Việt Nam và “Bộ tứ kim cương”

Theo Nguyễn Duy Nghĩa/saigondautu.com.vn

Để dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, Mỹ đang lên kế hoạch thành lập “mạng lưới kinh tế thịnh vượng” bằng cuộc đối thoại nhóm “Bộ tứ kim cương” (Nhóm QUAD), bao gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và mời thêm 3 quốc gia khác là Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand cùng tham gia.

“Bộ tứ kim cương” (Nhóm QUAD), bao gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ.
“Bộ tứ kim cương” (Nhóm QUAD), bao gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ.

Đây là cơ hội để Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung và tham gia chuỗi giá trị với trình độ cao hơn.

Trung Quốc đang khuynh đảo  

Với số dân đông nhất thế giới (1,4 tỷ người), Trung Quốc ngự trị toàn cầu về sức lao động, chủ yếu là giá rẻ. Nước này hiện là công xưởng của thế giới. Hàng hóa “made in China” sao y bản gốc hàng mẫu. Cái hay của quốc gia này là ở chỗ đất rộng, người đông, tài nguyên không dồi dào mà hàng hóa rải ra khắp thế giới.

Hàng nông sản, thực phẩm phổ thông qua tay điệu nghệ của đầu bếp người Hoa sẽ thành đặc sản. Cao su nguyên liệu từ Việt Nam rồi sẽ hóa phép thành săm, lốp xe, dây curoa, dụng cụ bằng cao su mang nhãn hiệu hàng đầu quốc tế. Hàng đoàn tàu chở dừa tươi vào cảng Phòng Thành, Quảng Tây, Trung Quốc chắc không chỉ để uống nước dừa hay lấy cơm dừa.

Người Trung Quốc sẵn sàng “hy sinh tên tuổi” của mình, miễn là bán được hàng, kiếm siêu lợi nhuận khi họ biến khoai tây của Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt. Hay việc 1,8 triệu tấn nhôm của Trung Quốc bí mật mang vào Vũng Tàu hóa phép thành nhôm Việt Nam, rồi xuất khẩu sang Mỹ để hưởng thuế xuất 15% thay vì 374%, là những thí dụ điển hình. 

Sau đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được sắp xếp lại. Điều này sẽ đem đến những cơ hội mới cho các thị trường năng động mới nổi và Việt Nam cũng nằm trong số đó.

Nhiều thập niên qua, người Tây (Mỹ và châu Âu) chỉ hăm hở đi vào lĩnh vực trí tuệ, khoa học cao siêu, nên đã chuyển dần các công việc công nghệ thấp, giản đơn, dùng nhiều lao động cơ bắp, giá rẻ cho các nước khác. Trung Quốc trở thành lựa chọn hàng đầu. Một thời, nhiều công xưởng phương Tây ào ạt đầu tư vào Trung Quốc là vậy. Khi công nghệ của các công xưởng này lạc hậu, Trung Quốc lại khôn khéo “kính chuyển” cho các nước lân cận, với chính sách “viện trợ không hoàn lại”.

Bài học với Việt Nam là các nhà máy đường, xi măng lò đứng và mới đây là 12 công trình ngàn tỷ đang đắp chiếu, có tới 10/14 nhà máy nhiệt điện ở phía Nam đang buộc chúng ta từ nước xuất khẩu than đá nay phải nhập siêu than đá. Các nước nhận “ân huệ” của Trung Quốc sẽ thành con nợ và trả dần bằng tài nguyên khoáng sản của mình, hoặc chấp nhận cho Trung Quốc vào đầu tư khai thác ở những vùng hiểm yếu. 

Sơ sơ vậy đủ thấy Trung Quốc mặc nhiên trở thành nhà cung cấp hàng đầu của thế giới. Họ sẵn sàng mua thiết bị, hàng hóa mới ra lò từ khu vực văn minh về mổ xẻ, bắt chước và  họ đã thành công. Ngược lại, Trung Quốc cũng là cục nam châm cực lớn hút mọi nguồn tài nguyên từ khắp nơi, nhất là các quốc gia chậm phát triển.

Vị thế của Việt Nam

Việt Nam nhờ thành tựu của công cuộc Đổi mới, trong đó có việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), xuất khẩu nước ta tiến nhanh, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu ở một vài mặt hàng, trong đó vào thị trường Mỹ và châu Âu cùng các nước tiên tiến với giá trị đáng kể.

