Sửa Thông tư 210: Mong manh số phận công ty chứng khoán yếu
(Tài chính) Với nội dung sửa đổi Thông tư 210/2012/TT-BTC về hướng dẫn thành lập và hoạt động CTCK, cánh cửa “lách” chỉ tiêu an toàn vốn khả dụng bằng cách quay vòng nợ xấu sẽ bị đóng lại.
Đây là một trong những nội dung sửa đổi có thể tác động đến nhiều CTCK, nhất là những công ty từng bị tổn thương bởi nợ khó đòi từ giai đoạn trước năm 2010.
Quy định mới về nợ được tính an toàn vốn khả dụng
Thông tư 210 hiện hành quy định, CTCK phải đảm bảo chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định của Bộ Tài chính, soát xét/kiểm toán báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng tại ngày 30/6 và 31/12 hàng năm, công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của UBCK trong trường hợp CTCK rơi vào diện bị kiểm soát, kiểm soát đặc biệt.
Tuy nhiên, dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 210 quy định chặt hơn trường hợp các khoản phải thu sẽ bị loại trừ khỏi vốn khả dụng. Nội dung này, trên thực tế là sửa đổi quy định tại Thông tư 226/2010/TT-BTC về an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính.
Cụ thể, ngoại trừ các khoản phải thu từ giao dịch ký quỹ được thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật chứng khoán, CTCK phải giảm trừ khỏi vốn khả dụng các khoản phải thu có thời hạn thanh toán dưới 90 ngày nhưng có thể được tự động gia hạn, tái tục và không phát sinh hoạt động thanh toán; hoặc các khoản phải thu không có kỳ hạn xác định; hay các khoản phải thu có thời hạn thanh toán còn lại dưới 90 ngày và có thời hạn của hợp đồng đã vượt quá 90 ngày tính tới thời điểm xác định giá trị vốn khả dụng. Việc quy định này có thể sẽ làm giảm tỷ lệ an toàn vốn khả dụng của nhiều CTCK, trong trường hợp công ty tồn tại các khoản phải thu, dù thời gian thu hồi dưới 90 ngày, nhưng đã bị quay vòng nhiều lần.
Thực tế, CTCK tồn tại các khoản nợ khó đòi không phải là trường hợp hiếm. Giai đoạn trước năm 2010, tình trạng CTCK hỗ trợ vốn tràn lan cho khách hàng đầu tư đã dẫn tới phát sinh nợ xấu, khó có khả năng thu hồi. Ngoài những CTCK triệt để trích lập dự phòng nợ xấu khó đòi thì không quá khó khăn để tìm trong báo cáo tài chính một CTCK có khoản nợ phải thu kéo dài suốt từ năm này qua năm khác.
Chiêu để các CTCK qua được rào cản chỉ tiêu an toàn vốn khả dụng là liên tục quay vòng hợp đồng để khoản phải thu luôn có thời hạn phải thu nhỏ hơn 90 ngày. Nhưng nay, với quy định mới sắp được ban hành, các CTCK sẽ rất khó để qua mắt cơ quan quản lý trong việc tính chỉ tiêu an toàn vốn khả dụng. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu dự thảo Thông tư được thông qua và áp dụng, có thể có thêm nhiều CTCK rơi vào diện kiểm soát, kiểm soát đặc biệt.
Mong manh số phận CTCK yếu
Điểm khiến các CTCK yếu lo lắng hơn là nội dung bổ sung Điều 40 của Thông tư 210, trường hợp CTCK đang bị hoặc chưa khắc phục được tình trạng kiểm soát, kiểm soát đặc biệt và có lỗ lũy kế từ 50% vốn điều lệ trở lên, UBCK sẽ ra quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động kinh doanh của CTCK và yêu cầu công ty thực hiện thủ tục giải thể.
Theo quy định hiện hành tại Thông tư 226, liên quan đến tình trạng kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, CTCK chỉ bị đình chỉ hoạt động nếu hết thời gian kiểm soát đặc biệt vẫn không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt và có lỗ gộp vượt mức 50% vốn điều lệ trở lên.
Có thể thấy, dự thảo quy định mới nêu trên chặt hơn rất nhiều so với quy định hiện hành. Nếu quy định mới được ban hành, các CTCK yếu sẽ không có thời gian chờ được khắc phục và trường hợp đình chỉ hoạt động sẽ mở rộng với cả CTCK bị kiểm soát (tỷ lệ vốn khả dụng lớn hơn 120%, nhỏ hơn 150%).
Công cụ sàng lọc chặt chẽ hơn và tăng cường điều kiện được tồn tại sẽ là thách thức không nhỏ cho các CTCK đang bị tổn thương về tài chính. Với hướng sửa Thông tư 210 như trên, nếu không thể tăng vốn nhằm tăng năng lực tài chính, các CTCK yếu sẽ không còn lựa chọn tồn tại nào khác là phải ngồi lại với nhau để xóa lỗ, xóa nợ xấu thông qua công cụ hợp nhất lại.