Sửa đổi Luật Chứng khoán - Kỳ vọng thúc đẩy thị trường phát triển bền vững
Trong những năm qua, công tác hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) luôn được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) - cơ quan quản lý về chứng khoán và TTCK chú trọng hàng đầu. Cụ thể, khung pháp lý điều chỉnh TTCK đã cơ bản hoàn thiện đầy đủ với văn bản cao nhất là Luật Chứng khoán được Quốc hội thông qua vào năm 2006 và được sửa đổi, bổ sung vào năm 2010.
Trong năm 2017, UBCKNN đã đặt trọng tâm công tác là xúc tiến sửa đổi Luật Chứng khoán hướng tới mục tiêu xây dựng cơ chế, chính sách, khung pháp lý mới theo hướng hiện đại, hội nhập và phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy TTCK phát triển bền vững, an toàn, hiệu quả. Về những nội dung liên quan đến việc xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi), bà Vũ Thị Chân Phương, Phó Chủ tịch UBCKNN đã có cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí Chứng khoán.
Phóng viên: Xin Phó Chủ tịch cho biết lộ trình xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã và đang được UBCKNN triển khai đến đâu và có gặp khó khăn, vướng mắc gì?
Bà Vũ Thị Chân Phương: Trong suốt 20 năm hình thành và phát triển của ngành Chứng khoán, UBCKNN đã luôn cố gắng, nỗ lực trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, đã tạo lập được khuôn khổ pháp lý có hiệu lực cao, tương đối đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, điều chỉnh toàn diện về chứng khoán và TTCK. Đây là điều kiện quan trọng bảo đảm cho quá trình phát triển không ngừng của TTCK Việt Nam.
Tuy nhiên, qua tổng kết 10 năm thi hành Luật Chứng khoán cho thấy, trước sự phát triển nhanh chóng của TTCK Việt Nam trong xu thế phát triển chung của TTCK thế giới, một số quy định của Luật Chứng khoán hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn và yêu cầu ngày càng cao về quản lý, giám sát TTCK. Mặt khác, trong thời gian qua, đã có nhiều luật mới liên quan đến chứng khoán và TTCK được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và áp dụng thi hành như Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014, Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012...
Do vậy, công tác hoàn thiện khung pháp lý về chứng khoán và TTCK là yêu cầu cấp thiết được đặt ra, mà trọng tâm là xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật Chứng khoán sửa đổi.
Hiện nay, Bộ Tài chính, UBCKNN đang tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan cũng như các đối tượng chịu sự tác động của chính sách về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi) theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Trong năm 2017, sẽ trình Chính phủ thông qua chính sách đề nghị xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi) và trình Quốc hội xem xét, quyết định đưa dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Thời gian dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến dự thảo Luật là quý IV/2018.
Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, việc xây dựng Luật cần thực hiện theo 02 quy trình, bao gồm: xây dựng chính sách và soạn thảo luật.
Mỗi quy trình nêu trên gồm nhiều bước, từ việc soạn thảo đến tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, thẩm định, thẩm tra, trình Chính phủ, trình Quốc hội… Vì vậy, để bảo đảm tiến độ xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi) như dự kiến là rất khó khăn, bên cạnh sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, còn cần có sự tham gia tích cực của các cơ quan, tổ chức liên quan, cũng như các chủ thể tham gia TTCK.
Xin Phó Chủ tịch chia sẻ một số thông tin xoay quanh định hướng của UBCKNN trong việc xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi) và hệ thống các văn bản dưới luật. Đây sẽ là một thế hệ Luật thay thế hoàn toàn Luật hiện hành hay có kế thừa, bổ sung, sửa đổi để phù hợp hơn với điều kiện thực tế và yêu cầu quản lý trong tình hình mới?
Trên thực tế, nhiều quy định của Luật Chứng khoán hiện hành vẫn còn phù hợp với thực tế, đã và đang có tác động tích cực đối với sự phát triển của TTCK. Vì vậy, việc sửa đổi này không có nghĩa là ban hành thế hệ Luật mới thay thế hoàn toàn, mà là sửa đổi “toàn diện và cơ bản” phù hợp với giai đoạn phát triển của thị trường, trên cơ sở kế thừa những quy định của Luật hiện hành.
Một trong những yêu cầu căn bản của việc xây dựng pháp luật là quy định của pháp luật phải phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả. Trong điều kiện hiện nay, khi sự phát triển và tính tuân thủ của các chủ thể tham gia TTCK chưa đồng đều thì chưa thể đề xuất những quy định mang tính đột phá, cải cách ở mức độ quá cao so với trình độ phát triển của thị trường.
Qua tổng kết, đánh giá thực tiễn thi hành Luật Chứng khoán, Bộ Tài chính, UBCKNN đề xuất xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi) với một số định hướng sửa đổi chủ yếu sau đây:
Một là, bổ sung thẩm quyền của UBCKNN bảo đảm thực thi tốt hoạt động quản lý, giám sát, thanh tra và cưỡng chế thực thi. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan (ngân hàng, thuế, đăng ký kinh doanh, công an...) trong phối hợp thực hiện.
Hai là, sửa đổi, bổ sung quy định bảo đảm đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán được chào bán, xác định điều kiện phát hành phù hợp cho từng loại sản phẩm và nâng cao điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng.
Ba là, sửa đổi về điều kiện, tiêu chí công ty đại chúng (CTĐC) cho phù hợp, hoàn thiện cơ chế quản lý, giám sát, nâng cao hiệu quả hoạt động của CTĐC.
Bốn là, hoàn thiện cơ sở pháp lý thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) thông qua tỷ lệ sở hữu nhà nước của các CTĐC trên TTCK Việt Nam.
Năm là, hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của thị trường giao dịch chứng khoán; đa dạng hóa sản phẩm giao dịch, phương thức giao dịch, sản phẩm nghiệp vụ của sở giao dịch chứng khoán; phát triển TTCK phái sinh; hoàn thiện hệ thống giám sát giao dịch cho thị trường giao dịch chứng khoán Việt Nam.
Sáu là, hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động, đa dạng hóa sản phẩm nghiệp vụ của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.
Bảy là, hoàn thiện quy định về các tổ chức định chế trung gian (công ty chứng khoán (CTCK), công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán) theo hướng xây dựng hệ thống quản trị công ty và quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế tốt; quy định rõ các dịch vụ tài chính mà CTCK được cung cấp cho khách hàng; bổ sung các quy định liên quan đến việc bảo vệ nhà đầu tư, nhất là quy định liên quan đến trách nhiệm của CTCK khi thực hiện làm trung gian, tư vấn liên quan đến từng loại sản phẩm và từng loại khách hàng.
Tám là, hoàn thiện các quy định để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Chín là, sửa đổi các quy định hiện hành về công bố thông tin trên TTCK phù hợp với sự phát triển của TTCK nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch của thị trường.
Mười là, bổ sung quy định dành cho các đơn vị trung gian trên thị trường (như công ty định mức tín nhiệm, tổ chức thẩm định giá, công ty quản lý tài sản, công ty kiểm toán độc lập...) về trách nhiệm của các đơn vị này liên quan đến chứng khoán và TTCK.
Để thi hành Luật Chứng khoán, UBCKNN sẽ tham mưu Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật bảo đảm đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch với các Nghị định như: Nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện các lĩnh vực hoạt động của TTCK.
Những yêu cầu đặt ra đối với việc xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi) này là gì, thưa Phó Chủ tịch?
Xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi) là đòi hỏi cấp thiết đặt ra từ thực tiễn. Ngay từ khi lập đề nghị xây dựng Luật, chúng tôi đã xác định rõ việc xây dựng Luật cần đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau đây:
Thứ nhất, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, xây dựng và phát triển TTCK xuất phát và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, hình thành một hệ thống TTCK đồng bộ và thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính của đất nước, đáp ứng kịp thời yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ ba, bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Xây dựng cơ chế và có những giải pháp để phát huy vai trò TTCK là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, từng bước giảm phụ thuộc vào ngân hàng.
Thứ tư, phát triển, mở rộng TTCK có tổ chức, thu hẹp thị trường tự do, nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường, thúc đẩy thị trường công khai, công bằng, minh bạch, đồng thời đặc biệt coi trọng vấn đề chất lượng và sự an toàn của thị trường.
Thứ năm, phát triển TTCK theo hướng gắn kết với việc cải cách, sắp xếp khu vực DNNN, tạo động lực cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế cả về năng lực tài chính và quản trị doanh nghiệp.
Thứ sáu, tăng cường thu hút dòng vốn ĐTNN, chủ động hội nhập thị trường tài chính quốc tế, liên kết với các trung tâm chứng khoán khu vực và quốc tế.
Thứ bảy, bảo đảm kế thừa, tiếp tục phát triển và hoàn thiện những quy định pháp luật về chứng khoán còn phù hợp với thực tế và đã có tác động tích cực đối với sự phát triển của TTCK, đồng thời xem xét sửa đổi quy định không còn phù hợp, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện hoặc bổ sung quy định để bảo đảm yêu cầu quản lý.
Thứ tám, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia ký kết; xác định rõ nguyên tắc áp dụng Luật Chứng khoán bảo đảm tránh chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Chứng khoán và các luật khác có liên quan.
Thứ chín, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động chứng khoán, đồng thời bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tăng cường chế độ kiểm tra, giám sát và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và TTCK.
Thứ mười, tiếp cận gần hơn với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Việc sửa đổi Luật Chứng khoán lần này kỳ vọng sẽ mang lại những giá trị, lợi ích gì cho thị trường, thưa Phó Chủ tịch?
Việc sửa đổi Luật Chứng khoán lần này với mục đích sẽ tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ, khả thi, hiệu quả, phù hợp hơn về chứng khoán và TTCK, qua đó tạo động lực mới thúc đẩy thị trường tiếp tục phát triển một cách bền vững.
Với những sửa đổi quan trọng và toàn diện sẽ giúp tăng cung hàng hóa cho TTCK, cải thiện chất lượng nguồn cung; mở rộng TTCK có tổ chức, thu hẹp thị trường tự do với cấu trúc hoàn chỉnh, nhiều cấp độ, đồng bộ về các yếu tố cung - cầu; tăng quy mô và chất lượng hoạt động, đa dạng hóa các sản phẩm, nghiệp vụ; thu hút vốn đầu tư của nhà đầu tư trong và ngoài nước trên TTCK, giúp doanh nghiệp và Nhà nước thu được lợi ích kinh tế từ dòng vốn ĐTNN, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, phát triển hệ thống nhà đầu tư có tổ chức.
Mặt khác, Luật Chứng khoán sửa đổi khi được ban hành còn giúp nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường, bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả; bảo đảm tính công khai, minh bạch, các tiêu chuẩn và thông lệ quản trị công ty, tăng cường năng lực quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi, giúp bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và tăng niềm tin của thị trường; đủ năng lực để hội nhập vào thị trường tài chính quốc tế.
Qua đó, khuyến khích mạnh mẽ tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân tham gia đầu tư và hoạt động trên TTCK.
Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch!