năm 2016, các tập đoàn, tổng công ty đã thoái vốn 2.086 tỷ đồng, thu về 4.168 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước bán 985 tỷ đồng, thu về 2.817 tỷ đồng. Tính đến ngày 20/5, hệ thống khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố với trên 535.000 doanh nghiệp thực hiện khai thuế qua mạng (đạt 99,59% tổng số doanh nghiệp); số lượng hồ sơ khai thuế điện tử tiếp nhận trên 31,6 triệu hồ sơ; số doanh nghiệp đăng ký dịch vụ nộp thuế điện tử trên 492.000 doanh nghiệp (đạt tỷ lệ 91,58% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động), với số thuế nộp năm 2016 đạt trên 174.000 tỷ đồng. (Theo Bộ Tài chính ngày 06/6)

Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Great Eastern Việt Nam (Great Eastern Việt Nam) trực thuộc Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Great Eastern sẽ được chuyển nhượng cho Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD (Bermuda) Limited thuộc Tập đoàn Đầu tư Pacific Century với giá 35,49 triệu USD vào ngày 21/6. Đánh dấu lần thứ hai FWD tham gia vào thị trường mới trong năm 2016, sau khi mua lại phần lớn cổ phần của Shenton Insurance - tập đoàn cung cấp các dịch vụ bảo hiểm y tế tại Singapore - vào tháng 4/2016. (Theo tờ The Straits Times ngày 07/6)

Tổng cầu


Đầu tư

Trong giai đoạn 2011 - 2015, Bộ Giao thông vận tải đã huy động được 186.660 tỷ đồng vốn tư nhân để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông với 62 dự án theo hình thức hợp đồng BOT và BT (58 dự án BOT với tổng mức đầu tư 170.355 tỷ đồng và 4 dự án BT với tổng mức đầu tư 16.305 tỷ đồng). Trong đó, lĩnh vực đường bộ có 58 dự án với tổng mức đầu tư là 185.070 tỷ đồng (chiếm 99,15%); lĩnh vực đường thủy nội địa 1 dự án với tổng mức đầu tư là 1.303 tỷ đồng (chiếm 0,70%); lĩnh vực hàng hải 2 dự án với tổng mức đầu tư là 230 tỷ đồng (chiếm 0,12%); lĩnh vực đào tạo 1 dự án với tổng mức đầu tư là 57 tỷ đồng (chiếm 0,03%). (Theo Bộ Giao thông vận tải ngày 07/6)

Ngày 08/6, tại cuộc họp Đối thoại chính sách Việt Nam - Hàn Quốc về vốn vay ODA diễn ra ở Hà Nội, Hàn Quốc dự kiến cho Việt Nam vay 1,5 tỷ USD vốn ODA giai đoạn 2016 - 2020; trong đó khoảng 0,9 tỷ USD sẽ dành cho hợp tác tài chính. Những lĩnh vực ưu tiên gồm: Hạ tầng quy mô lớn, đường sắt, y tế, công nghệ thông tin. Từ năm 1992 đến hết năm 2015 đã có gần 60 dự án, trị giá khoảng 2,8 tỷ USD được Chính phủ Hàn Quốc ký hiệp định vay hoặc cam kết cung cấp tín dụng cho Việt Nam. Hiện nay, Hàn Quốc đang có 34 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn cam kết 1,7 tỷ USD được triển khai thực hiện và giải ngân hơn 0,9 tỷ USD.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết đạt khoảng 2.564 triệu USD, tăng 61% so cùng kỳ năm 2015; tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân đạt khoảng 1.850 triệu USD (trong đó vốn vay đạt 1.750 triệu USD, viện trợ không hoàn lại 100 triệu USD), thấp hơn khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2015, chủ yếu do vướng mắc về thể chế, pháp lý; quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành; các điều chỉnh, thay đổi trong quá trình thực hiện dự án; khác biệt về quy trình thủ tục giữa Việt Nam và các nhà tài trợ… đặc biệt là việc không cho phép giải ngân vượt kế hoạch được giao theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 của Quốc hội.(Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 08/6)

Ngân sách nhà nước

Trong 5 tháng đầu năm 2016:

- Tổng thu NSNN ước đạt 396.200 tỷ đồng (tương đương 39,1% dự toán năm), tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2015.Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 58.700 tỷ đồng, bằng 34,1% dự toán cả năm nay, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2015; thu nội địa đạt hơn 321.000 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2015; thu từ dầu thô đạt khoảng 15.900 tỷ đồng, giảm 48,1% so với cùng kỳ năm 2015.

