Sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm bảo đảm phát triển thị trường an toàn, minh bạch, bền vững và hiệu quả

Việt Hoàng

Sáng ngày 29/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đều khẳng định sự cần thiết về việc sửa đổi nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành. Qua đó, tạo động lực mới và hành lang pháp lý phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững và hiệu quả. 

Sáng ngày 29/10, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Sáng ngày 29/10, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Nhiều ý kiến cùng quan điểm khi cho rằng, hiện nay quy mô thị trường bảo hiểm ở Việt Nam còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực và trên thế giới, dư địa và tiềm năng phát triển còn rất lớn. Việc sửa đổi Luật Luật Kinh doanh bảo hiểm là rất cần thiết nhằm tạo động lực mới cho sự phát triển của thị trường. Tuy nhiên, cần bảo đảm tạo hành lang pháp lý phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững và hiệu quả. 

Về chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm, ý kiến đại biểu đánh giá cao việc xây dựng chính sách, điều kiện để tổ chức triển khai sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh xã hội, đặc biệt là chương trình phát triển nông, lâm, ngư nghiệp. 

Theo đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật này sau khi được thông qua sẽ song song tồn tại với nhiều luật khác có các quy định về loại hình bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc; đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh; thẩm quyền phê duyệt các chức danh lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp; mô hình tổ chức; trình tự, thủ tục đầu tư; thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm; trách nhiệm của chủ sở hữu, thành viên góp vốn, Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát... Do đó, các đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ, đối chiếu với các luật liên quan, xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập giữa dự thảo Luật này với các luật khác có liên quan như như Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản, Luật Thanh tra…

Để bảo đảm tính khả thi của Luật, cơ quan soạn thảo cần tổng kết, đánh giá đầy đủ về tính hiệu quả của việc thí điểm thực hiện hoạt động bảo hiểm vi mô trong thời gian qua; phân tích, đánh giá kỹ tác động kinh tế - xã hội, chi phí, lợi ích của loại bảo hiểm này; bổ sung đầy đủ các quy định về bảo hiểm vi mô như: Tổ chức và điều kiện triển khai bảo hiểm vi mô, sản phẩm bảo hiểm vi mô, hợp đồng bảo hiểm vi mô, quản trị rủi ro, nguồn vốn và hoạt động thu - chi, hạch toán kế toán, báo cáo tài chính; phân tích rõ sự khác biệt giữa loại hình bảo hiểm này so với bảo hiểm thông thường...

Đối với lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp, đây là loại hình bảo hiểm đặc thù được xây dựng một chương riêng cho dự thảo; do vậy, cần tổng kết, đánh giá những vướng mắc trong thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp; xây dựng những quy định cụ thể hơn và mạnh mẽ hơn, quy định mức phí phù hợp và hỗ trợ đối với một số đối tượng ưu tiên tham gia bảo hiểm nông nghiệp; quy định cụ thể những đối tượng được nhận bảo hiểm trong chương trình phát triển nông nghiệp; mở rộng đối tượng bảo hiểm nông nghiệp; thiết kế sản phẩm bảo hiểm, hình thức triển khai bảo hiểm phù hợp…

Về hợp đồng bảo hiểm, một số đại biểu cho rằng, đây là chế định quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Do đó, cần rà soát và làm rõ các quy định về nội dung này để bảo đảm nhất quán giữa các quy định trong chính dự thảo Luật, vừa phù hợp với nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, vừa bảo đảm tính đặc thù của hoạt động bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của các bên. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện quy định đối với doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm chặt chẽ, tránh tình trạng vi phạm trong ngành Bảo hiểm...

Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Nam:

Luật sửa đổi lần này đã khắc phục những hạn chế, bất cập sau nhiều năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tương thích với các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Qua đó, góp phần kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và cùng với thị trường tiền tệ - tín dụng và thị trường chứng khoán trở thành các kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế...

Đại biểu Nguyễn Việt Hà - Đoàn đại biểu tỉnh Tuyên Quang

Tại Điều 14 của Dự luật quy định về nội dung của hợp đồng bảo hiểm với nhiều nội dung tương đối đầy đủ. Theo đó, hợp đồng bảo hiểm phải có những nội dung sau đây: Người được bảo hiểm và người thụ hưởng; đối tượng bảo hiểm; số tiền bảo hiểm hoặc giá trị tài sản được bảo hiểm; phạm vi hoặc quyền lợi bảo hiểm, điều kiện hoặc điều khoản bảo hiểm; thời hạn bảo hiểm, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm; mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm; thời hạn, phương thức trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường; phương thức giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm nội dung về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng vì đây là những điều khoản quy định về hành vi pháp lý, là cơ sở quan trọng cho việc thực hiện các điều khoản của hợp đồng trên thực tế; đảm bảo cơ sở để giải quyết những tranh chấp có thể phát sinh khi thực hiện hợp đồng...

Đại biểu Võ Mạnh Sơn - Đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa

Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được ban hành cách đây 20 năm, trong khi thị trường bảo hiểm và hội nhập quốc tế ở lĩnh vực này diễn ra rất mạnh, vì thế một số quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành không còn thống nhất, đồng bộ với Bộ Luật Dân sự năm 2015, nhất là không còn phù hợp với sự phát triển nhanh của thị trường bảo hiểm. Thực tế cho thấy, tình trạng một số doanh nghiệp bảo hiểm cho phép nhân viên thực hiện giới thiệu, quảng bá về bảo hiểm diễn ra dưới nhiều hình thức, kể cả sử dụng công nghệ thông tin, như tin nhắn, điện thoại một cách quá mức gây bức xúc cho người tiếp nhận. Vì vậy, cần bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm là làm phiền, quấy nhiễu khách hàng dưới mọi hình thức, tuân thủ các quy định pháp luật về thông tin, truyền thông...

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn đại biểu tỉnh Bình Phước

Bảo hiểm vi mô bao gồm: các sản phẩm bảo hiểm được thiết kế, cung cấp cho người nghèo, người có thu nhập thấp, và những người yếu thế trong xã hội, giữ vai trò quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy tài chính toàn diện. Tuy nhiên, việc triển khai bảo hiểm vi mô ở Việt Nam chưa phổ biến, do bộ phận đối tượng hướng đến của loại hình bảo hiểm này là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa; chi phí triển khai lớn hơn và rủi ro cao hơn bảo hiểm thông thường. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ yêu cầu lợi nhuận, phi lợi nhuận của bảo hiểm vi mô, đồng thời đánh giá kỹ tác động về kinh tế, chi phí, lợi ích của loại hình bảo hiểm này; bổ sung đầy đủ các quy định về bảo hiểm vi mô, làm rõ sự khác biệt giữa loại hình bảo hiểm vi mô với các loại hình bảo hiểm thông thường; xác định rõ vai trò của các tổ chức tham gia...