Sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi trở thành một công cụ đảm bảo an toàn tiền gửi


Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG), đưa BHTG trở thành một công cụ thiết thực giúp ổn định các Quỹ tín dụng Nhân dân (QTDND), đảm bảo an toàn tiền gửi, niềm tin cho người gửi tiền. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao vai trò của Ngân hàng Hợp tác (NHHT) trong kiểm tra, kiểm soát, giám sát các hoạt động của hệ thống QTDND.

Sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi trở thành một công cụ đảm bảo an toàn tiền gửi.
Sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi trở thành một công cụ đảm bảo an toàn tiền gửi.

Nâng hạn mức BHTG - củng cố niềm tin người gửi tiền

Trước thực trạng phát triển của hệ thống QTDND hiện tại và sự chuyển đổi mạnh mẽ của hệ thống ngân hàng trong bối cảnh kinh tế hội nhập sâu rộng và cách mạng công nghệ 4.0, NHNN đã đưa ra một số định hướng đối với sự phát triển của hệ thống QTDND cũng như NHHT trong thời gian tới.

Phó thống đốc Đào Minh Tú.
Phó thống đốc Đào Minh Tú.

Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, một trong những định hướng quan trọng đó là nghiên cứu sửa đổi Luật BHTG với mục tiêu đưa BHTG trở thành một công cụ thiết thực giúp ổn định hệ thống QTDND, đảm bảo an toàn số dư tiền gửi, niềm tin cho người gửi tiền.

Cụ thể là việc NHNN đang trình Thủ tướng Chính phủ cho nâng hạn mức BHTG từ 75 triệu đồng lên 125 triệu đồng.

Đối với NHHT, theo Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú, trước tiên cần tạo điều kiện cho NHHT đóng vai trò liên kết hệ thống, trụ đỡ hệ thống và vai trò đầu mối hỗ trợ thông qua các cơ chế chính sách quy định một cách rõ ràng.

Việc xây dựng các quy chế cho vay và huy động, cung ứng sản phẩm dịch vụ vừa đảm bảo tính hợp lý, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa NHHT và các QTDND trong mối quan hệ hỗ trợ, đồng thời giúp giải quyết những khó khăn của các QTDND. Đặc biệt trong giai đoạn tới, NHHT cần được bổ sung thêm chức năng nhiệm vụ, nguồn tài chính, lực lượng cán bộ để cùng với NHNN thực hiện Đề án củng cố hệ thống QTDND.

Tiếp theo, cần tạo điều kiện cho NHHT có được nguồn lực tài chính đủ mạnh, tăng thêm vốn điều lệ từ nguồn vốn góp của nhà nước; vốn hỗ trợ của Liên minh HTX. Cùng với đó là các chính sách và chiến lược thu hút các nguồn tài trợ từ các DN, các đơn vị, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước và sự đóng góp của chính QTDND tham gia với tư cách thành viên; tạo điều kiện cho NHHT có được một cơ chế lãi suất hợp lý để có thể huy động nguồn lực trong xã hội nhằm giải quyết nhu cầu hỗ trợ trong hệ thống QTDND.

Tạo điều kiện cho NHHT làm tốt hơn vai trò đầu mối quản lý và sử dụng Quỹ bảo toàn hệ thống một cách tốt nhất. Muốn vậy, cần xây dựng cơ chế rõ ràng minh bạch để NHHT vừa đóng vai trò là đơn vị quản lý, vừa là đơn vị điều tiết nguồn vốn Quỹ bảo toàn hệ thống thông qua cơ chế nộp phí của các thành viên, sử dụng Quỹ bảo toàn đúng đối tượng, kịp thời, hiệu quả, công bằng với sự đồng tình cao của các QTDND, phát huy vai trò tức thì giải quyết khó khăn cho các QTDND khi mất kiểm soát thanh khoản.

Đồng thời, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy. Trong đó, xem xét cân đối lại, bổ sung cho những địa bàn thiếu chi nhánh để có thể đảm đương vai trò hỗ trợ hệ thống nhanh chóng, không bị cát cứ, hạn chế do yếu tố về mặt địa lý; tăng cường thêm điều kiện để NHHT tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của QTDND để NHHT phải trở thành một công cụ hỗ trợ cho chức năng quản lý của NHNN đối với hệ thống QTDND…

Một trong những định hướng quan trọng đó là nghiên cứu sửa đổi Luật BHTG với mục tiêu đưa BHTG trở thành một công cụ thiết thực giúp ổn định hệ thống QTDND, đảm bảo an toàn số dư tiền gửi, niềm tin cho người gửi tiền".

Phó Thống đốc Đào Minh Tú.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, hiện nay, NHNN đang tập trung củng cố, chấn chỉnh để đảm bảo hệ thống QTDND hoạt động an toàn, lành mạnh, tránh đổ vỡ, lâm vào tình trạng khó khăn như một số quỹ yếu kém. Điều này đòi hỏi rà soát lại các quy định, hành lang pháp lý vừa tạo thông thoáng, vừa phải đảm bảo những nguyên tắc, bản chất của mô hình TCTD hợp tác, đảm bảo các nguyên tắc của thành viên tham gia trong mỗi quỹ không xa rời tôn chỉ mục đích, không biến QTDND thành các tổ chức kinh doanh tiền tệ tín dụng đơn thuần vì lợi nhuận hoặc trở thành các ngân hàng đại chúng.

