Sự trỗi dậy của bất động sản nghỉ dưỡng phía Nam

Theo An Nhiên/baodauthau.vn

Bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng ở khu vực phía Nam, tính từ Quảng Nam trở vào, bao gồm biệt thự biển và condotel, đang được đánh giá có mức tăng trưởng ổn định, đồng thời là phân khúc hấp dẫn đối với cả chủ đầu tư lẫn khách hàng.

Giá cả ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đang khá hấp dẫn đối với người mua. Ảnh: Tiên Giang
Giá cả ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đang khá hấp dẫn đối với người mua. Ảnh: Tiên Giang

Nguồn cung sẽ tăng trong thời gian tới

3 tháng đầu năm 2019, ở phân khúc biệt thự biển, thị trường phía Nam đón nhận thêm 2 dự án mới, cung cấp cho thị trường 188 căn. Nguồn cung sơ cấp nói trên chủ yếu tập trung ở Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu. Dù nguồn cung này chỉ bằng 1/3 so với quý trước, và tỷ lệ tiêu thụ nguồn cung mới đạt hơn 40%, tức là bằng 1/4 so với quý trước, nhưng niềm tin của chủ đầu tư và khách hàng vào phân khúc này vẫn mãnh liệt.

Ở phân khúc condotel, trong cùng thời gian như trên, cũng ghi nhận có 2 dự án mới trình làng, cung ứng cho thị trường khoảng 1.751 căn, tăng hơn 12 lần so với quý trước. Nguồn cung condotel chủ yếu tập trung ở Khánh Hòa và Đà Nẵng. Điểm sáng của phân khúc này chính là tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 74%, tăng hơn 31 lần so với 3 tháng cuối năm 2018. Nhìn chung, thị trường có dấu hiệu tăng cả cung và cầu sau hơn một năm giảm mạnh.

Dù dự báo trong ngắn hạn, thị trường BĐS nghỉ dưỡng chưa có nhiều đột phá, sức cầu của thị trường không có nhiều thay đổi, nhưng theo quan sát của DKRA Vietnam, nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng và condotel có thể sẽ tăng trong thời gian tới và tập trung chủ yếu ở những thị trường như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc, Bình Thuận...

“Rõ ràng, các nhà đầu tư trong và ngoài nước ngày càng quan tâm nhiều hơn đến thị trường BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam. Và trên tất cả, việc khách nước ngoài từ Singapore, Hong Kong, Hàn Quốc, Trung Quốc... tiếp tục tìm đến thị trường BĐS Việt Nam cũng là một trong những động lực quan trọng để phát triển các dự án cao cấp, hạng sang và BĐS nghỉ dưỡng”, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Vietnam đúc rút. 

Người mua chờ đợi cam kết lợi nhuận của chủ đầu tư

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, hiện tại, dẫn đầu về nguồn cung biệt thự biển chào bán trên thị trường phía Nam chính là Bình Thuận, kế đến là Phú Quốc,  Bà Rịa - Vũng Tàu và Khánh Hòa. Riêng phân khúc condotel, dẫn đầu là Phú Yên, Quảng Nam, tiếp đó là Bình Thuận, Phú Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Bình Định.

Theo đánh giá của các chuyên gia BĐS, giá cả ở phân khúc BĐS nghỉ dưỡng đang khá hấp dẫn đối với người mua. Tuy nhiên, người mua cũng đang chờ đợi các chủ đầu tư xác thực cam kết lợi nhuận. Từ năm 2018 trở về trước, các chủ đầu tư thường cam kết lợi nhuận từ 8 - 12% mỗi năm, nhưng từ năm 2018 trở lại đây, cam kết có xu hướng giảm dần. Những chủ đầu tư có uy tín, danh tiếng và năng lực vẫn luôn được khách hàng lựa chọn.

Thị trường BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam nói chung và phía Nam nói riêng vẫn đang trong xu hướng phát triển tích tực và đang mong chờ những kết quả tốt đẹp trong năm nay. Ngoài các chủ đầu tư đã tạo được thương hiệu như Vingroup, Sun Group, Bim Group, FLC Group, Việt Úc Group..., một số chủ đầu tư tên tuổi khác cũng bắt đầu chuyển sang BĐS nghỉ dưỡng, điển hình là Novaland, Hưng Thịnh... Hiện nay, khi thị trường BĐS đang trong chu kỳ đi lên, việc khách hàng kỳ vọng vào các phân khúc, trong đó có BĐS nghỉ dưỡng là đương nhiên.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc tư vấn khách sạn của Savills châu Á - Thái Bình Dương, phụ trách khu vực Đông Nam Á cho rằng, từ một điểm đến mang tính trải nghiệm với ít lựa chọn về lưu trú và giải trí, thị trường Việt Nam đang chuyển mình trở thành một điểm đến nghỉ dưỡng với sức hấp dẫn và khả năng thu hút khách du lịch quay trở lại rất cao. Đó cũng chính là lý do và là cơ sở để các chủ đầu tư lẫn khách hàng dấn thân vào phân khúc này. Đặc biệt, việc cải thiện kết cấu hạ tầng với các đường bay quốc tế mới, chính sách khích lệ từ Chính phủ và sự đóng góp của các nhà đầu tư tư nhân đã góp phần tạo đà phát triển cho thị trường BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam.