Sửa Luật Hải quan: Cần phù hợp với hiệp định quốc tế
(Tài chính) Sáng 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến góp ý, thảo luận về dự thảo Luật Hải quan sửa đổi.
Tránh “khe hở” khi quản lý rủi ro
Theo tờ trình do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày, Luật Hải quan được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2001, có hiệu lực từ ngày 1/1/2002 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2006 (dưới đây gọi chung là Luật Hải quan). Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Hải quan đã góp phần thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh phát triển, bảo đảm an ninh kinh tế, lợi ích chủ quyền và an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy, Luật Hải quan cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hải quan, yêu cầu của cải cách hành chính và để tạo môi trường pháp luật thống nhất.
Một trong những nội dung cơ bản sửa đổi của dự án luật là áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra, giám sát hải quan. Luật Hải quan hiện hành chưa quy định cụ thể về áp dụng quản lý rủi ro. Trong khi đó quản lý rủi ro được áp dụng trong nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế mang lại hiệu quả quản lý cao và đã trở thành thông lệ quản lý hải quan của nhiều nước theo các Chuẩn mực về áp dụng quản lý rủi ro của Công ước Kyoto sửa đổi.
Để khắc phục bất cập nêu trên, tại khoản 20, khoản 21 Điều 4; khoản 2 Điều 16 và Điều 17 dự thảo Luật đã bổ sung quy định về quản lý rủi ro làm cơ sở để người khai hải quan, cơ quan hải quan thực hiện thống nhất. Đồng thời, tại Điều 32 về kiểm tra hồ sơ hải quan, Điều 33 về kiểm tra thực tế hàng hóa cũng có quy định căn cứ vào kết quả phân tích, đánh giá rủi ro và thông tin khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát hải quan phù hợp.
Các quy định này sẽ tạo điều kiện để cơ quan hải quan tập trung lực lượng phương tiện để kiểm tra, giám sát đối với những địa bàn, doanh nghiệp, những hàng hóa rủi ro cao, giảm lực lượng ở những nơi có rủi ro thấp, phòng chống tình trạng gian lận; góp phần đảm bảo quản lý nhà nước về hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trên cơ sở phương thức quản lý hải quan hiện đại.
Cho ý kiến về vấn đề này, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, nên chăng ngoài việc quản lý rủi ro đối với phạm vi nhiều khả năng rủi ro và đối tượng có nguy cơ cao, cần thực hiện thêm hoạt động quản lý rủi ro ngay cả với phạm vi, đối tượng ít nguy cơ. “Nếu chỉ tập trung vào những đối tượng có nguy cơ cao mà bỏ ngỏ phần còn lại, các đối tượng biết là chắc chắn không bị kiểm tra sẽ vi phạm, làm hạn chế hiệu quả của công tác quản lý rủi ro”.
Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, ngành Hải quan kiểm tra mẫu 5% trong khi các quốc gia trên thế giới chỉ kiểm tra xác suất là 3%.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, không phải bây giờ hoạt động quản lý rủi ro mới được đưa vào luật mà định hướng này đã được ngành Hải quan xác định và từng bước thực hiện. Vấn đề chỉ là xác định xác suất là bao nhiêu để tránh “khe hở” khiến cho một số đối tượng lợi dụng.
Thẩm quyền chống buôn lậu đến đâu?
Tăng cường hoạt động của cơ quan Hải quan trong phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (Điều 91, Điều 92) là một vấn đề được nhiều ý kiến thảo luận, góp ý.
Luật Hải quan hiện hành chưa quy định cho phép cơ quan Hải quan thực hiện việc truy đuổi, bắt giữ hàng hoá buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới di chuyển từ trong địa bàn hoạt động hải quan ra ngoài địa bàn nên khi đối tượng chạy ra ngoài địa bàn cơ quan hải quan phải phối hợp với cơ quan chức năng, nhiều trường hợp dẫn đến mất cơ hội đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái hàng hóa trái phép qua biên giới.
Ngoài ra, Luật Hải quan hiện hành chưa quy định rõ ràng, đầy đủ, cụ thể quyền và nghĩa vụ của cơ quan hải quan trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Hoạt động phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới chủ yếu đang thực hiện theo văn bản dưới luật.
Do đó, tại Điều 91 dự thảo Luật quy định thẩm quyền của lực lượng kiểm soát hải quan được truy đuổi liên tục trong trường hợp có căn cứ xác định hàng hoá, phương tiện vận tải là hàng hóa, phương tiện vận tải buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới đang di chuyển từ địa bàn hoạt động hải quan ra ngoài địa bàn hoạt động hải quan.
