Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Hướng đến chính sách thuế công bằng và hiệu quả
Tại dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi có nhiều điểm thay đổi quan trọng, nhằm mở rộng phạm vi điều chỉnh và nâng cao tính minh bạch, đồng bộ trong chính sách thuế. Những điều chỉnh này được kỳ vọng sẽ giúp hoàn thiện khung pháp lý, hỗ trợ quá trình quản lý và giám sát thuế TTĐB hiệu quả hơn, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước.
Cập nhật phương pháp tính thuế
Theo dự thảo Luật, quy định về người nộp thuế TTĐB sẽ được sửa đổi để bao quát hơn. Theo đó, Bộ Tài chính đã sửa đổi, bổ sung quy định về người nộp thuế TTĐB là tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB.
Đồng thời, dự thảo Luật quy định rõ trách nhiệm nộp thuế của các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa chịu thuế TTĐB. Trong trường hợp các tổ chức này mua hàng hóa chịu thuế TTĐB để xuất khẩu nhưng sau đó tiêu thụ nội địa thay vì xuất khẩu, họ sẽ phải chịu trách nhiệm nộp thuế TTĐB thay vì nhà sản xuất. Điều chỉnh này nhằm tăng cường tính minh bạch và công bằng trong chính sách thuế.
Tất cả tổ chức và cá nhân sản xuất, gia công, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB đều sẽ được coi là người nộp thuế. Điều này giúp rõ ràng hóa và ngăn ngừa những lỗ hổng mà các đối tượng có thể lợi dụng để né thuế.
Dự thảo cũng sửa đổi các căn cứ tính thuế TTĐB để đáp ứng sự đa dạng trong các loại hình hàng hóa và dịch vụ. Cụ thể, căn cứ tính thuế TTĐB áp dụng phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm là giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và thuế suất. Số thuế TTĐB phải nộp bằng giá tính thuế TTĐB nhân với thuế suất thuế TTĐB.
Căn cứ tính thuế TTĐB áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối là lượng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và mức thuế tuyệt đối. Số thuế TTĐB phải nộp bằng lượng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế nhân với mức thuế tuyệt đối.
Căn cứ tính thuế TTĐB áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp là tổng của số thuế TTĐB phải nộp theo phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm và số thuế phải nộp theo phương pháp tính thuế tuyệt đối.
Bổ sung chi tiết về giá tính thuế
Một trong những điểm quan trọng của dự thảo là việc bổ sung chi tiết về giá tính thuế TTĐB, đặc biệt là đối với các lĩnh vực kinh doanh đặc thù. Dự thảo quy định giá tính thuế TTĐB cho các loại hàng hóa và dịch vụ như sau:
Hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu: Giá tính thuế là giá bán ra của tổ chức sản xuất hoặc nhập khẩu. Nếu giá bán không theo giá thị trường, cơ quan thuế có quyền ấn định mức thuế theo quy định.
Hợp tác kinh doanh và nhượng quyền: Đối với hàng hóa sản xuất dưới hình thức hợp tác kinh doanh hoặc nhượng quyền, giá tính thuế sẽ là giá bán ra của tổ chức sở hữu thương hiệu hoặc chi nhánh đại diện nước ngoài tại Việt Nam.
Đối với kinh doanh gôn là giá bán thẻ hội viên, giá bán vé chơi gôn bao gồm cả tiền phí chơi gôn, tiền bán vé tập gôn, tiền bảo dưỡng sân cỏ, hoạt động cho thuê xe (buggy) và thuê người giúp việc trong khi chơi gôn và tiền ký quỹ (nếu có) và các khoản thu khác liên quan đến chơi gôn do người chơi gôn, hội viên trả cho tổ chức, cá nhân kinh doanh gôn.
Đối với kinh doanh vũ trường, mát-xa, ka-ra-ô-kê là doanh thu của các hoạt động kinh doanh trong vũ trường, kinh doanh mát-xa, ka-ra-ô-kê bao gồm cả doanh thu của dịch vụ ăn uống và các dịch vụ khác đi kèm.
Đối với kinh doanh xổ số thì giá tính thuế TTĐB là doanh thu bán vé các loại hình xổ số được phép kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là giá tính thuế TTĐB của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động này (tương tự như đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi hoặc tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng, cho).
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về giá tính thuế TTĐB đối với trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu bán hàng chịu thuế TTĐB có gắn liền với dịch vụ cho thuê một phần hoặc bộ phận của hàng hóa đó thì giá tính thuế TTĐB là giá tính thuế của hàng hóa cùng loại hoặc tương đương, có bao gồm giá của bộ phận được cho thuê, được bán tại thời điểm phát sinh để bao quát các trường hợp phát sinh.
Đồng thời, sửa đổi quy định rõ giá tính thuế đối với kinh doanh ca-si-nô, trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh đặt cược là doanh thu từ hoạt động này trừ số tiền đã trả thưởng cho khách và số tiền đổi trả cho khách không sử dụng hết (nếu có).
Một điểm mới nữa trong dự thảo là quy định rõ ràng về thời điểm xác định thuế TTĐB để luật hóa quy định đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật như sau: Đối với hàng hóa, thời điểm xác định thuế là khi quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa được chuyển giao cho người mua, bất kể việc thanh toán đã diễn ra hay chưa.
Đối với dịch vụ, thời điểm xác định thuế là khi dịch vụ được hoàn tất hoặc khi lập hóa đơn cung ứng dịch vụ. Đối với hàng hóa nhập khẩu, thời điểm xác định thuế là khi đăng ký tờ khai hải quan. Các quy định này đảm bảo sự nhất quán, giúp doanh nghiệp dễ dàng tuân thủ và giúp cơ quan thuế giám sát hiệu quả.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dự thảo sửa đổi luật về thuế TTĐB không chỉ tạo ra sự đồng bộ trong các quy định, mà còn đảm bảo công bằng giữa các loại hình kinh doanh và đối tượng chịu thuế. Với các thay đổi này, chính sách thuế TTĐB sẽ trở nên linh hoạt hơn, giúp cơ quan thuế quản lý và điều tiết thị trường hiệu quả hơn. Những điểm sửa đổi trong dự thảo lần này thể hiện cam kết của cơ quan quản lý trong việc xây dựng một hệ thống thuế minh bạch, công bằng và hỗ trợ sự phát triển bền vững cho nền kinh tế.