Sức ép từ Covid-19 lên Fed
Động thái bất ngờ giảm lãi suất 0,5% cho thấy “nhiệm vụ tránh suy thoái do Covid-19” của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã chính thức bắt đầu.
Lãi suất có thể sớm về 0%
Ngày 3/3/2020 Fed đã giảm mạnh lãi suất 0,5%, qua đó đưa lãi suất về mức 1,0-1,25%. Đây là hành động bất ngờ vì thông thường các quyết định tăng-giảm hay giữ nguyên lãi suất chỉ được đưa ra sau các cuộc họp chính sách định kỳ của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC). Theo đó, cuộc họp chính sách lần tới sẽ diễn ra chỉ trong 2 tuần nữa, vào ngày 17-18/3. Tuy nhiên, đây cũng là thứ “vũ khí” mà trong quá khứ Fed đã từng sử dụng để đối phó khi xảy ra các biến cố lớn như sau thảm họa khủng bố ngày 11/9, sự sụp đổ của Lehman Brothers hay trước đó nữa là sự bùng nổ của bong bóng dotcom.
Lần cắt giảm lãi suất khẩn cấp này được đưa ra nhằm bảo vệ nền kinh tế Mỹ khỏi tác động của Covid-19, cũng như để giúp phục hồi niềm tin vào thị trường tài chính hiện đang có nhiều diễn biến tiêu cực, thậm chí đã bộc lộ những hỗn loạn nhất định. Tuy nhiên, diễn biến tích cực trên các sàn chứng khoán Phố Wall chỉ kéo dài trong vài giờ sau quyết định của Fed, rồi sau đó lại rơi vào tình trạng bán tháo, như Dow Jones giảm tới 2,9% phiên 3/3. Đáng báo động hơn, lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm đã lần đầu tiên giảm mạnh xuống mức dưới 1%.
Có những dấu hiệu cho thấy Fed sẽ cần phải cắt giảm lãi suất sâu hơn, thậm chí có thể đưa lãi suất về 0%. "Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu trong vài tháng tới, Fed có thể đưa lãi suất về mức 0%", David Kelly, chiến lược gia trưởng toàn cầu của JPMorgan Funds cho biết. Khối nghiên cứu kinh tế Mỹ của JPMorgan nhận định, có 50% khả năng lãi suất sẽ về mức 0% trong năm nay.
Chỉ vài tuần trước trước đây, người ta dường như không thể tưởng tượng được về việc Fed cần nhanh chóng quay trở lại với mức lãi suất 0% trong bối cảnh các dữ liệu của nền kinh tế Mỹ không hề tệ. Dù lo lắng dịch Covid-19 sẽ có những tác động đến nền kinh tế Mỹ cũng đã xuất hiện nhưng cho đến nay các dữ liệu kinh tế vẫn vững vàng, khu vực tư nhân mạnh mẽ hơn dự kiến trong khi lĩnh vực dịch vụ cũng tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong một năm qua. Trong bối cảnh đó, “việc Fed cắt giảm lãi suất - và động thái này diễn ra chỉ hai tuần trước khi có cuộc họp chính sách thường kỳ tiếp theo - báo hiệu một mức độ hoảng loạn nhất định”, Oliver Pursche, Phó chủ tịch của Bruderman Asset Management nhận định.
Quyết định giảm lãi suất của Fed cũng cho thấy triển vọng kinh tế đã chuyển qua bi quan nhanh chóng như thế nào bởi sự bùng phát của Covid-19. Dịch bệnh này rõ ràng đang làm xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu và tạo ra một cái bóng đáng ngại đối với chi tiêu của người tiêu dùng và ngành du lịch. Những tên tuổi lớn từ Apple, Microsoft đến United Airlines hay Carnival đều đã cảnh báo về những thiệt hại tài chính rất lớn vì Covid-19.
Tuy nhiên, cũng có những hoài nghi cho rằng, liệu nới lỏng tiền tệ có phải là một phản ứng hiệu quả đối với những gì đang thực chất là một cuộc khủng hoảng sức khỏe do dịch Covid-19 gây ra. “Có lẽ chẳng ai đi kiểm tra lãi suất đang ở mức bao nhiêu trước khi đặt vé máy bay hoặc đến rạp chiếu phim", chuyên gia David Kelly bình luận.
Dịch Covid-19 chỉ là áp lực mới nhất mà Fed đang gấp rút hành động để giúp giảm bớt tác động. Năm ngoái, trong nỗ lực giảm bớt thiệt hại từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Fed đã cắt giảm lãi suất ở ba cuộc họp chính sách liên tiếp. Sau khi thực hiện những đợt giảm lãi suất này, hầu hết giới phân tích và thị trường đều dự đoán rằng Fed sẽ giữ lãi suất ổn định trong một thời gian. Suy đoán đó càng được củng cố bởi các quan điểm tương tự được đưa ra qua các kênh khác nhau từ chính các quan chức Fed. Và dường như “cá cược” Fed sẽ giữ lãi suất ổn định càng đúng hơn khi thực tế sau đó là quan ngại nền kinh tế có thể suy thoái đã giảm bớt, thị trường việc làm tiếp tục tốt lên và căng thẳng của cuộc chiến thương mại cũng nguội dần. Cùng với đó, chứng khoán Mỹ đã trở lại với những mức cao kỷ lục.