Hiện nay, với sự góp mặt của các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, LG… Việt Nam trở thành điểm sản xuất chính trên thế giới và khu vực, kéo theo hàng trăm nhà cung cấp linh kiện đi cùng, đã giúp điện thoại trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực số một (chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam). Hàng năm, xuất khẩu điện thoại và linh kiện vào Mỹ khoảng 30% kim ngạch của mặt hàng này và tỷ lệ đó với châu Âu 26%. 

Các mặt hàng công nghệ khác có góp sức của khối FDI, đã tăng nhanh và sớm tiếp cận các thị trường cao cấp. Dệt may vào Mỹ 45% và vào châu Âu 18%. Với da giày, các tỷ trọng đó là 36% và 27%, ba lô và túi xách là 39% và 22%. Trong 5 thị trường xuất khẩu đồ gỗ lớn của Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc là 3 tên tuổi sẽ vào nhóm “bộ tứ kim cương”.

Đối với các loại nông thủy sản, sau những bước thăm dò, thẩm định chất lượng, xử lý công nghệ, nhiều loại rau quả của ta đã đặt chân vào các thị trường cao cấp này. 

Đặc biệt, từ chỗ luôn bị áp đặt thuế chống phá giá, Mỹ đã chính thức công nhận hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam tương đương với Mỹ. Hệ thống này được Mỹ đánh giá đạt mức cao nhất (80%) so với tỷ lệ ủng hộ dành cho Trung Quốc (57%) và Thái Lan (40%).

Trong khi đó, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, chè của Việt Nam đang nỗ lực làm mới, nhất là năng lực chế biến, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm để vững vàng đứng trong top hàng đầu thế giới về xuất khẩu. 

Còn thủy sản Việt Nam thường có mặt tại chợ thủy sản lừng danh Brussels (Vương quốc Bỉ). Cà phê Việt luôn có mặt để trưng diễn tại sàn giao dịch London (Vương quốc Anh). Cá ngừ đại dương Việt Nam được đấu giá tại Tokyo (Nhật Bản). Những đóng góp đó đã khiến Mỹ tuy là khách hàng muộn, nhưng đã nhanh chóng tiếp quản vị trí số một về thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với 23% tổng kim ngạch xuất khẩu nước ta. Đứng thứ 2 là châu Âu 17,5%. Cả 2 thị trường này đều vượt xuất khẩu Việt Nam vào thị trường truyền thống Trung Quốc. 

Cơ hội mới

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương với nhiều đối tác (FTAs). Cơ hội mở ra thị trường xuất khẩu của Việt Nam đã rõ ràng hơn. Ở chiều ngược lại, Việt Nam có thể nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng cao cấp, tiếp nhận chuyển giao công nghệ gốc, công nghệ nguồn cùng các nhà sáng chế, chuyên gia đầu ngành từ những nền kinh tế phát triển vào hợp tác, hỗ trợ phát triển, thay vì từng bị tiếp nhận công nghệ sao chép, lạc hậu từ các nước lân bang, đã và đang để lại những hệ lụy khó lường. 

Tuy vậy, do từ lâu ta bị phụ thuộc vào thị trường láng giềng khổng lồ về xuất khẩu những hàng thô, tươi sống và cả về nhập khẩu nguyên, vật liệu cho sản xuất, nên ngay cả cơ hội tham gia nhóm “Bộ tứ kim cương” cũng cần có thời gian, không phải muốn là được, nói là thành. Trước mắt, có 2 mục tiêu chính Việt Nam cần phải thực hiện.

Thứ nhất, tổ chức sản xuất hoặc tham gia phân công quốc tế làm ra những sẩn phẩm công nghiệp cao bằng những sáng chế quốc tế, “giao nộp” vào quỹ hàng hóa thế giới. Thứ hai, phải phát huy lợi thế của quốc gia nông nghiệp, là thành viên có trách nhiệm đảm bảo an ninh lương thực thế giới, đóng góp ổn định vào quỹ thực phẩm toàn cầu những sản phẩm hữu cơ, tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo vệ sinh và an toàn thực phẩm. 

Việc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp gắn với ứng dụng khoa học công nghệ và thúc đẩy đổi mới trong hoạt động vẫn cần phải tiếp tục. Trong đó, xác định nhiệm vụ xuyên suốt phải lấy chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hiệu quả của đầu tư, khả năng tham gia của doanh nghiệp vào chuỗi giá trị toàn cầu, là những tiêu chí hàng đầu.