- Tổng chi NSNN đạt 466.300 tỷ đồng, tăng 4,7% so cùng kỳ năm 2015. Trong đó, riêng chi trả nợ và viện trợ là 64.550 tỷ đồng, tăng 5,3% so cùng kỳ năm 2015, đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản nợ đến hạn theo cam kết.

Như vậy, bội chi ngân sách sau 5 tháng ước đạt 70.000 tỷ đồng, bằng 27,6% dự toán năm.

(Theo Bộ Tài chính ngày 06/6)

Trong 5 tháng đầu năm 2016, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sáchnhà nước đạt 83,3 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2015 và bằng 33,8% kế hoạch năm. Trong đó, vốn trung ương quản lý đạt 18,2 nghìn tỷ đồng, bằng 32,5% kế hoạch năm; vốn địa phương quản lý đạt 65,1 nghìn tỷ đồng, bằng 34,3% kế hoạch năm). Thậm chí vốn đầu tư thực hiện của nhiều bộ, ngành giảm so với cùng kỳ năm 2015 như Bộ Xây dựng giải ngân được 325 tỷ đồng, bằng 36,1% kế hoạch năm và giảm 38,7% so với cùng kỳ năm 2015; Bộ Khoa học và Công nghệ 96 tỷ đồng, bằng 38,3% và giảm 11,7% so với cùng kỳ năm 2015; Bộ Thông tin và Truyền thông là 38 tỷ đồng, bằng 37,8% và giảm 42,8% so với cùng kỳ năm 2015. (Theo Tổng cục Thống kê)

Xuất nhập khẩu

Trong tháng 5/2016, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 14,6 tỷ USD, tăng 1,74% so với tháng 4; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 15 tỷ USD, tăng 6,6% so với tháng 4. Trong đó, khu vực kinh tế 100% vốn trong nước đạt 19,44 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2015; trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 48,3 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2015. Lũy kế 5 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 67,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2015; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 66,3 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2015.Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 27,2 tỷ USD, tăng 0,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 39,1 tỷ USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2015. (Theo Bộ Công Thương ngày 06/6)

Xuất khẩu gạo trong tháng 5/2016 đạt khoảng 400.000 tấn, giảm hơn 31% so với cùng kỳ năm 2015 và là mức xuất khẩu thấp nhất kể từ đầu năm 2016. Nguyên nhân do không có hợp đồng tập trung và xuất khẩu sang Trung Quốc giảm. Dự kiến quý 2/2016 có thể phải điều chỉnh sản lượng xuất khẩu xuống 1,3 triệu tấn mức thấp nhất so với cùng kỳ trong nhiều năm. Trước đó, sản lượng xuất khẩu gạo quý 2/2016 đã điều chỉnh 2 lần, từ 1,8 triệu tấn xuống 1,6 triệu tấn; tiếp đến là 1,5 triệu tấn. (Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam)

Trong 5 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu cà phê đạt khoảng 797.000 tấn trị giá 1,36 tỷ USD, tăng gần 34% về khối lượng và gần 11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân tăng giá cà phê là do xu hướng tăng giá trên thị trường thế giới, thời tiết khô hạn từ hiện tượng El Nino làm giảm nguồn cung tại các nước sản xuất cà phê chủ chốt như Việt Nam, Brazil, Indonesia. (Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam)

Cân đối vĩ mô


Tăng trưởng tín dụng/huy động

- Tăng trưởng tín dụng thực tế trong 4 tháng đầu năm 2016 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đạt 4,2% - mức cao nhất trong 3 năm qua (năm 2015 đạt 3,5%; năm 2014 là 0,7% và năm 2013 là 1,7%). Đặc biệt, tỷ lệ cho vay trên vốn huy động của các tổ chức tín dụng tại địa bàn đạt khoảng 79 - 80% theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước.

- Tính đến cuối tháng 5/2016, tổng dư nợ cho vay của hệ thống đạt khoảng 1,3 triệu tỷ đồng; nguồn vốn huy động đạt khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, trong đó tiền gửi dân cư đạt 883 ngàn tỷ đồng, tăng 7,84% so với cuối năm 2015 và chiếm 53,96% tổng nguồn vốn huy động tổ chức và cá nhân.

(Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh)

Lãi suất

Trong tháng 5/2016, lãi suất cho vay VND đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2016, trong khi lãi suất huy động vẫn có xu hướng tăng.

- Lãi suất huy động bình quân VND đã tăng 0,01%, từ 6,06% trong tháng 4 lên 6,07%. Như vậy, lãi suất huy động đã tăng 0,18% so với đầu năm và cao hơn 0,38% so với mức đáy 5,69% vào tháng 5/2015. Nguyên nhân tăng lãi suất huy động là do: (i) Dự phòng nguồn vốn cho vay ở một số đơn vị, đáp ứng nhu cầu sản xuất - kinh doanh cũng như cân đối lại nguồn vốn; (ii) Lãi suất ngân hàng đang phải cạnh tranh với lãi suất trái phiếu chính phủ; (iii) Áp lực lợi nhuận trước cổ đông khi các cổ đông nhiều ngân hàng yêu cầu phải có cổ tức sau nhiều năm không được nhận hoặc nhận mức thấp.- Lãi suất cho vay bình quân giảm 0,08%, từ 9,35% trong tháng 4 xuống 9,27%, thấp hơn 0,3% so với đầu năm 2016.

- Lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục giảm ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt từ 1 tháng trở xuống: Kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng giảm lần lượt còn 0,66%/năm, 0,94%/năm và 2,87%/năm.

(Theo kết quả khảo sát của Công ty Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 5/2016)

Giá vàng

Trong tuần qua, với 3 ngày tăng giá, 1 ngày giảm giá và 2 ngày giá không thay đổi, giá vàng SJC đã tăng từ 260 - 410 nghìn đồng/lượng. Trong phiên giao dịch cuối tuần (11/6) giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: Tại thành phố Hồ Chí Minh là 33,81 - 34,06 triệu đồng/lượng; tại Hà Nội là 33,81 - 34,08 triệu đồng/lượng.

- Tập đoàn Doji: 33,92 - 34 triệu đồng/lượng, tăng 140 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và tăng 150 nghìn đồng/lượng chiều bán ra.

- Bảo Tín Minh Châu: 33,92 - 33,99 triệu đồng/lượng, tăng 150 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 160 nghìn đồng/lượng chiều bán ra.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm đã giảm tới 64 đồng với 4 ngày giảm giá, 1 ngày tăng và 1 ngày không giá không thay đổi. Trong ngày giao dịch cuối tuần (11/6), tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại được điều chỉnh giảm nhẹ.

- Vietcombank: 22.290 - 22.360 đồng/USD, giảm 10 đồng ở cả hai chiều.

- Vietinbank và BIDV không điều chỉnh tỷ giá: 22.300 - 22.370 đồng/USD.

- ACB và DongABank: 22.300 - 22.360 đồng/USD, cùng giảm 10 đồng ở mỗi chiều.

- Eximbank: 22.310 - 22.370 đồng/USD không điều chỉnh tỷ giá.

- Techcombank: 22.300 - 22.390 đồng/USD, tăng 20 đồng chiều mua.

Thị trường tài sản


Chứng khoán

Trong tháng 5/2016, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã cấp thêm mã số giao dịch chứng khoán tại Việt Nam cho 134 nhà đầu tư nước ngoài cấp - mức cao nhất kể từ tháng 02/2016. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2016, VSD cấp mã số giao dịch cho 496 nhà đầu tư cá nhân nước ngoài, tăng 125% so với cùng kỳ năm 2015 và là mức cao kỷ lục so với cùng kỳ kể từ năm 2010. Tính chung từ năm 2010 (thời điểm VSD bắt đầu cung cấp số liệu thống kê) đến hết tháng 5/2016, Việt Nam đã cấp mã số giao dịch chứng khoán cho 19.150 nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có 2.941 nhà đầu tư tổ chức và 16.209 nhà đầu tư cá nhân.

