Sửa Luật Doanh nghiệp góp phần thu hút đầu tư vào sản xuất, kinh doanh
Theo Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) Bùi Anh Tuấn, Bộ sẽ phối hợp cùng các cơ quan để hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp 2020 cho phù hợp.
Kịp thời gỡ vướng trong thực thi Luật Doanh nghiệp
Trên cơ sở hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, do Bộ Tài chính đề xuất, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú vừa chủ trì họp Hội đồng thẩm định dự án Luật này.
Theo Tờ trình dự án Luật do Bộ Tài chính xây dựng, qua rà soát, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp cho thấy, đã có một số vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và quản lý của Nhà nước đối với doanh nghiệp.
Chẳng hạn như, Điều 3 Luật Doanh nghiệp quy định: “Trường hợp luật khác có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, thì áp dụng quy định của luật đó”. Tuy vậy, trên thực tế, còn có cách diễn giải và cách hiểu khác nhau về đối tượng và phạm vi áp dụng của Luật Doanh nghiệp.
Theo đó, cách hiểu thứ nhất cho rằng, tất cả các loại hình doanh nghiệp đều phải tuân thủ quy định chung của Luật Doanh nghiệp và quy định đặc thù của luật khác.
Còn cách hiểu thứ hai cho rằng, các doanh nghiệp được thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo luật khác (như các luật về ngân hàng, tài chính, kế toán, kiểm toán, chứng khoán, luật sư, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp…) không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp.
Dự kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (diễn ra vào tháng 5/2025) theo quy trình một kỳ họp.
Mặt khác, một số thuật ngữ, khái niệm được sử dụng trong Luật Doanh nghiệp, nhưng chưa có quy định giải thích rõ ràng, dẫn tới lúng túng trong tổ chức thực hiện như: Người chi phối hoạt động của doanh nghiệp, trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định những vấn đề của doanh nghiệp…
Ngoài ra, Điều 16 Luật Doanh nghiệp quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, nhưng thiếu giải thích nội hàm của một số hành vi bị cấm (như hành vi kê khai khống vốn điều lệ) dẫn tới khó khăn, lúng túng trong việc áp dụng…
Thực tế trên đòi hỏi, cần sớm sửa đổi Luật Doanh nghiệp, để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực thi các quy định của Luật Doanh nghiệp. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; cải thiện môi trường đầu tư...
Nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định để hoàn thiện dự án Luật
Góp ý cho dự án Luật tại cuộc họp của Hội đồng thẩm định, ông Nguyễn Việt Hùng - đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đồng tình với quan điểm của cơ quan chủ trì soạn thảo về tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thành lập và hoạt động, không cần bổ sung thành phần hồ sơ như quy định.
“Để đảm bảo doanh nghiệp hoạt động nghiêm túc, minh bạch, rõ ràng, thực sự hoạt động, ngoài những biện pháp quản lý hành chính, cần có cơ chế để doanh nghiệp tham gia một tổ chức, hiệp hội liên quan đến doanh nghiệp hoặc liên quan đến lĩnh vực ngành nghề mà doanh nghiệp đó đăng ký hoạt động. Nếu doanh nghiệp không tham gia hiệp hội, tổ chức, nên chăng cần có việc ký quỹ nhất định, nhằm đảm bảo cho việc giải quyết hậu quả doanh nghiệp bỏ trốn…”, ông Hùng đề xuất.
Phát biểu kết luận phiên họp của Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tập trung hoàn thiện các nhóm vấn đề sau: Đảm bảo phù hợp với chủ trương, đường lối mới của Đảng và Nhà nước; giải quyết các vướng mắc mang tính cấp bách, từ đó xác định lại phạm vi điều chỉnh, sửa đổi; thực hiện các cam kết quốc tế có liên quan, nhất là cam kết về phòng, chống rửa tiền.

“Đề nghị rà soát lại các quy định của Luật Chứng khoán; Luật Phòng, chống rửa tiền… nhằm đảm bảo sự thống nhất…”, ông Tú lưu ý.
Đại diện cơ quan xây dựng hồ sơ dự án Luật, ông Bùi Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định, đồng thời phối hợp cùng các cơ quan khác để hoàn thiện dự án Luật cho phù hợp…