Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi chú trọng bảo vệ người mua bảo hiểm là nhân văn và đúng đắn
Trao đổi về sự cần thiết sửa đổi Dự án Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi), Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm chú trọng bảo vệ người mua bảo hiểm là nhân văn và đúng đắn.
Trong phiên họp sáng 22/10, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định cần thiết xây dựng dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập của Luật Kinh doanh bảo hiểm với các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Đồng thời, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm kết hợp với việc cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, khách hàng, sự an toàn của cả hệ thống, tiết giảm chi phí xã hội...
Sự cần thiết sửa đổi Dự án Luật Kinh doanh Bảo hiểm không chỉ nhận được sự đồng tình, tán thành của các đại biểu Quốc hội mà còn từ nhiều chuyên gia kinh tế. Theo Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, trong dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), quyền lợi của người mua bảo hiểm đã được nhắc đến nhiều hơn, được chú trọng hơn. Đây là điều nhân văn và phù hợp mà Luật đang hướng tới. Bởi, điều quan trọng nhất để xây dựng được một hợp đồng bảo hiểm chính là người tham gia bảo hiểm, người mua hay còn gọi khách hàng. Nếu không có người mua bảo hiểm, việc kinh doanh bảo hiểm trở nên vô nghĩa.
Về hợp đồng bảo hiểm hiện nay, Luật sư Trương Thanh Đức rất quan ngại khi mà bản hợp đồng quá dài, quá khó hiểu đối với hầu hết người tham gia mua bảo hiểm. Vì vậy, người mua bảo hiểm thường chỉ biết ký tên, đóng tiền, còn mọi việc giám định, kiểm tra, định giá... nhiều khi phó mặc cho doanh nghiệp bảo hiểm. tại Luật Kinh doanh Bảo hiểm hiện hành, mục hợp đồng bảo hiểm dường như đang thiên về bảo vệ lợi ích, rủi ro cho doanh nghiệp bảo hiểm nhiều hơn là bảo vệ khách hàng.
“Khi khách hàng bỏ tiền ra mua bảo hiểm, ký tên vào một hợp đồng bảo hiểm thì người ta cần được biết quyền lợi của mình như thế nào. Tôi đã từng bảo vệ khách hàng với tư cách luật sư bảo vệ thân chủ, từng ngồi vị trí trọng tài để phân xử các vụ tranh chấp liên quan hợp đồng bảo hiểm và chứng kiến rất nhiều câu chuyện thiết kế, môi giới, tư vấn của một số nhà cung cấp bảo hiểm không sòng phẳng, rõ ràng, đẩy rủi ro về phía khách hàng. Do đó, việc xây dựng một Luật Kinh doanh bảo hiểm mới, phù hợp với thực tiễn, bảo vệ khách hàng, người mua bảo hiểm là hết sức cần thiết và đúng đắn”, Luật sư Trương Thanh Đức khẳng định.
Nhìn chung, Luật sư Trương Thanh Đức Đức cho rằng, các nội dung trong dự án Luật phù hợp với chủ trương của Nhà nước, quy định của Hiến pháp năm 2013 và tương thích với điều kiện thực tiễn cũng như các điều ước quốc tế.
Trong khi đó, theo PGS., TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), sau nhiều biến động kinh tế, sự sụt giảm, đứt gãy của chuỗi cưng ứng toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc sửa đổi và sớm ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với nhiều điều khoản tiến bộ sẽ như “liều vắc xin thể chế” giúp thị trường và cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn hội nhập mới. Bởi vì, Luật Kinh doanh bảo hiểm sau khi sửa đổi đã xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập của Luật Kinh doanh bảo hiểm với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật…
Bên cạnh đó, khi dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được ban hành với các quy định mới nhằm tăng cường bảo vệ, cân bằng quyền lợi của người tham gia và người kinh doanh bảo hiểm trong thời gian tới sẽ khiến các doanh nghiệp bảo hiểm rộng lối phát triển, do thị trường kinh doanh sẽ cạnh tranh công bằng hơn, sản phẩm bảo hiểm cũng đa dạng và phong phú hơn. Khi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm được bảo đảm, thì nhiều người mua tin dùng...
Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng việc doanh nghiệp bảo hiểm không cần giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà chỉ cần giấy phép thành lập và hoạt động là không phù hợp. “Đã kinh doanh thì phải đăng ký kinh doanh, không thể có chuyện cứ cấp một giấy phép thành lập, hoạt động rồi chẳng trong một hệ thống dữ liệu quốc gia, cũng chẳng trong một dữ liệu doanh nghiệp nào cả. Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, hay ngân hàng cũng đã thay đổi, có đăng ký kinh doanh mấy chục năm nay rồi, đã đến lúc doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm cũng cần thay đổi”, Luật sư Trương Thanh Đức nói.