Trái phiếu

Hà Nội chính thức dừng việc phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu xây dựng thủ đô năm 2016 nhằm tiết kiệm chi, giảm nợ công và tránh dàn trải nguồn vốn trong xây dựng cơ bản. Tính đến ngày 31/5/2016, chi ngân sách trên địa bàn thành phố là 47.496 tỷ đồng, trong đó chi ngân sách địa phương là 15.487 tỷ đồng. Trong khi 5 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt trên 73.000 tỷ đồng, bằng 43,14% so với dự toán; trong đó thu nội địa trên 66.400 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 5.918 tỷ đồng. (Theo ông Đào Thái Phúc, Giám đốc Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội)

Trong tuần qua, HNX đã tổ chức đấu thầu 1 phiên trái phiếu chính phủ (TPCP) do Kho bạc Nhà nước (KBNN) phát hành ngày 08/6, với tổng khối lượng gọi thầu 11.600 tỷ đồng, gồm 3 loại kỳ hạn: 5 năm (7.000 tỷ đồng, gọi thầu thêm 2.100 tỷ đồng); 20 năm (1.000 tỷ đồng) và 30 năm (1.500 tỷ đồng).

+ Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 9.100 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 6,07%/năm.

+ Kỳ hạn 20 năm: Không trúng thầu.

+ Kỳ hạn 30 năm: Huy động được 1.500 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 8%/năm.

Tính chung, từ đầu năm đến ngày 10/6/2016, KBNN đã huy động thành công 164.843,8566 tỷ đồng TPCP.

Cổ phiếu

Trong 7 năm qua (tính đến ngày 06/6/2016):

- Tổng giá trị vốn hóa tại HNX đạt 1.099.847 tỷ đồng, tăng 3,8 lần so với năm 2009; trong đó, trên thị trường cổ phiếu niêm yết là 148.580 tỷ đồng; trên thị trường trái phiếu chính phủ là 840.046 tỷ đồng; trên thị trường UPCoM là 111.221 tỷ đồng, tăng hơn 26 lần.

- Số mã chứng khoán niêm yết và đăng ký giao dịch (gồm cổ phiếu và trái phiếu) là 1.210 mã, tăng gần 48% so với năm 2009; trong đó thị trường UPCoM từ 34 lên 303 doanh nghiệp, còn số doanh nghiệp niêm yết từ 257 tăng lên 377.

- Giá trị niêm yết và đăng ký giao dịch là 1.018.058 tỷ đồng, cao gấp 5 lần so với năm 2009; trong đó giá trị niêm yết và đăng ký giao dịch cổ phiếu là 178.012 tỷ đồng, tăng 4,4 lần so với năm 2009.

- Giá trị giao dịch bình quân phiên trên thị trường là 5.359 tỷ đồng, cao gấp 4,6 lần so với năm 2009; trong đó thị trường cổ phiếu niêm yết là 510 tỷ đồng, thị trường UPCoM là 129 tỷ đồng, thị trường trái phiếu chính phủ đạt 4.720 tỷ đồng.

(Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội - HNX ngày 07/6)

Trong tuần từ 06 - 11/6/2016, thị trường chứng khoán trên cả 2 sàn HNX và HOSE đều tăng điểm, nhờ nhóm cổ phiếu thép (HPG, HSG, TLH, NKG, VIS, VGS…); chứng khoán (SSI, HCM, VND, BVS…); mía đường (STB, LSS, SLS…); dược phẩm (DHG, DMC, IMP…), vật liệu xây dựng, khoáng sản… tăng mạnh. Tính chung cả tuần:

- VN-Index tăng 7,96 điểm (1,28%) lên 629,84 điểm.

- HNX-Index tăng 2,19 điểm (2,65%) lên 84,85 điểm.

Khối ngoại tiếp tục hỗ trợ tích cực cho thị trường khi trạng thái mua ròng được duy trì mạnh trên cả hai sàn. Tổng cộng trên hai sàn,khối ngoại đã mua ròng 18,11 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 408,84 tỷ đồng, tăng 19% về lượng nhưng giảm 4,57% về giá trị so với tuần từ 30/5 - 03/6/2016.

- HOSE:Khối ngoại thực hiện 4 phiên mua ròng liên tiếp và 1 phiên bán ròng duy nhất ngày 06/6. Tính chung cả tuần, khối này mua ròng 17,5 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng tương ứng khoảng 373,1 tỷ đồng.

- HNX:Khối ngoại cũng thực hiện 1 phiên bán ròng duy nhất vào ngày 06/6và 4 phiên mua ròng. Tính chung cả tuần, khối này đã mua ròng 609.913 đơn vị, tổng giá trị mua ròng tương ứng 35,74 tỷ đồng.

