Kinh tế châu Âu khó phục hồi sớm tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam?

PV.

Trước sự bùng nổ của đại dịch Covid-19, kinh tế của các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) hiện nay đang có xu hướng tăng trưởng thấp và khó có dấu hiệu phục hồi sớm. Là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, diễn biến này dự báo sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế của các nước châu Âu vào Việt Nam. Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Lê Đình Quý đã có những chia sẻ với Tạp chí điện tử Tài chính.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về tăng trưởng kinh tế của các nước EU trong thời gian tới?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Lê Đình Quý
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Lê Đình Quý

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Lê Đình Quý: Theo Báo cáo Kinh tế Xuân 2020 vừa được Ủy ban châu Âu (EC) công bố, do hậu quả từ đại dịch Covid-19, các nền kinh tế thuộc EU và khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ suy giảm lần lượt ở mức 7,5% và 7,75%.

Bên cạnh đó, thiệt hại gây ra bởi Covid-19 nhiều khả năng đến cuối năm 2021 vẫn chưa thể khắc phục được.

Trong đó, nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức sẽ giảm 6,3% trong năm nay trước khi hồi phục trở lại với mức tăng trưởng 5,3% trong năm 2021. Ba quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch Covid-19 là Pháp, Italia và Tây Ban Nha sẽ giảm hơn 10% trong 2020. Tốc độ hồi phục sau dịch cũng có sự chênh lệch. Chẳng hạn, kinh tế Tây Ban Nha và Pháp có thể khôi phục cao hơn Italia.

Ngoài ra, cuộc khủng hoảng từ đại dịch cũng gây ra tác động nặng nề tới thị trường việc làm, với tỷ lệ thất nghiệp trên toàn EU được dự báo tăng từ 6,7% vào năm 2019 lên 9% năm 2020, sau đó giảm xuống còn 8% vào năm sau.

Tôi cho rằng, diễn biến của tăng trưởng kinh tế và đầu tư quốc tế cũng như tốc độ hồi phục kinh tế của các nước châu Âu ảnh hưởng trực tiếp đến các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Thiệt hại có thể nghiêm trọng hơn, nếu đại dịch tiếp tục kéo dài, ngăn cản việc mở cửa lại của các doanh nghiệp và hoạt động du lịch, thương mại song phương bị đình trệ.

Trước tình trạng này, nhiều thành viên EU, trong đó có cả những nền kinh tế chủ chốt, đều đã đưa ra dự đoán ảm đạm về hậu quả của đại dịch trong việc thúc đẩy kinh tế thương mại. Xu hướng giảm nguồn thu công cũng đang khiến các nước châu Âu cắt giảm các nguồn đầu tư trực tiếp vào các nước đang phát triển và một số hoạt động thúc đẩy kinh tế cũng đang chững lại, chậm triển khai hơn.

Cụ thể, ông đánh giá như thế nào về tác động của tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế của các nước EU đối với nền kinh tế Việt Nam Việt Nam?

Việt Nam đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, xuất phát từ những bất cập từ thể chế, chính sách; năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, yếu kém; Các chuẩn mực nền tảng bảo đảm phát triển bền vững trong hội nhập quốc tế chưa thật tốt… trong bối cảnh các ràng buộc của các FTA rất chặt chẽ về các điều kiện phải đáp ứng.

Bên cạnh các ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình tăng trưởng của các nước châu Âu, khi thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), sẽ kéo theo những thách thức từ mở cửa thị trường, tạo sức ép lớn hơn cho hàng hóa, dịch vụ trong nước. Cùng với đó là những thách thức xuất phát từ các vấn đề nội tại của nền kinh tế Việt Nam như hạn chế về năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, hạn chế từ năng lực của các ngành…

Với những diễn biến khó lường hiện nay, tôi cho rằng, về thương mại, cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU mang tính bổ trợ hơn là cạnh tranh, nên tận dụng được các FTA như EVFTA sẽ là một cú huých lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn dịch Covid-19 với việc tăng cường sản xuất các ngành Dệt may, nuôi trồng thủy hải sản để xuất khẩu sang thị trường EU.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ EU cũng sẽ tăng do mức thuế quan hiện nay Việt Nam áp dụng với hàng nhập khẩu của EU đang ở mức cao. Tuy nhiên, gia tăng nhập khẩu sẽ không tập trung vào thời điểm ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, vì Việt Nam có lộ trình xóa bỏ thuế dài từ 7-10 năm.

Để chủ động trong tình hình châu Âu có nhiều diễn biến phức tạp với xu hướng tiêu cực về tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần làm gì thưa ông?

Quan hệ Việt Nam - EU chưa bao giờ trở nên sâu sắc và gần gũi như hiện nay, nhất là sau khi hai bên phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Đối với EU, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, là một chiến lược dài hạn, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững tổng thể trong từng lĩnh vực và là một phần của Chiến lược châu Âu 2020 vì sự phát triển bền vững, thông minh và bao trùm.

Việt Nam nên tận dụng các mối quan hệ sẵn có, tiếp tục thể hiện việc đảm bảo thực thi đầy đủ các điều khoản đã kí trong EVFTA, cùng với việc đề ra các chương trình hành động chung trong một số lĩnh vực như kinh tế biển, xuất khẩu nông sản,… để đưa các mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU lâu dài, gắn kết toàn tiền, bền vững.

Để thu hút dòng vốn chất lượng cao trực tiếp nước ngoài từ EU, Việt Nam cần nâng cao chất lượng môi trường thể chế, quy hoạch, quảng bá và xúc tiến đầu tư FDI. Đặc biệt, nền tảng pháp lý chặt chẽ sẽ truyền cảm hứng cho nhà đầu tư EU tin trưởng và cam kết đầu tư lâu dài. Đây cũng là yếu tố giúp nâng cao năng lực cạnh tranh về thể chế và môi trường kinh doanh của Việt Nam, trong bối cảnh các nhà đầu tư EU đang liên tục tìm kiếm các thị trường mới ngoài Trung Quốc.

Bên cạnh thu hút đầu tư, Việt Nam cần tạo điều kiện giúp đỡ các doanh nghiệp và người lao động từ những tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ tiếp cận được các chương trình, nguồn lực hỗ trợ từ EU do bản thân các nhà đầu tư EU cũng luôn quan tâm đến vấn đề xóa bỏ bất bình đẳng xã hội và đói nghèo.

Xin cảm ơn ông!