TS. Lê Duy Bình - Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam:

Từng bước trả lại không gian kinh tế cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh

Thủy Nguyễn

Hầu hết các doanh nghiệp đang háo hức trước thông tin sẽ nới lỏng giãn cách khi độ phủ vắc xin trong toàn dân đang tăng cao. TS. Lê Duy Bình - Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng mở cửa một cách dần dần trong phạm vi an toàn, từng bước trả lại không gian kinh tế cho doanh nghiệp và các hộ kinh doanh, người lao động.

Phóng viên: Tốc độ tiêm chủng tích cực hơn khiến nhiều doanh nghiệp và người dân mong ngóng ngày mở cửa trở lại nền kinh tế từng ngày. Quan điểm của ông như thế nào về điều này?

TS. Lê Duy Bình: Chúng ta phải thừa nhận rằng, không còn dự báo chính xác về đỉnh dịch hay thời gian kết thúc dịch COVID-19. Kế hoạch khống chế dịch không thể được tính bằng thời gian cụ thể bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng mà tính bằng năm, bằng đợt.

Do đó, chúng ta cần học cách sống chung với dịch bệnh, chứ không thể vì sức ép mà thực hiện những biện pháp mang tính chất cực đoan từ thái cực nọ sang thái cực kia. Trên thực tế, Chính phủ và các Bộ, ngành cùng người dân đã và đang quyết tâm chống dịch suốt hơn 3 tháng nay, thậm chí chấp nhận hi sinh phát triển kinh tế để đưa dịch bệnh vào tầm kiểm soát, giảm thiểu tối đa các ca nhiễm lây lan trong cộng đồng về con số 0. Thế nhưng, việc doanh nghiệp, các hộ kinh doanh, người lao động có thể gắng gượng duy trì đợi được thời điểm đó hay không lại là một câu chuyện khác.

Thống kê gần đây dựa trên cuộc khảo sát hơn 21.500 doanh nghiệp cho thấy, có đến gần 40% doanh nghiệp phải “tạm ngừng hoạt động do dịch” hoặc chỉ còn có thể gắng gượng ít hơn 1 tháng. Đây cũng là ngưỡng chịu đựng của khoảng 17,7% doanh nghiệp đang duy trì hoạt động sản xuất. Số người lao động cả khu vực chính thức và phi chính thức bị mất việc làm tăng cao.

Vì vậy, thông tin mở cửa trở lại của TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phía Nam sẽ giống như "phao cứu sinh" cho các doanh nghiệp đang bị đuối sức cũng như người dân lao động hiện nay. Giãn cách càng lâu thì doanh nghiệp càng lỡ đi nhiều cơ hội và những nguồn lực để phục hồi sớm trở lại.

Theo tôi, chúng ta nên mở cửa một cách dần dần trong phạm vi an toàn, từng bước trả lại không gian kinh tế cho doanh nghiệp và các hộ kinh doanh, người lao động. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên chuẩn bị và tập dượt với các kịch bản khác nhau, để chủ động ứng phó.

Phóng viên: Sẽ có những thách thức gì không, thưa ông?

TS. Lê Duy Bình: Trong kế hoạch phục hồi sản xuất sau giãn cách, doanh nghiệp sẽ vấp phải nhiều thách thức về tài chính, lao động và các biện pháp tự phòng chống dịch bệnh của doanh nghiệp và người lao động.

Dòng tiền của các doanh nghiệp bị hao hụt đi khá nhiều do đứt gãy sản xuất, chuỗi cung ứng. Trong khi đó, chi phí vốn tăng cao do giá nguyên, vật liệu tăng, chi phí phát sinh khi thực hiện “3 tại chỗ”, cước phí vận chuyển cao. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp khó có thể phục hồi ngay trong vòng tháng đầu sau giãn cách.