Bất động sản

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân trong quá trình làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội vừa triển khai việc cấp sổ đỏ chỉ trong 14 ngày. Bên cạnh đó, thời gian thực hiện các thủ tục khác tại Văn phòng Đăng ký đất đai đều giảm tối đa, trong đó có thủ tục chỉ thực hiện trong thời gian từ 3 - 5 ngày. Ngoài ra, thành lập Đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra, kết luận đối với các dự án nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn có sai phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng và sử dụng đất. Từ đó, đề xuất biện pháp xử lý, khắc phục vi phạm, đồng thời tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp sổ đỏ cho người mua nhà, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét, giải quyết. (Theo Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội)

Trong 5 tháng đầu năm, thành phố Hồ Chí Minh có 1.219 dự án, gồm 549 dự án đã hoàn thành, 94 dự án đang hoạt động, 576 dự án ngưng hoạt động. Về cơ cấu các căn hộ: Căn hộ trên 2 tỷ đồng/căn chiếm trên 37%; căn hộ từ 1 - 2 tỷ đồng/căn chiếm hơn 50%; căn hộ dưới 1 tỷ đồng/căn chiếm 13%. Như vậy, số lượng căn hộ giá cao gấp 6,6 lần số lượng căn hộ giá thấp. (Theo Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành)

Đàm phán - Ký kết

Việt Nam và Hàn Quốc

Ngày 07/6, tại Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Việt Nam và Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác, tập trung vào các nội dung chính: Trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề liên quan tới những định chế tài chính trong phạm vi giám sát của 2 bên; hợp tác về đào tạo cán bộ, hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu.

OCB và ADB

Ngân hàng Phương Đông (OCB) ngày 08/6 cho biết, OCB đã ký kết thỏa thuận tài trợ thương mại với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và trở thành một trong những ngân hàng thực hiện Chương trình tài trợ thương mạicủa ADB (TFP). Gói tài trợ thương mại này nằm trong chương trình hỗ trợ tài chính, nhằm phát triển kinh tế đối với các quốc gia đang phát triển tại khu vực châu Á của ADB. TFP cung cấp các khoản bảo lãnh cho những ngân hàng thành viên nhằm tái tài trợ cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các ngân hàng Việt Nam nói chung và OCB nói riêng trong việc không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt trong lĩnh vực tài trợ thương mại.

Chính sách

Quyết định số 1011/QĐ-TTg

Ngày 03/6/2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nội dung kế hoạch vay trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2016 ban hành kèm theo Quyết định số 1011/QĐ-TTg.

- Vay bù đắp bội chi là 254.000 tỷ đồng; phát hành trái phiếu chính phủ cho đầu tư là 60.000 tỷ đồng; vay ODA, ưu đãi để cho vay lại là 43.000 tỷ đồng và vay đảo nợ khoảng 95.000 tỷ đồng.

- Về kế hoạch trả nợ: Năm 2016, sẽ thực hiện trả 273.300 tỷ đồng; cụ thể: Trả nợ trực tiếp được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước là 154.000 tỷ đồng; trả nợ vay nước ngoài cho vay lại khoảng 24.000 tỷ đồng và đảo nợ khoảng 95.000 tỷ đồng.

Quyết định trêncó hiệu lực từ ngày 03/6/2016.

Quyết định số 1013/QĐ-TTg

Ngày 06/6/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1013/QĐ-TTg về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Trong đó, lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các đối tượng đầu tư phát triển nhà ở thương mại; nhà ở xã hội và người thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội là 4,8%/năm (0,4%/tháng); lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.

Quyết định này áp dụng cho tất cả các khoản vay còn dư nợ trong năm 2016 và có hiệu lực từ ngày 06/6/2016 đến hết ngày 31/12/2016.

Nhận định

chuyên gia

Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6/2016, Ngân hàng HSBC khuyến nghị:

Việt Nam cần lựa chọn tăng trưởng chậm nhưng bền vững, trong bối cảnh Chính phủ có thể đưa ra chính sách khuyến khích tăng trưởng kinh tế, cho phép Ngân hàng Nhà nước nâng mức tăng trưởng tín dụng từ 17,3% (so với cùng kỳ năm 2015) trong tháng 4/2016 lên gần mốc 20% trong nửa cuối năm 2016. Khi chính sách khuyến khích tăng trưởng kinh tế càng lớn sẽ càng có nhiều rủi ro, vì các yếu tố hỗ trợ kinh tế vĩ mô vẫn còn yếu.