Điều gì đã xảy ra với thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung?
Một thỏa thuận dường như đã rất gần. Mới tháng 5 vừa qua, chính quyền Tổng thống Trump và Trung Quốc dường như đang trên bờ vực giải quyết tranh chấp đối với các chính sách thương mại của Bắc Kinh - rồi tất cả đã sụp đổ. Một thỏa thuận ngừng chiến được tuyên bố bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra vào tháng 6 cũng đã không thành công.
Giờ đây, thị trường tài chính toàn cầu đang rung chuyển và các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang cố gắng đẩy nền kinh tế của họ khỏi tình trạng tồi tệ nhất bằng cách cắt giảm lãi suất - tất cả đều dự đoán rằng một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục diễn ra, có thể đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Các chuyên gia của Viện Chính sách xã hội châu Á cho rằng, càng ngày càng ít tin tưởng vào cả hai phía, cùng với ý thức ngày càng tăng ở cả Washington và Bắc Kinh rằng họ có thể tốt hơn nếu không có thỏa thuận, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.
Đầu tháng 8 đã bắt đầu với rất nhiều bất ngờ. Ngày 01/8, Tổng thống Trump đột ngột tuyên bố rằng bắt đầu từ ngày 1/9, Mỹ sẽ áp dụng thuế quan đối với 300 tỷ USD nhập khẩu còn lại của Trung Quốc. Ngày 5/8, Bắc Kinh đáp trả bằng cách ngừng mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ - một đòn giáng mạnh vào khu vực nông nghiệp nông thôn Mỹ - và để tiền tệ xuống mức thấp nhất trong 11 năm qua. Một đồng tiền Trung Quốc có giá trị thấp hơn mang lại cho các nhà xuất khẩu một lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ nước ngoài.
Động thái tiền tệ của Bắc Kinh đã khiến Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố Trung Quốc lần đầu tiên thao túng tiền tệ kể từ năm 1994. Bước đó cuối cùng có thể mở đường cho các biện pháp trừng phạt bổ sung. Nhưng hiện tại chủ yếu thể hiện tính biểu tượng xung đột ngày càng gay gắt giữa Washington và Bắc Kinh.
Viễn cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn ra không xác định, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với một nền kinh tế toàn cầu vốn đang suy yếu. Nó làm rung chuyển thị trường tài chính, không khuyến khích thương mại và làm tê liệt các doanh nghiệp phải quyết định nơi đặt nhà máy, mua vật tư và bán sản phẩm. Khi các công ty bị cuốn vào cuộc chiến khiến các kế hoạch như vậy bị trì hoãn, họ cùng nhau làm suy giảm thương mại và tăng trưởng. Quỹ Tiền tệ quốc tế dự kiến thương mại thế giới sẽ chậm lại trong năm 2019 trong năm thứ hai liên tiếp.
Các ngân hàng trung ương đang để cố gắng hạn chế thiệt hại kinh tế, mặc dù việc giảm lãi suất vay chỉ mang lại lợi ích hạn chế khi lãi suất đã thấp. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã vừa cắt giảm lãi suất chính của Mỹ lần đầu tiên trong một thập kỷ. Ngày 7/8, các ngân hàng trung ương của Indonesia, New Zealand và Thái Lan đã tuyên bố cắt giảm lãi suất của họ. Các bên đều đang dự đoán về Trung Quốc và động lực cuộc chiến thương mại trong thập kỷ tới, có lẽ nó sẽ không biến mất vĩnh viễn.
Chính quyền Tổng thống Trump và Bắc Kinh đang đấu tranh vì một loạt vấn đề nhức nhối. Phía Mỹ cho rằng người Trung Quốc đang gian lận trong nỗ lực thống trị các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử. Cụ thể, chính quyền Mỹ cáo buộc rằng Bắc Kinh đang đánh cắp bí mật thương mại, buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ và trợ cấp không công bằng cho các công ty công nghệ Trung Quốc trong khi gây sức ép với các đối thủ nước ngoài bằng các thủ tục hành chính nặng nề. Việc đạt được một thỏa thuận đáng kể chắc chắn là khó khăn, nhất là bởi nó sẽ yêu cầu Trung Quốc thu hẹp lại tham vọng kinh tế. Tuy nhiên, vào đầu tháng 5, hai bên dường như đang tiến tới một thỏa thuận có ý nghĩa.
Mọi thứ dừng lại khi Tổng thống Trump đột ngột cáo buộc Bắc Kinh ngày 5/5 từ bỏ các cam kết mà họ đã đưa ra trước đó và nói rằng Mỹ sẽ tăng thuế đối với 200 tỷ đôla các sản phẩm Trung Quốc, một mối đe dọa đã trở thành hiện thực vào năm ngày sau đó. Chính quyền Tổng thống Trump cũng bắt đầu sẵn sàng áp thuế thêm đối với 300 tỷ đôla hàng hóa Trung Quốc - một sự leo thang sẽ nhắm tới hầu như tất cả mọi hàng hóa mà Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung gặp nhau và Tổng thống Trump đã đồng ý trì hoãn các mức thuế mới trong khi các cuộc đàm phán đã được nối lại.
Sau vòng đàm phán thứ 12 tại Thượng Hải vào cuối tháng 7 đã đạt được tiến bộ ít ỏi, chính quyền Tổng thống Trump đã hủy bỏ thỏa thuận ngừng chiến và nói rằng sẽ bắt đầu đánh thuế 300 tỷ đôla vào ngày 1/9. Tổng thống Trump cáo buộc Bắc Kinh cố gắng làm chậm các cuộc đàm phán cho đến năm 2020 với hy vọng ông Trump sẽ không thắng cử lần nữa và thay vào đó Trung Quốc có thể đàm phán với một tổng thống Dân chủ.
Dù có đúng hay không thì Bắc Kinh có thể đã rút ra một bài học từ các thỏa thuận của Tổng thống Trump với Mexico: Sau khi thúc ép Mexico đồng ý với một thỏa thuận thương mại Bắc Mỹ được đàm phán lại vào năm ngoái, ông Trump đã từ chối trong nhiều tháng để dỡ bỏ thuế đối với thép và nhôm của Mexico. Cuối cùng, vào giữa tháng 5, Tổng thống Mỹ đã tuyên bố rằng sẽ bỏ các mức thuế đó, khôi phục sự hài hòa cho các mối quan hệ thương mại khu vực - chỉ để sau đó quay lại đe dọa Mexico bằng thuế quan mới trong một cuộc tranh chấp mà sau đó được giải quyết, về vấn đề nhập cư.
Việc lặp đi lặp lại các đe dọa lẫn nhau đã khiến cho việc tiếp tục đàm phán thương mại trong thời gian ngắn trở nên vô nghĩa. Trung Quốc dường như đang chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài với Mỹ. Rõ ràng là tiến độ đàm phán đã đình trệ rất nhiều so với giai đoạn trước ngày 5/5, và rất có thể cả hai bên sẽ coi giai đoạn đó là một cơ hội bị bỏ lỡ…