Quản lý thuế đối với hoạt động kinh tế ban đêm: Những khó khăn và giải pháp khắc phục

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 3/2021

Kinh tế ban đêm là hoạt động kinh tế đặc thù gắn với các đô thị và trung tâm du lịch lớn. Bài viết phân tích những đặc điểm của kinh tế ban đêm và tác động của chúng đến hoạt động quản lý thuế; nhận diện tình hình phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam thời gian qua và những vấn đề đặt ra cho quản lý thuế. Từ đó, tác giả đề xuất một số khuyến nghị về giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh ban đêm, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm theo định hướng của Nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

 Những đặc điểm của kinh tế ban đêm

Có khá nhiều cách hiểu khác nhau về kinh tế ban đêm. Trong bài viết này, hoạt động kinh tế  ban đêm được hiểu theo nghĩa hẹp với quãng thời gian tính từ 17h ngày hôm trước đến 6h sáng hôm sau (Phù hợp với khái niệm kinh tế ban đêm trong Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam). Nghĩa là, phát triển kinh tế ban đêm, phát triển những thành phố 24h, gắn với các hoạt động du lịch và các hoạt động phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của con người. Với cách hiểu như vậy, kinh tế ban đêm có các đặc điểm chủ yếu sau:

Một là, kinh tế ban đêm phát triển ở các thành phố lớn, các trung tâm du lịch. Điều này xuất phát từ nhu cầu tự thân của cư dân đô thị và khách du lịch. Cư dân đô thị thường có nhu cầu cao về các hoạt động văn hóa, giải trí (Điện ảnh, ca  nhạc và các hoạt động nghệ thuật khác) mà những hoạt động này thường diễn ra về đêm. Trong bóng đêm, hiệu ứng âm thanh và ánh sáng phát huy tối đa thế mạnh phục vụ nhu cầu giải trí. Người dân  đô  thị  có xu hướng thức khuya và dậy muộn hơn vùng nông thôn. Những ngày nghỉ cuối tuần là thời điểm kinh tế ban đêm nở rộ do bên cạnh nhu cầu   du lịch giải trí về đêm của du khách thì người dân đô thị cũng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động giải trí ban đêm do họ có thể ngủ bù vào ngày nghỉ cuối tuần.

Hiển nhiên, các trung tâm  du  lịch luôn là nơi thích hợp nhất để phát triển kinh tế ban đêm do nhu cầu vui chơi giải trí về đêm của du khách - những người hoàn toàn thoát ly khỏi công việc, được tự do sử dụng thời gian và muốn tận  hưởng tối đa quãng thời gian đó cho các hoạt động khám phá những nền văn hóa mới  và  vui  chơi, giải trí. Đề án phát triển kinh tế ban đêm  được ban  hành  tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg xác định không khuyến khích phát triển kinh tế ban đêm sau 22h một cách đại trà, mà phát triển có trọng tâm, trọng điểm, phát triển ở một số thành phố lớn và một số trung tâm du lịch lớn. Như vậy, vấn đề quản lý nhà nước nói chung và quản lý thuế nói riêng đối với hoạt động kinh tế ban đêm chỉ đặt ra đối với một số thành phố lớn và các trung tâm du lịch lớn.

Hai là, hoạt động kinh tế ban đêm diễn ra trong quãng thời gian nghỉ ngơi của phần lớn người dân. Đặc điểm này cho thấy, cần có lực lượng đặc thù quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh tế ban đêm. Nhịp sống của lực lượng này phù hợp với nhịp sống của kinh tế ban đêm.

Ba là, hoạt động kinh tế ban đêm gắn với việc sử dụng ánh sáng nhân tạo trong đêm. Thêm vào đó, một số hoạt động kinh tế ban đêm có thể gây tiếng ồn ảnh hưởng đến nhu cầu nghỉ ngơi của người dân. Từ đặc điểm này, các quốc gia trên thế giới đều quy hoạch những khu vực riêng biệt để phát triển kinh tế ban đêm ở các đô  thị và  trung tâm  du lịch lớn. Đề án phát triển kinh tế ban đêm của Việt Nam cũng xác định phát triển kinh tế ban đêm theo “Không gian và thời gian riêng biệt” ở một số thành phố lớn và trung tâm du lịch lớn.

Bốn là, hoạt động kinh tế ban đêm gắn với một số vấn đề về an ninh trật tự, an toàn xã  hội cần  giải quyết như: ma túy, mại dâm, trộm cắp… Đặc điểm này cho thấy, để phát triển kinh tế ban đêm, góp phần tạo, việc làm cho một bộ phận dân cư và tăng trưởng kinh tế thì cần những giải pháp quản   lý đồng bộ với sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý kinh tế ban đêm.

Quan điểm quản lý thuế đối với hoạt động kinh tế ban đêm

Đến nay, ở hầu hết các địa phương trên cả nước hướng đến phát triển du lịch đều có  tổ  chức một số hoạt động vào ban đêm. Tuy nhiên, tập trung nhiều ở các khu chợ đêm và một số quán cà phê,    vũ trường, nhà hàng cung cấp dịch vụ ăn uống, karaoke, khu phố đi bộ, nghệ thuật đường phố. Các thành phố lớn, trung tâm du lịch lớn (như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Sa Pa, Huế, Quảng Ninh, Hội An, Huế, Phú Quốc, Cần Thơ, Hải Phòng…) cung cấp nhiều dịch vụ về đêm hơn so với những thành phố nhỏ, ít khách du lịch hoặc mới triển khai hoạt động du lịch.

Hiện nay, cả nước có khoảng 20 chợ đêm phục vụ du lịch, tiêu biểu như khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội; phố đêm Bùi Viện, chợ đêm Ninh Kiều, chợ đêm Bạch Đằng, chợ đêm Hội An, chợ đêm Nha Trang, chợ Âm Phủ, phố đi bộ Hải Phòng, chợ đêm Kỳ Lừa… Trong đó, ẩm thực đường phố, các gánh hàng rong hay quán ăn nhỏ bên đường là một trong những nét đặc trưng của kinh tế ban đêm Việt Nam.

Tại khu phố cổ Hà Nội, vào những dịp cuối tuần, có khoảng 3.000 đến 5.000 khách trong và ngoài nước vào ban ngày và  khoảng 15.000 đến 20.000 người vào ban đêm. Mô hình cửa hàng tiện lợi đang là xu thế phát triển mạnh mẽ trong hoạt động kinh tế ban đêm. Thống kê cho thấy, tính đến năm  2019, cả  nước có  240  trung tâm  thương  mại, 1.085 siêu thị, khoảng 2.300 cửa hàng tiện lợi tham gia vào kinh tế ban đêm, trong đó có khoảng 1.000 cửa hàng tiện lợi hoạt động 24/24 giờ và 24/7, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (Phạm Thị Tường Vân và cộng sự, 2020)...

Cho đến nay, chưa có nghiên cứu đánh giá đầy đủ và toàn diện quy mô kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Tuy nhiên, những mô tả khái quát trên cho thấy, kinh tế ban đêm ở Việt Nam mới bước đầu hình thành và phát triển. Với lợi thế phát triển du lịch-một lĩnh vực kinh doanh đặc thù gắn với phát triển kinh tế ban đêm thì kinh tế ban đêm của Việt Nam rất có tiềm năng phát triển. Sự phát triển kinh tế ban đêm sẽ góp phần làm cho hoạt động du lịch của Việt Nam hấp dẫn hơn và tạo ra nhiều giá trị hơn cho nền kinh tế.

Đề án phát triển kinh tế ban đêm theo Quyết định số 1129/QĐ-TTg xác định mục tiêu phát triển kinh tế ban đêm là “Khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống  của người dân; đồng thời, hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội”. Để đạt được mục tiêu đó, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ bằng nhiều công cụ khác nhau.

Thực trạng kinh tế ban đêm Việt Nam hiện nay và mục tiêu phát triển kinh tế ban đêm đặt ra cho quản lý thuế những khó khăn, thách thức và những vấn đề quan trọng cần giải quyết, đó là: (1) Quản lý thuế góp phần thúc đẩy kinh tế ban đêm phát triển, trong khi phải đảm bảo chủ thể các hoạt động này thực hiện nghĩa vụ thuế theo đúng quy định của pháp luật; (2) Nên nghiên cứu mô hình quản lý thuế phù hợp với đặc thù kinh tế ban đêm và trình độ phát triển kinh tế ban đêm sơ khai của Việt Nam; (3) Hoạt động quản lý thuế phải phù hợp với tính đa dạng, phong phú của các hoạt động kinh tế ban đêm tại Việt Nam.

Tóm lại, có thể xác định các quan điểm quản    lý thuế đối với hoạt động kinh tế ban đêm tại Việt Nam như sau:

Thứ nhất, quản lý thuế đối với kinh tế ban đêm bình đẳng như đối với các hoạt động kinh doanh ban ngày. Công bằng, bình đẳng là nguyên tắc chung chi phối hoạt động quản lý thuế, bởi lẽ điều này góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế lành mạnh giữa các thành phần kinh tế và các chủ thể trong nền kinh tế. Các ưu đãi về  thuế hoặc hỗ  trợ về quản lý thuế chỉ nên dành cho những trường hợp đặc biệt hoặc những trường hợp gặp khó khăn khách quan. Những phân tích nêu trên cho thấy, kinh tế ban đêm không thuộc những trường hợp này áp dụng ưu đãi thuế hoặc đối xử đặc biệt về quản lý thuế thì sẽ tạo ra tình trạng ưu đãi tràn lan, kém hiệu quả.

Thứ hai, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh trên cơ sở tuân thủ pháp luật thuế. Mọi người nộp thuế đều phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Các chủ thể tiến hành hoạt động kinh doanh ban đêm cũng vậy, phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật. Tuy vậy, việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh ban đêm phải đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế ban đêm theo những phương thức thích hợp.

Thứ ba, việc quản lý thuế phải phù hợp với điều kiện kinh tế ban đêm. Như đã phân tích, kinh tế ban đêm có những điểm khác biệt về thời gian, không gian, loại hình và tính chất các hoạt động kinh doanh. Do vậy, công tác quản lý thuế cũng phải phù hợp với các điều kiện đó, như vậy mới đảm bảo hiệu lực và hiệu quả quản lý thuế.

Một số khuyến nghị về giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động kinh tế ban đêm

Để quản lý thuế đối với hoạt động kinh tế ban đêm, một số giải pháp được khuyến nghị gồm:

Một là, nên tổ chức bộ phận chuyên trách về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh ban đêm ở những địa phương có hoạt động kinh tế ban đêm. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia thường bố trí một cơ quan quản lý kinh tế ban đêm với những tên gọi như “Hội đồng đêm”, “Ủy ban đêm”, “Văn phòng đêm”. Tùy theo mô hình tổ chức mỗi quốc gia mà tổ chức này  được bầu  hoặc bổ nhiệm. Một số quốc gia tổ chức bầu hoặc bổ nhiệm vị trí “Thị trưởng đêm” làm người đứng đầu điều phối các hoạt động kinh tế ban đêm. Với điều kiện Việt Nam hiện nay, nên tổ chức các  đội  quản lý thuế đêm trực thuộc các chi cục thuế cấp huyện và khu vực ở những thành phố lớn và các trung tâm du lịch, nơi có hoạt động kinh tế ban đêm.

Hai là, ứng dụng công nghệ thông tin  hiện đại và thiết bị giám sát tự động để quản lý thuế đối với các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế ban đêm. Ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại và thiết bị giám sát tự động đối với cơ sở kinh doanh có sử dụng phần mềm bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đã được áp dụng ở các nước phát triển và cho thấy hiệu quả kinh tế cao so với chi phí đầu tư ban đầu.

Đối với hoạt động kinh tế ban đêm với đặc thù   về thời gian hoạt động kinh doanh thì giải pháp này càng có ý nghĩa quan trọng nhằm kiểm soát tốt các giao dịch kinh doanh của người nộp thuế. Để triển khai giải pháp này, trước hết, cần bổ sung quy định pháp luật về nghĩa vụ lắp đặt thiết bị giám sát bán hàng tự động đối với cơ sở kinh doanh có sử dụng phần mềm bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; bổ sung chế tài đối với các cơ sở kinh doanh có hành vi vi phạm quy định này (Không thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát tự động; ngắt  kết nối với thiết bị giám sát tự động; làm hư hỏng thiết bị giám sát tự động…).

Đồng thời, phải triển khai các giải pháp kỹ thuật để thực hiện giải pháp này như: Lựa chọn và đấu thầu thiết bị; nghiên cứu triển khai giải pháp đảm bảo kết nối thông tin giữa thiết bị với hệ thống máy tính và phần mềm của cơ quan thuế; giải pháp kỹ thuật để phát hiện các hành vi vi phạm của người nộp thuế…                          

Tài  liệu tham khảo:

  1. Phạm Thị Tường Vân và cộng sự (2020), Cơ chế, chính sách phát triển và quản lý kinh tế ban đêm tại Việt  Nam,  Đề tài  nghiên cứu  khoa học cấp Bộ, Bộ Tài chính;
  2. Melisa Wickham (2012), Alcohol consumption in the night-time economy, Greater London Authority, ISBN 978-1-84781-521-7;
  3. Roberts (2005), “Transformations  in the   night-time  economy  in English town centres: challenges to management”, Sustainable Development and Planning II, Vol. 2 1567.