Cũng theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, để thực hiện mục tiêu này, NHNN đã và đang tập trung chỉ đạo triển khai các Đề án củng cố phát triển hệ thống QTDND; ban hành nhiều văn bản quy chế, tổ chức triển khai các chỉ đạo của Chính phủ và NHNN để chấn chỉnh lại hệ thống; tăng cường công tác thanh tra giám sát, phát hiện sai phạm yếu kém và xử lý những vi phạm một cách quyết liệt, tạo sự ổn định hệ thống, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người gửi tiền. Trong đó, NHHT được nâng cao vai trò kiểm tra, kiểm soát, giám sát các hoạt động của hệ thống QTDND, giúp NHNN làm tốt chức năng quản lý nhà nước.

Hiện NHNN đang xây dựng các chế tài đủ mạnh để xử lý các quỹ vi phạm và từng bước đổi mới cơ chế quản lý các quỹ theo quy mô, chất lượng tài sản có để phù hợp đáp ứng yêu cầu hiện tại; tăng cường quản lý nhà nước của NHNN và chính quyền địa phương các cấp, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước.

Tiếp sau giai đoạn củng cố chấn chỉnh, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh và hoàn thiện mô hình phù hợp với yêu cầu thực tế và tương lai trong bối cảnh các TCTD, các NHTM đều phát triển rất nhanh và toàn diện các hoạt động, trong xu thế phát triển khoa học kỹ thuật, công nghệ và hội nhập kinh tế. Từ đó, đưa ra một cơ chế quản lý vận hành hệ thống QTDND phù hợp với thực tế.

Nâng cao vai trò của Ngân hàng Hợp tác trong hệ thống QTDND

Sự phát triển của NHHT không chỉ giúp các QTDND từng bước khẳng định vị thế của loại hình kinh tế hợp tác xã (HTX) kiểu mới trong lĩnh vực tiền tệ - tín dụng, mà còn cho thấy tính đúng đắn khi xác định mô hình gắn trách nhiệm liên kết hệ thống với NHHT.

Theo đó, trong 25 năm qua, NHHT đã thực hiện tốt nhiệm vụ cốt lõi của mình là hỗ trợ chăm sóc thành viên QTDND thông qua công tác điều hòa, cung ứng vốn cho các quỹ khi cần thiết. Không chỉ làm tốt vai trò điều hòa vốn, quản lý Quỹ bảo toàn, NHHT còn là đầu mối hỗ trợ kịp thời các QTDND đặc biệt khó khăn, hỗ trợ thanh khoản, cho vay đặc biệt; tham gia quản lý, điều hành, kiểm soát để xử lý các khó khăn bất ổn của các QTDND lâm vào tình trạng khó khăn đặc biệt, đảm bảo an toàn hoạt động cho từng quỹ nói riêng và hệ thống QTDND nói chung.

Cụ thể, bên cạnh việc làm tốt vai trò hỗ trợ chức năng giám sát, quản lý nhà nước của NHNN đối với hệ thống QTDND thông qua việc tham gia kiểm tra, giám sát các quỹ có vay vốn tại NHHT và thực hiện ủy quyền kiểm tra hoạt động các QTDND theo chỉ đạo của NHNN; đầu mối tổ chức in ấn phát hành sổ tiết kiệm trắng nhằm góp phần nâng cao an toàn cho hoạt động hệ thống QTDND; NHHT còn đảm đương chức năng huy động để cho vay đối với một số đối tượng theo quy định, xây dựng cơ chế lãi suất hợp lý để vừa hỗ trợ QTDND, vừa tạo ra lợi nhuận để đảm bảo kinh phí cho hoạt động của hệ thống NHHT, đồng thời có nguồn hỗ trợ tài chính cho hoạt động Hiệp hội QTDND.

“Những trợ lực từ NHHT đã giúp hệ thống QTDND phát triển với gần 1.200 quỹ, hơn 1,6 triệu thành viên (đại diện cho hơn 1,6 triệu hộ gia đình) hoạt động trên địa bàn 57/63 tỉnh, thành phố với tổng nguồn vốn hơn 120 ngàn tỷ đồng (tương đương 5,2 tỷ USD) giải quyết bài toán vốn tại chỗ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của hộ nông dân góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo và hạn chế cho vay nặng lãi ở nông thôn” - Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Trong định hướng chiến lược, đề án phát triển ngành Ngân hàng, đặc biệt là Đề án Củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Chính phủ và NHNN đã đặt ra mục tiêu vô cùng quan trọng - đó là xây dựng các TCTD hợp tác mà trong đó sự liên kết giữa NHHT với QTDND thành một thể thống nhất, hoạt động an toàn, lành mạnh và hiệu quả; đồng thời để NHHT trở thành ngân hàng của các QTDND.

Tuy nhiên, theo Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú, cho dù cải tiến thế nào đi nữa và theo kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn, QTDND và NHHT vẫn có vai trò vô cùng quan trọng, giúp giải quyết bài toán vốn tại chỗ cho sản xuất kinh doanh, phục vụ kinh tế tập thể, hộ gia đình, ngăn chặn hạn chế tín dụng đen, nhất là khu vực nông nghiệp nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

“Do đó, NHNN kỳ vọng trong tương lai NHHT trở thành Ngân hàng Trung ương của các QTDND, thực sự là chỗ dựa, từ việc đảm bảo quyền lợi, cung cấp những sản phẩm hữu ích, thiết thực để thành viên là các QTDND tìm thấy lợi ích nhiều hơn, tự nguyện cao hơn trong việc thực hiện tham gia liên kết hệ thống này” - vị lãnh đạo NHNN nhấn mạnh.