Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi có hành lang pháp lý cao và phù hợp với thực tiễn
Ngày 24/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Dương Thị Ngọc - Giám đốc Công ty Luật PST cho rằng, việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm là hết sức cần thiết và phù hợp.
Phóng viên: Với góc nhìn của một luật sư, bà có quan điểm như thế nào về Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) hiện đang được Quốc hội thảo luận?
Luật sư Dương Thị Ngọc: Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được sửa đổi một số điều 2 lần vào năm 2010 và 2019, tuy nhiên đến nay đã không còn phù hợp với thực tiễn phát triển lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, thậm chí bộc lộ một số hạn chế, bất cập, thiếu sự thống nhất, đòi hỏi cần sửa đổi.
Về tổng thể, cần phải nhìn thẳng vào thực tế, luật không thể đi trước được sự phát triển kinh tế, do đó những bất cập lỗi thời của luật là điều khó tránh khỏi. Điều quan trọng ở đây là việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi cho thấy Chính phủ và cơ quan soạn thảo hết sức cầu thị trong vấn đề lập pháp và hành pháp cùng mục tiêu phát triển kinh tế.
Hơn nữa, Dự án sửa đổi được xây dựng trên cơ sở trao đổi, thảo luận, thu thập ý kiến đóng góp của các cơ quan chức năng, ban ngành, các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm... Vì thế, Dự án sửa đổi lần này đã hoàn thiện hơn rất nhiều.
Cá nhân tôi thấy, Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) có sự đồng bộ. Nội dung quy định trong Dự án tạo ra một hành lang pháp lý có hệ thống cao hơn so với Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành. Cấu trúc Luật và ngôn từ được rà soát rất kỹ, các nội dung sửa đổi, bổ sung cũng rất phù hợp với thực tiễn kinh doanh trong bối cảnh công nghệ số hiện nay.
Phóng viên: Nhiều đại biểu quốc hội cũng đánh giá cao Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) bởi tính cần thiết và phù hợp. Bà thấy tâm đắc những nội dung nào trong Dự án?
Luật sư Dương Thị Ngọc: Dự án Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi bổ sung các quy định về các nguyên tắc giao kết hợp đồng bảo hiểm, về bảo hiểm tạm thời người thụ hưởng, về phòng chống gian lận bảo hiểm, về quyết tranh chấp... - những quy định chưa được thể hiện tại Luật hiện hành nhưng thực tế đã có hoặc thông lệ quốc tế đã có (như quản trị rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin, các tình huống và biện pháp xử lý doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính, vốn...), những vấn đề đã được quy định tại các văn bản luật, có tính ổn định, nay được bổ sung.
Về hợp đồng bảo hiểm, đây là chế định quan trọng nhất trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, nên được rà soát cụ thể, kỹ lưỡng. Tại Dự án Luật, các quy định chung về hợp đồng bảo hiểm như: loại hợp đồng bảo hiểm, nội dung của hợp đồng bảo hiểm, hình thức hợp đồng bảo hiểm, giải thích hợp đồng bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm đạt được mục tiêu: Bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, minh bạch đối với các giao dịch bảo hiểm, phù hợp với nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, đồng thời bảo đảm tính đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Liên quan đến quy định nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm trong việc đọc kỹ quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm, quyền, nghĩa vụ của bên mua khi giao kết hợp đồng bảo hiểm và các nội dung khác của hợp đồng bảo hiểm, quy định bổ sung này là cần thiết, giúp cho bên mua bảo hiểm nâng cao ý thức nghiên cứu kỹ nội dung hợp đồng bảo hiểm trước khi tham gia ký kết hợp đồng, không xảy ra tình trạng ngộ nhận hoặc hiểu sai về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng, hạn chế những rủi ro có thể xảy ra đối với bên mua bảo hiểm.
Tôi cho rằng, quan trọng trọng nhất, nhiều quy định trong Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đạt được mục tiêu bảo vệ được quyền lợi, lợi ích của bên mua bảo hiểm, cụ thể như: Quy định về giải thích hợp đồng bảo hiểm trường hợp khi hợp đồng bảo hiểm có những điều khoản không rõ ràng; Quy định doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường theo thoả thuận tại hợp đồng bảo hiểm đối với các sự kiện bảo hiểm xảy ra trước thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm.
Nội dung quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm sửa đổi theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm hạnh chính về kinh doanh bảo hiểm, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm phát triển.
Phóng viên: Xin cảm ơn luật sư!