Ngoài ra, vấn đề “đau đầu” của các doanh nghiệp hiện nay chính là thiếu lao động, đặc biệt với các ngành nghề thâm dụng lao động như dệt may, da giày, thủy sản. Muốn tái khởi động sản xuất thì doanh nghiệp phải tuyển dụng thêm lao động. Mà người lao động phải được đảm bảo tiêm đủ vắc xin. Thời gian cho việc này cũng mất ít nhất 2-3 tháng. Tuyển người phải sàng lọc, phải đảm bảo tiêm ngừa COVID-19 đủ theo quy định, đi kèm các biện pháp phòng, chống dịch hợp lý. Tất cả đều không đơn giản. 

Phóng viên: Theo ông, để thúc đẩy quá trình tái sản xuất và phục hồi nhanh chóng, doanh nghiệp cần được hỗ trợ gì từ phía Nhà nước?

TS. Lê Duy Bình: Sự hỗ trợ của Nhà nước trong thời điểm này là rất quan trọng. Hỗ trợ ở đây không chỉ có nghĩa là hỗ trợ về tài chính, về tiền. Tôi cho rằng, hỗ trợ cho doanh nghiệp lớn nhất hiện nay là trả lại và mở rộng không gian kinh tế cho doanh nghiệp, trên cơ sở có thể đảm bảo được an toàn về chống dịch.

Các biện pháp chống dịch phải khoa học, linh hoạt và tương xứng để tránh triệt tiêu không gian phát triển kinh tế.

Các địa phương, cơ quan công quyền cần xem xét thu hồi một số biện pháp chống dịch khuôn mẫu, cứng nhắc gây khó cho người dân và doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp “than khó” khi hàng hoá bị ùn ứ tại tỉnh khác, thậm chí không được vận chuyển qua địa bàn tỉnh đó, chưa kể chi phí và thời gian cho các lượt xét nghiệm, giấy đi đường... Nếu những biện pháp, thủ tục rào cản này được gỡ bỏ, đó sẽ là sự hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp. 

Các Bộ, ngành cũng nên nghiên cứu, rà soát lại những quy định về thủ tục hành chính, những quy định pháp luật phi lý. Nhiều quy định, văn bản không chỉ không hỗ trợ nhiều mà còn gây phản ứng ngược cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Phóng viên: Còn chính sách tiền tệ và tài khoá, chúng ta có dư địa để nới lỏng?

TS. Lê Duy Bình: Lãi suất giờ đã quá thấp rồi. Dòng tiền trong dân không vào ngân hàng mà chảy ra các lĩnh vực đầu tư khác nhiều hơn, bất chấp rủi ro cao, như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu...

Thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện vẫn duy trì ở mức cao, do nhiều doanh nghiệp không tham gia sản xuất kinh doanh, nên để tiền trong ngân hàng. Nhưng thực tế, thanh khoản của ngân hàng không còn dồi dào như thời điểm cuối năm 2020 và đầu năm 2021.

Tín dụng không còn sự bứt phá như nửa đầu năm mà đã có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại trong 2 tháng qua (tháng 7 và tháng 8). Cụ thể, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 6,66% so với đầu năm tại thời điểm 11/8, tương đương giảm 0,3% trong vòng hai tuần đầu tháng 8.

Ngay cả huy động cũng tăng trưởng chậm, chỉ đạt 0,45% trong tháng 8 (tính đến 25/8) do áp lực lãi suất tiết kiệm thấp.

Từ những số liệu trên, tôi nghĩ dư địa để hạ tiếp lãi suất là không có nhiều.

Hơn nữa, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam năm nay được dự báo khoảng 3 - 4% (trong tầm kiểm soát). Do đó, lãi suất không thể hạ thấp hơn cả lạm phát. Như thế sẽ nghịch với nguyên tắc của thị trường tiền tệ, không thể bền vững được. Chưa kể, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp cũng đang là điều đáng bàn hiện nay.

Còn về chính sách tài khoá mở rộng, Bộ Tài chính đã có nhiều chủ trương miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp và có tính khả thi. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại các Bộ, ngành, địa phương chắc chắn được đẩy mạnh sau giãn cách. Nếu tiếp tục mở rộng, các chính sách tài khoá vẫn có một độ trễ nhất định mới phát huy tác dụng.

Như vậy, chúng ta cần phải cân nhắc kỹ lưỡng có nên tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ hay mở rộng tài khoá hay không.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!