Tuy nhiên vào cuối năm 2019, ngân hàng Rabobank đã đưa ra một cảnh báo khá lạ lẫm rằng, Fed chưa hoàn thành công việc của mình và sẽ phải cắt giảm lãi suất về 0% để chống lại suy thoái kinh tế. “Chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi tiêu cực vì cảnh báo đó”, Philip Marey, chiến lược gia cao cấp của Rabobank tại Mỹ cho biết. Nhưng rồi sự bùng phát của dịch Covid-19 và sự hỗn loạn của thị trường sau đó càng làm tăng sự tin tưởng của Philip Marey rằng cảnh báo mà họ đã đưa ra là đúng. "Fed sẽ phải giảm lãi suất xuống 0% thậm chí nhanh hơn so với những gì chúng tôi đã dự đoán. Đã có những vết rạn nứt trong nền kinh tế Mỹ và Covid-19 chỉ làm tăng thêm điều đó", chuyên gia này nhận định.
Lãi suất âm và các công cụ phi truyền thống khác
Nhiều người có quan điểm khác thì cho rằng, hiện còn quá sớm để dự đoán về khả năng lãi suất bị đưa về 0%. Bởi rốt cuộc, nếu Covid-19 “phá hủy” nền kinh tế Mỹ ít hơn mức mà mọi người đang vì sợ hãi mà hình dung ra, thì tăng trưởng sau đó có thể phục hồi rất nhanh chóng. Và thậm chí ngay cả khi thiệt hại kinh tế do Covid-19 được chứng minh là đáng kể, vẫn có nguy cơ là cắt giảm lãi suất xuống 0% cũng không giúp được gì nhiều để khắc phục vấn đề.
Trong giới tài chính, rủi ro đó được gọi là "sự bất lực của NHTW". "Tôi không nghĩ Fed sẽ cắt giảm lãi suất về 0%", bà Kristina Hooper, chiến lược gia thị trường toàn cầu của Invesco, quả quyết. "Tôi nghĩ rằng họ sẽ nhận ra hiệu quả giảm dần của việc cắt giảm lãi suất và do đó Fed có thể sẽ không muốn tạo thêm sự hoảng loạn trên thị trường, như cách mà Fed đã thực hiện với quyết định vừa rồi".
Dẫu sao thì thị trường trái phiếu cũng đang báo hiệu rằng Fed cần thực hiện các bước quyết liệt hơn nữa. Thực tế, lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm đã giảm xuống dưới 1%, gióng lên hồi chuông cảnh báo trên khắp Phố Wall. Mặc dù JPMorgan kỳ vọng Hoa Kỳ sẽ tránh được suy thoái kinh tế trong năm nay, nhưng các nhà phân tích của tổ chức này cho rằng thị trường lãi suất hiện đang ám chỉ 90% khả năng sẽ xảy ra suy thoái kinh tế ở Mỹ. Trong khi đó theo CME FedWatch Tool, các nhà đầu tư đang đặt cược 46% cơ hội Fed sẽ giảm lãi suất xuống dưới 1% vào cuối năm nay. "Thị trường đang gây áp lực với Fed và chúng tôi không nghĩ họ sẽ thất vọng", các chiến lược gia của Bank of America đã viết trong một lưu ý gửi tới khách hàng hôm thứ Ba.
Tất cả những diễn biến hiện nay còn làm dấy lên suy đoán rằng, Fed có thể sẽ theo bước chân của các đồng nghiệp châu Âu và Nhật Bản bằng cách đưa lãi suất về mức âm - mức mà lâu nay Tổng thống Donald Trump đã luôn thúc giục Fed. Tuy nhiên, lãi suất âm được coi là một bước cực đoan và nó sẽ giáng những đòn nặng vào người gửi tiết kiệm, các ngân hàng và công ty bảo hiểm. Thực tế, lãi suất âm ít cho thấy sự hiệu quả. Châu Âu và Nhật Bản vẫn đang sa lầy trong tăng trưởng chậm và lạm phát rất thấp là những minh chứng.
Thay vào đó, nếu dấu hiệu nền kinh tế lâm vào suy thoái rõ ràng thì nhiều khả năng Fed sẽ chuyển sang sử dụng các công cụ phi truyền thống khác như đã làm trong cuộc Đại suy thoái. Đó là cam kết “sẽ giữ lãi suất ở mức thấp trong một khoảng thời gian dài”. Đó là khởi động lại gói nới lỏng định lượng (QE) nhằm giữ chi phí vay thấp.
Nhưng xét cho cùng, Fed sẽ không thể một mình giải quyết cuộc khủng hoảng Covid-19 trong lĩnh vực tài chính. Ngày càng có nhiều lời kêu gọi Quốc hội Mỹ phải hành động mạnh hơn để ngăn chặn nguy cơ suy thoái kinh tế. “Trong trường hợp có "suy thoái kinh tế lớn", chính phủ liên bang nên tạo ra một cơ chế cho vay đặc biệt để cung cấp tài chính trực tiếp cho các DNNVV nhằm giảm thiểu tỷ lệ sa thải và phá sản. Chúng ta sẽ phải dựa vào những khẩu súng lớn, đó là những Bazooka về tài chính", chuyên gia kinh tế trưởng Joe Brusuelas của RSM đề xuất.