Điều 92 dự thảo cũng quy định rõ các biện pháp cụ thể áp dụng khi tiến hành tuần tra, kiểm soát, điều tra, xác minh để cơ quan hải quan có cơ sở thực hiện.
Ngoài ra, để phù hợp với quy định tại khoản 2, Điều 14 Luật Biển Việt Nam “Nhà nước thực hiện kiểm soát trong vùng tiếp giáp lãnh hải nhằm ngăn ngừa và trừng trị hành vi vi phạm pháp luật về hải quan, thuế, y tế, xuất nhập cảnh xảy ra trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải Việt Nam”, tại khoản 4 Điều 91 dự thảo Luật bổ sung quy định: “Tại vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, cơ quan Hải quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, phối hợp thực hiện tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn ngừa hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới; thực hiện các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm theo thẩm quyền trong vùng nội thủy, lãnh hải phù hợp với quy định của Luật Biển Việt Nam”.
Trao đổi về những quy định liên quan đến hoạt động của cơ quan Hải quan trong phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện tán thành với quy định này. “Đã xác định hàng hoá, phương tiện vận tải là buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới việc truy đuổi là đương nhiên. Hơn nữa, cơ quan hải quan lại đã truy đuổi từ trong địa bàn hoạt động hải quan nên việc tiếp tục truy đuổi là cần thiết. Tôi mong các đồng chí thực hiện tốt việc này”- ông Hiện nói.
Ông Hiện cũng cho rằng, ở một số nước phát triển còn có lực lượng cảnh sát tài chính. Với điều kiện của nước ta thì phải thực hiện từng bước. Ông Hiện cũng ủng hộ chủ trương tăng thẩm quyền của cơ quan hải quan trong phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh lại cho rằng, cần nghiên cứu, xem xét tính khả thi của dự luật. Ví dụ như việc truy đuổi tàu nước ngoài. Hiện nay lực lượng hải quân còn gặp khó khăn trong một số trường hợp truy đuổi tàu nước ngoài, do đó, cần nghiên cứu lại tính khả thi của việc cơ quan Hải quan thực hiện truy đuổi trên biển.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho ý kiến, dự luật chỉ nên quy định cơ quan Hải quan có trách nhiệm và nhiệm vụ phát hiện, xử lý hành vi phạm pháp bị bắt quả tang trên địa bàn quản lý hải quan. Về hoạt động điều tra, trinh sát, khám xét, cơ quan Hải quan cũng chỉ nên thực hiện trên địa bàn hải quan. Khi ở ngoài địa bàn cần phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan.
Ông Phước cũng cho rằng, dự luật cần quy định rõ, cụ thể hơn những vấn đề như khám xét, điều tra, cần làm rõ trường hợp nào cơ quan hải quan cung cấp thông tin, trường hợp nào là phối hợp với cơ quan liên quan.
Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tinh thần của dự thảo Luật Hải quan sửa đổi là lực lượng hải quan chỉ thực hiện các hoạt động trong địa bàn hoạt động của hải quan, khi ở ngoài địa bàn, cơ quan hải quan sẽ phối hợp với các lực lượng. Trên cơ sở những ý kiến góp ý, ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến, rà soát, viết lại cho rõ và cụ thể hơn.
Xây dựng hình ảnh hải quan thân thiện
Trao đổi về dự thảo luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thống nhất với 4 nhóm vấn đề tập trung sửa đổi, tuy nhiên theo Phó Chủ tịch, ban soạn thảo cần nghiên cứu, sửa đổi một số nhóm vấn đề.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, dự thảo Luật cần thống nhất xây dựng theo hướng giảm tối đa chi phí hải quan liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó, dự luật cần hướng tới mục tiêu minh bạch hóa tối đa thủ tục hải quan, xây dựng hình ảnh cơ quan hải quan thân thiện với khách xuất nhập cảnh và doanh nghiệp trong, ngoài nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng góp ý vấn đề liên quan đến quyền con người và quyền cơ bản của công dân trong những quy định của dự luật về công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Theo Phó Chủ tịch, những quy định này phải tuân thủ và đảm bảo thống nhất với những quy định về quyền con người và quyền công dân được quy định trong Hiến pháp hiện hành và định hướng sửa đổi của dự thảo Hiến pháp sửa đổi năm 1992.
Liên quan đến những định hướng trong Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, một hiệp định lớn giữa Việt Nam và 11 quốc gia đang đàm phán, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý dự luật cần bám sát những nội dung thảo luận trong các cuộc đàm phán, từ đó quy định những vấn đề bám sát, phù hợp với định hướng các phiên thảo luận nhằm tránh trường hợp sau khi đàm phán thành công lại phải sửa luật để phù hợp với các quy định quốc tế.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị ban soạn thảo tiếp thu ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật Hải quan sửa đổi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII.