Yếu tố nào quyết định lãi suất của Fed trong 2 cuộc họp tới?

Theo kinhtevadubao.vn

Khảo sát mới nhất của hãng truyền thông Bloomberg cho thấy tuyệt đại đa số nhà kinh tế được tham dò ý kiến (54/55) cho rằng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản trong cuộc họp cuối tháng 10/2015.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Các vấn đề Fed cần quan tâm

Jeremy Lawson, kinh tế trưởng của Standard Life Investments Ltd, Edinburgh, đã liệt kê ra một danh sách các vấn đề nóng cần xem xét của Fed trong vấn đề có tăng lãi suất hay không vào phiên họp cuối cùng của năm 2015 vào tháng 12 này.

1- Không có thêm biến động trên thị trường

Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng Nhân dân tệ hồi tháng 8/2015 đã khiến thị trường toàn cầu chao đảo, khiến các nhà kinh tế, giới đầu tư cũng như các nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc kỹ lưỡng sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh hiện tại.

Trong khi Chủ tịch Fed Janet Yellen lưu ý trong buổi họp báo sau cuộc họp tháng 9, rằng cần phải theo dõi chặt chẽ những biến động đó, song biên bản cuộc họp công bố ngày 8/10 lại cho thấy nhiều quan chức đánh giá những biến động trên thị trường toàn cầu chỉ tác động “nhỏ hoặc tạm thời” đến nền kinh tế Mỹ.

Fed cần xem xét lại sự tăng trưởng của các nền kinh tế tại các thị trường mới nổi. Liệu rằng các thị trường đó thật sự đang suy giảm mạnh hay chỉ là những phản ứng nhất thời, thái quá...

2- Hai báo cáo việc làm của Bộ lao động Mỹ sắp tới "ổn định"

Trước cuộc họp ỦY ban thị trường mở liên bang (FOMC) vào tháng 12/2015 của Fed, sẽ có hai báo cáo việc làm (Bảng lương phi nông nghiệp) của Bộ lao động Mỹ. Đây sẽ là hai dữ liệu quan trọng trong việc xem xét thay đổi chính sách tiền tệ của Fed.

Sự ổn định của hai báo cáo này sẽ là nền tảng cơ bản cho quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên sau 9 năm của Fed.

Trước đó, báo cáo việc làm tháng 8 và tháng 9 cho ra những số liệu đáng thất vọng, làm suy giảm kỳ vọng Fed tăng lãi suất. Tuy nhiên, cũng có nhiều nhận định cho rằng tốc độ tăng trưởng việc làm chậm lại là do thị trường lao động đang hướng đến mức toàn dụng nhân công. Nếu không, tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm xuống mức quá thấp mà không thúc đẩy lạm phát.

Yếu tố nào quyết định lãi suất của Fed trong 2 cuộc họp tới? - Ảnh 1

Lawson cho biết: “Xu hướng tăng trưởng của lực lượng lao động là rất thấp, vì vậy Fed không cần số lượng việc làm tăng khoảng 200,000 việc mỗi tháng để có thể đưa tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống theo thời gian. Điều đó phụ thuộc vào việc tăng trưởng kết hợp với việc làm như thế nào.”

3- Chi tiêu tiêu dùng ổn định, thị trường nhà đất cải thiện

Mua sắm của các hộ gia đình chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nền kinh tế Mỹ và các dữ liệu về mức chi tiêu tiêu dùng cảu người Mỹ là một căn cứ quan trọng trong quyết định lãi suất của Fed.

Những bất ổn trên thị trường tài chính trong thời gian gần đây có thể khiến một số người tiêu dùng từ bỏ hoặc hạn chế việc mua sắm. Tuy nhiên, lạm phát duy trì ở mức thấp như hiện nay cũng giúp người Mỹ tiết kiệm hơn, cơ sở cho triển vọng chi tiêu tiêu dùng trong tương lai khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khả quan hơn.

Doanh số bán nhà mới và nhà tồn hàng tháng đang có xu hướng đi lên trong năm nay, nhờ lãi suất thế chấp ở mức thấp. Tuy nhiên, Fed cần có thêm các báo cáo về thị trường nhà đất được cải thiện hơn nữa.

4- Xuất khẩu không suy giảm

Đồng USD tăng giá quá mạnh và nhanh trong thời gian gần đây và rủi ro tăng trưởng yếu kém tại nhiều nền kinh tế lớn như Trung Quốc, đã đè nặng lên hoạt động sản xuất của Mỹ trong năm nay.

Xuất khẩu giảm tốc càng làm gia tăng lo ngại rằng nhu cầu toàn cầu đang bắt đầu kìm hãm tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Bất ổn tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới (Trung Quốc) và tại những thị trường mới nổi như Brazil, Nga,... đã thắt chặt các điều kiện tài chính, và có thể có tác động rộng hơn tới nội tại nền kinh tế Mỹ.

5- Chính phủ không có nguy cơ bị đóng cửa

Việc tạm ngừng hoạt động chính quyền do sự phức tạp của Quốc hội Mỹ liên quan đến ngân sách có thể không có nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ.

Hồi cuối tháng 7, Chính phủ Mỹ đối mặt nguy cơ đóng cửa lần thứ hai trong vòng 2 năm qua bởi các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa từ chối gặp các nghị sĩ Dân chủ để thỏa hiệp về ngân sách.

Trong quý III năm 2013, Chính phủ Mỹ bị đóng cửa 16 ngày đã khiến kinh tế Mỹ tăng trưởng. Nhưng, các nhà kinh tế bao gồm Nariman Behravesh, nhà kinh tế trưởng của IHS Inc ở Lexington, Massachusetts, cho rằng chính quyền đóng cửa trong năm nay có thể khiến GDP giảm 0.1% mỗi tuần.

6- Tín hiệu từ các quan chức Fed

Lawson cho biết ông tin vào tất cả các yếu tố được nêu ra trong những phát ngôn rõ ràng của các quan chức Fed. Nhiều bài phát biểu trước cuộc họp ngày 15-16/12 có thể cho thấy dấu hiệu Fed sẽ nghiêm túc trong việc tăng lãi suất trong năm nay hay không.

Nếu Fed tăng lãi suất sớm thì sẽ gây rủi ro cho sự tăng trưởng kinh tế tại Mỹ và có thể của toàn cầu nhưng nếu chờ qua năm 2016 thì nguy cơ lạm phát sẽ ập đến.

Trong quá khứ, khi thất nghiệp giảm, lạm phát tăng (theo đường cong Phillips). Những quan chức Fed “diều hâu” (ủng hộ nâng lãi suất sớm) lập luận rằng, với tỷ lệ thất nghiệp thấp ở mức 5.2%, lạm phát đang trên đà khởi sắc. Trong khi đó, những người theo trường phái “bồ câu” (không ủng hộ nâng lãi suất sớm) tuyên bố, mối quan hệ này không còn chính xác như quá khứ.

Các quan chức của Fed đang có nhiều ý kiến trái chiều.

Phó Chủ tịch Fed Stanley Fischer, vào ngày 11/10, kỳ vọng lãi suất sẽ tăng trong năm 2015, khẳng định một lần nữa phát ngôn của Chủ tịch Fed Janet Yellen hồi tháng 9.

Nhưng 2 ngày sau đó, hai Thống Đốc Lael Brainard và Daniel Tarullo cùng kêu gọi Fed tiếp tục “kiên nhẫn”, khi thị trường gần như chưa hề có tín hiệu lạm phát.

7- Ý kiến của các chuyên gia

Một số nhà kinh tế cho rằng, cho tới bây giờ, chưa thể đánh giá toàn diện rằng chính sách của Fed đã mang lại hiệu quả như thế nào trong 7 năm qua. Và nếu chưa thể chắc chắn điều gì đã xảy trong quá khứ, khó có thể đưa ra quyết định về tương lai.

Amir Sufi, giáo sư của Đại học Booth School of Business, Chicago phát biểu, trước câu hỏi liệu chính sách tiền tệ có tạo ra hiệu quả như các nhà kinh tế kì vọng hay không. Theo ông Sufi, Ngân hàng trung ương đã không lường được rằng, không phải tất cả mọi người đều phản ứng giống nhau trước cùng 1 chính sách và điều này được gọi là “tính không đồng nhất”.

Nghiên cứu của giáo sư Sufi chỉ ra, khi lãi suất thấp, những hộ gia đình có gánh nặng nợ lớn, thường là người nghèo, có khả năng chi tiêu nhiều hơn. Cứ 1 Đô la tăng thêm trong giá nhà đất, những hộ gia đình nghèo nhất sẽ đi vay và chi tiêu 25 cent. Trong khi đó, không có khoản vay tăng thêm nào từ 10% tầng lớn giàu nhất nước.

Giáo sư Sufi kêu gọi các Ngân hàng trung ương thay đổi công thức tính toán “tính không đồng nhất”. Fed đã trở thành nhà tiên phong. Trong năm nay, Fed đã công bố 1 nghiên cứu chỉ ra, chính sách tiền tệ “bất thường” trong 7 năm qua có tác động như thế nào tới thất nghiệp của Mỹ. Báo cáo này giả định, các hộ gia đình phản ứng khác nhau đối với lãi suất thấp, cũng như có quan điểm không đồng nhất về tương lai ngắn hạn (dưới 5 năm). Như vậy, việc Fed thành công hạ lãi suất dài hạn 10 năm là “vô nghĩa” đối với khu vực này. Tuy nhiên, vào đầu năm 2015, khi chương trình nới lỏng tiền tệ đạt đỉnh điểm, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ cũng ghi nhận đà trượt 1.25%.

Vào năm 2012, cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke từng tuyên bố trong cuộc hội họp các Ngân hàng trung ương tại Jackson Hole, Wyo. rằng, hành động của Fed đã kéo lãi suất dài hạn đi xuống, đồng thời cải thiện các điều kiện của thị trường tài chính.

“Có được ước tính chính xác về tác động của chính sách tới cả nền kinh tế thực sự khó.” ông Bernanke cho biết.

Quyết định lãi suất của Fed

Fed có dự định sẽ tăng lãi suất cơ bản trong năm 2015 nhưng hiện tại, các vấn đề nội tại của nền kinh tế Mỹ cũng như các yếu tố suy giảm kinh tế toàn cầu, đặc biệt là từ Trung Quốc đang cản trở quyết định của Fed.

Fed có hai cơ hội để thay đổi lãi suất cơ bản trong năm 2015 là vào cuộc họp Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) vào ngày 26 - 27/10 và vào 6 tuần sau đó, trong tháng 12/2015.

Và cho tới hiện tại cũng như tương lai gần, quyết định của Fed như thế nào vẫn là điều cực kỳ khó khăn và đáng cân nhắc vì lãi suất cơ bản của Fed thay đổi sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu thay đổi.