Sức đàn hồi của Trung Quốc trong thương chiến với Mỹ
Chuyên mục "Phân tích bình luận" của trang báo điện tử HK01 đăng bài viết nhận định Tổng thống Mỹ Donald Trump đã một lần nữa thay đổi tiến trình của cuộc chiến thương mại chỉ sau một đêm.
Theo bài viết, sau các cuộc đàm phán từ ngày 30 đến 31/7, Tổng thống Trump đã đăng trên Twitter vào ngày 1/8 với tuyên bố rằng Mỹ sẽ áp mức thuế bổ sung 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa và sản phẩm nhập khẩu Trung Quốc từ ngày 1/9. Mặc dù người ta cảm thấy mệt mỏi bởi cục diện bế tắc trong các cuộc đàm phán thương mại, nhưng điều không thể xem thường việc tăng thuế lần này có nghĩa là trong thương mại Mỹ - Trung, hầu hết các loại hàng hóa đều sẽ bị đánh thuế.
Đàm phán bế tắc…
Câu hỏi đặt ra lúc này là Bắc Kinh đánh giá thế nào về việc leo thang cuộc chiến thương mại? Đối với đàm phán lần này, người ta có thể tưởng tượng ra hình ảnh trong Phòng bầu dục ngày 1/8, khi Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer báo cáo với ông Trump về tình hình đàm phán, cũng như sự thất vọng của ông đối với tiến độ đàm phán.
Tổng thống Trump nói trên Twitter rằng ông không hài lòng với tiến độ mua nông sản của Trung Quốc, thêm rằng "người bạn" của ông, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không ngăn chặn được nguyên liệu gây nghiện Fentanyl vào Mỹ. Nói cách khác, ông Trump muốn có một "thỏa thuận lớn", nhưng Trung Quốc thậm chí còn chưa hoàn thành "những giao dịch nhỏ".
Trong khi đó, điều mà Bắc Kinh quan tâm nhất có thể không phải là quy mô của giao dịch, mà là nếu Trung Quốc và Mỹ thực hiện bước tiếp theo thì hai nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng ra sao.
Trước đó, khi đàm phán thương mại Trung-Mỹ vào tháng Năm đã bị thất bại, Trung Quốc đã đưa ra 3 điểm giới hạn, để lộ ra "con bài" của đàm phán: Thứ nhất, phải hủy bỏ thuế quan; thứ hai, con số mua sắm phù hợp với thực tế; thứ ba, văn bản thỏa thuận phải cân bằng.
Trong trường hợp Mỹ không chấp nhận những giới hạn này, việc leo thang cuộc chiến thuế quan cũng nằm trong dự liệu. Về việc khi nào Trung Quốc và Mỹ đạt được thỏa thuận, liệu Trung Quốc có muốn tăng nhập khẩu đậu tương của Mỹ hay không và liệu có phải Trung Quốc muốn "dùng nông sản để đổi lấy Huawei" hay không, tất cả những vấn đề này đều là công cụ đàm phán ở cấp độ vụ việc, chứ không phải là nguyên tắc.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý II/2019 giảm tốc xuống còn 6,2% - thấp hơn mức 6,6% của năm ngoái. Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, tổng giá trị xuất nhập khẩu ngoại thương của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm là 14.670 tỷ NDT, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
… khiến giao thương Mỹ - Trung sụt giảm
Trong 6 tháng đầu năm, theo số liệu chính thức của Trung Quốc, tổng giá trị thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã giảm 9%, chiếm 12% tổng giá trị ngoại thương của Trung Quốc. Cùng lúc đó, tổng giá trị thương mại của Trung Quốc với EU tăng 11,2% lên mức 2.300 tỷ NDT, chiếm 15,7% tổng giá trị ngoại thương của Trung Quốc; tổng giá trị thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN là 1.980 tỷ NDT, tăng 10,5%, chiếm 13,5%; tổng giá trị thương mại Trung Quốc - Nhật Bản là 1.030 tỷ NDT, tăng 1,7%, chiếm 7%.
Như vậy, ASEAN đã vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc, điều đó đủ cho thấy nhu cầu bên ngoài của thị trường Trung Quốc sẽ không vì cuộc chiến thương mại mà "bốc hơi" sau một đêm.
Trong khi đó, tuy Tổng thống Donald Trump cho rằng Trung Quốc đã "thao túng tiền tệ" để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu thì kể từ sau cuộc chiến thương mại, đồng NDT về mặt tổng thể có những diễn biến trái chiều. Điều này đã thể hiện sự độc lập của biến động tỷ giá, cũng cho thấy nhu cầu của toàn cầu đối với hoạt động ngoại thương của Trung Quốc không hoàn toàn là do sự kích thích của tỷ giá hối đoái.
Quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế của Trung Quốc đã bắt đầu từ lâu, vai trò thúc đẩy của thương mại đối với nền kinh tế đã có xu hướng suy giảm sau năm 2008. Tỷ lệ đóng góp vào tăng trưởng GDP trước cuộc chiến thương mại từng giảm xuống số âm, trong khi mức độ đóng góp của tiêu dùng đối với nền kinh tế đã tăng lên đáng kể. Năm 2018, tỷ lệ đóng góp xuất khẩu ròng của Trung Quốc vào tăng trưởng GDP là -8,6%, kéo theo tăng trưởng GDP giảm -0,6%. Từ việc kéo theo ngoại thương sang tiêu dùng, "sứ mệnh" nâng cấp cơ cấu kinh tế của Trung Quốc có thể buộc phải tăng tốc trong cuộc chiến thương mại.
Trung Quốc có dễ lùi bước?
Ngày nay, khi chuỗi công nghiệp toàn cầu dần hoàn thiện, thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ tạo thành một số lượng lớn các sản phẩm trung gian. Trong danh sách hàng hóa trả đũa trị giá 60 tỷ USD của Trung Quốc, các sản phẩm bị áp thuế nặng nhất ngoài nông sản và thực phẩm, còn có các sản phẩm linh kiện điện tử như điện trở, tụ điện, chất bán dẫn và chỉnh lưu điều khiển silic (SCR)...
Bất kể ai bị đánh thuế thì người bị ảnh hưởng đầu tiên là các doanh nghiệp và nhà máy, Trung Quốc và Mỹ đều như vậy. Đây là lý do tại sao ông Donald Trump nhiều lần tuyên bố rằng các doanh nghiệp và dòng vốn đang "rút khỏi Trung Quốc" vì cuộc chiến thương mại. Xét từ tình hình Mỹ nỗ lực bao vây các doanh nghiệp công nghệ của Trung Quốc, ngành sản xuất công nghệ cao và lĩnh vực công nghệ của nước này là mục tiêu trong tầm ngắm của Mỹ.
Giá thành nhập khẩu linh kiện công nghệ cao đã tăng lên, thậm chí không thể nhập khẩu các sản phẩm công nghệ của Mỹ. Ở một mức độ nhất định, đây là cách đẩy một doanh nghiệp đến đường cùng. Nhưng xét từ tình hình hiện nay, không dễ dùng vấn đề đó để chèn ép ngành sản xuất công nghiệp của Trung Quốc.
Hai ông Donald Trump và Robert Lighthizer dường như đang muốn tái diễn thời kỳ "huy hoàng" của Mỹ trong cuộc chiến thương mại với Nhật Bản vào những năm 1980. Khi đó, hơn 50% số xe ô tô của Nhật Bản dùng để xuất khẩu. Sau khi ký kết Hiệp ước Plaza, tỷ lệ xuất khẩu của ngành công nghiệp máy móc của Nhật Bản đã tăng lên 74,9% trong năm 1990. Mặc dù cơ cấu ngành nghề của Nhật Bản không ngừng thay đổi, song với mức độ trùng hợp cao so với chuỗi ngành nghề tương tự của Mỹ, một mối quan hệ cạnh tranh mạnh mẽ đã được hình thành và điều này đã gây ra một cú sốc lớn cho ngành công nghiệp Nhật Bản.
Tuy nhiên, Trung Quốc và Nhật Bản hoàn toàn khác nhau về quy mô kinh tế, cơ cấu ngành nghề và mức độ phụ thuộc ngoại thương. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của 130 quốc gia, đã tự hình thành chuỗi ngành nghề hoàn chỉnh, lớn và phức tạp, mà vẫn có sự hỗ trợ rất lớn với cơ cấu ngành nghề của Mỹ.
Trong khi đó, tuy tăng trưởng GDP sụt giảm song Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố số liệu vào ngày 28/7 cho thấy trong năm 2018, giá trị kinh tế gia tăng (EVA- Economic Value Added) của ngành nghề mới, hình thức và mô hình kinh doanh mới của Trung Quốc chiếm tỷ trọng GDP là 16,1%, tăng 0,3% so với năm ngoái. Những ngành nghề này bao gồm nông, lâm, ngư nghiệp, chăn nuôi hiện đại, ngành sản xuất tiên tiến, các hoạt động năng lượng mới, các hoạt động tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường…
Dưới sức ép của các cuộc chiến thương mại, ngành nghề thứ hai của Trung Quốc đã tìm ra động lực tăng trưởng mới thông qua cải cách cơ cấu. Sức nóng của vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường Trung Quốc đã tăng lên, càng chứng tỏ tiềm năng của nền kinh tế Trung Quốc.