Sự trở lại của cổ phiếu khoáng sản

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Dòng tiền đầu cơ đang đổ dồn về nhóm cổ phiếu khoáng sản (CPKS), giúp nhóm này có chuỗi ngày tăng ấn tượng, dù nhóm CP này cũng trong tình trạng "vàng thau lẫn lộn".

Sự trở lại của cổ phiếu khoáng sản
Trong khi nhóm CP bluechips thuộc nhóm ngân hàng xuống với sắc đỏ tràn ngập thì nhóm CP KS KSS (TCty CP khoáng sản Na Rì) đều tăng trần từ 5-7 phiên liên tiếp với lượng mua dư trần mỗi mã hàng triệu cổ phiếu.

Hiện tượng BGM

Trên sàn HNX các mã CP thuộc ngành KS vẫn “ngự trị” tăng trần liên tục trong 7 phiên liên tiếp với dư mua bằng 0. Đặc biệt, trong 10 phiên gần đây, nhóm CP BGM (Cty KS Bắc Giang) đã tăng trần 11 phiên liên tiếp), từ mức giá gần 2.000 đ/CP, đến nay BGM đã tăng lên 4.000 đ/CP. Đây là hiện tượng hiếm có của TTCK VN vốn đã èo uột như hiện nay.

Nói BGM là hiện tượng, bởi dù tăng trần liên tiếp, nhưng căn cứ vào thông báo kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm 2012, BGM lỗ sau thuế 620 triệu đồng. Đây cũng là điều mà các nhà đầu tư cần quan tâm.

Sự trở lại của cổ phiếu khoáng sản - Ảnh 1

Kết quả hoạt động kinh doanh của các Cty khoáng sản (Nguồn: Báo cáo tài chính quý III/2012 các Cty khoáng sản. Thứ tự các cổ phiếu theo độ lớn của chỉ số P/E)

Một tuần trở lại đây, hàng loạt cổ phiếu KS “hot” tiếp tục tăng trần, với dư bán trống rỗng. Điều lạ, khi các nhà đầu tư cũ vừa chốt lời, thì các nhà đầu tư mới lại nhảy vào tham gia đẩy giá cổ phiếu. Bên cạnh đó, dòng tiền thường xuyên luân chuyển từ mã này sang mã khác khiến cho thị trường khan hàng.

Lý giải hiện tượng này, nhiều nhà đầu tư có chung nhận định: Chính sách không có gì mới, nhưng kênh đầu tư CK, có thể nói là kênh sinh lời nhất đã kích thích giới đầu tư “ném” tiền vào CP với hi vọng có lời. Dự đoán của nhiều nhà đầu tư trong quý IV/2012, nhóm cổ phiếu ngành KS và chứng khoán vẫn là nguồn cung “hút” dòng tiền trong quý tới.

TTCK khởi sắc còn giúp các Cty CK hoàn nhập thêm khoản dự phòng giảm giá. Một lý do quan trọng nâng đỡ nhóm CP CK chính là kết quả kinh doanh quý I của nhiều Cty tương đối khả quan. Trong đó, đóng góp không nhỏ vào kết quả này là khoản phí giao dịch khá lớn mà các Cty CK kiếm được nhờ giá trị giao dịch toàn thị trường luôn giữ ở mức cao.

Cổ tức cao hút dòng tiền

Cho tới thời điểm hiện tại, nhiều DN KS đã công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2012 với hai sắc màu sáng tối. Nhiều Cty KS có kết quả kinh doanh khả quan 9 tháng đầu năm 2012 như Cty CP KS Bình Định (BMC) đạt doanh thu 274 tỉ đồng, tăng hơn 28% so với cùng kỳ; Cty CP Khai thác và Chế biến KS Lào Cai (LCM) đạt doanh thu 83,4 tỉ đồng, tăng 105,5% so với cùng kỳ, lợi nhuận đạt 42,3 tỉ đồng, tăng 111,5% so với cùng kỳ...

Ngược lại, cũng không ít DN chưa thoát khỏi những khó khăn, doanh thu giảm, lãi ít hoặc lỗ như: BGM chỉ lãi 707 triệu đồng, CTCP Tập đoàn KS Hamico (KSH) chỉ lãi 1,24 tỉ đồng, CTCP Kỹ nghệ KS Quảng Nam (MIC) lỗ hơn 4 tỉ đồng...

Xét về việc chia cổ tức. Các Cty như HGM, BMC, LCM dự kiến chia cổ tức năm 2011 ở mức cao, như HGM là 80%, BMC là 50% và LCM là 25%... là mơ ước của nhiều nhà đầu tư trong bối cảnh hiện nay.

Trong các cổ phiếu trên, LCM, BGM, DHM và BMC là những cổ phiếu được các nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất. Điều này thể hiển thông qua khối lượng giao dịch thực tế trên sàn. Trong thời gian gần đây, LCM là cổ phiếu có khối lượng giao dịch bình quân đạt gần 600.000 cổ phiếu/phiên. Khối lượng giao dịch bình quân của cổ phiếu này cũng tăng dần kể từ tháng 6 trở lại đây. Ngoài LCM, BGM cũng có thanh khoản tốt với khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 340.000 cổ phiếu/phiên. Khối lượng giao dịch bình quân của DHM và BMC cũng đều hơn 200.000 cổ phiếu/phiên.

Sự khác biệt trong kết quả sản xuất kinh doanh của các DN KS có thể xuất phát từ những lợi thế riêng của các DN. Trong đó, các DN có kết quả kinh doanh khả quan thường là những DN có nhà máy chế biến sâu, cùng với nhiều mỏ lớn và giá trị.

Cổ phiếu KS luôn thu hút dòng tiền đầu cơ, tuy nhiên, nhà đầu tư cần phân tích, lựa chọn những CP có cơ bản tốt, hoạt động ổn định, tránh đầu tư theo phong trào và bị tâm lý đám đông chi phối, nhằm đem lại mức lợi nhuận khả quan và hạn chế rủi ro.