Covid-19 có thể khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 156 tỷ USD

Theo Nhuệ Mẫn/tinnhanhchungkhoan.vn

Sự bùng phát của dịch COVID-19 đang diễn ra sẽ có tác động đáng kể đến các nền nền kinh tế châu Á đang phát triển thông qua nhiều kênh, bao gồm giảm mạnh nhu cầu trong nước, du lịch và kinh doanh du lịch, liên kết sản xuất và thương mại, gián đoạn cung ứng và ảnh hưởng sức khỏe, theo một báo cáo phân tích mới của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Trong kịch bản vừa phải, Covid-19 có thể khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 156 tỷ USD.
Trong kịch bản vừa phải, Covid-19 có thể khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 156 tỷ USD.

Mức độ thiệt hại kinh tế sẽ phụ thuộc vào mức độ bùng phát khó lường của dịch bệnh. Phạm vi các kịch bản được khảo sát trong phân tích cho thấy tác động toàn cầu trong phạm vi từ 77 tỷ USD đến 347 tỷ USD, tương đương 0,1% đến 0,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Trong một kịch bản ở mức vừa phải, khi các hành vi và biện pháp phòng ngừa sau 3 tháng dịch bệnh bùng phát như cấm đi lại và các hạn chế đã được áp dụng vào cuối tháng 1 bắt đầu được nới lỏng, thiệt hại toàn cầu có thể lên tới 156 tỷ USD, tương đương 0,2% GDP toàn cầu. Trong đó, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ chịu thiệt hại 103 tỷ USD, hay 0,8% GDP của nước này. Phần còn lại của châu Á sẽ mất 22 tỷ USD, tương đương 0,2% GDP.

Covid-19 có thể khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 156 tỷ USD - Ảnh 1

Ông Yasuyuki Sawada, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB cho biết: “Có rất nhiều điều không chắc chắn về COVID-19, bao gồm cả tác động kinh tế của nó. Điều này đòi hỏi phải sử dụng nhiều kịch bản để cung cấp một bức tranh rõ ràng hơn về những tổn thất có thể xảy ra.

Chúng tôi hy vọng báo cáo phân tích này có thể hỗ trợ các chính phủ trong việc chuẩn bị các hành động ứng phó dứt khoát và mang tính quyết định, nhằm giảm thiểu tác động đến con người và kinh tế của đợt bùng phát này”.

Báo cáo cũng thể hiện tác động ước tính đối với mỗi nền kinh tế trong khu vực - và trong từng lĩnh vực của các nền kinh tế này - bao gồm cả giả định về “kịch bản xấu nhất” đối với một nền kinh tế nhất định trong trường hợp bùng phát nghiêm trọng. Các giả định này không phải là dự báo về một đại dịch sẽ xảy ra, mà chỉ có tính định hướng cho các chính phủ để cân nhắc các ứng phó thích hợp.

Ứng phó của ADB đối với COVID-19 cho đến nay bao gồm một hỗ trợ trị giá 2 triệu USD được công bố vào ngày 7/2 nhằm tăng cường phát hiện, phòng ngừa và ứng phó tại Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Tiểu vùng Mê Kong mở rộng; một khoản hỗ trợ nữa trị giá 2 triệu USD nữa được công bố ngày 26/2 nhằm hỗ trợ những ứng phó của tất cả các quốc gia thành viên đang phát triển; và một khoản vay cho tư nhân 130 triệu nhân dân tệ (18,6 triệu USD), được ký kết ngày 25/2, cho chi nhánh Vũ Hán của Tập đoàn Dược phẩm Công ty TNHH, nhà phân phối dược phẩm có trụ sở tại Cộng hòa nhân dân Trung Hoa để hỗ trợ tiếp tục cung cấp thuốc thiết yếu và các thiết bị bảo vệ cá nhân.

Được biết, ADB sẵn sàng bổ sung hỗ trợ cho các thành viên đang phát triển trong nỗ lực ứng phó với tác động bất lợi của COVID-19. ADB sẽ sử dụng các phương tiện phù hợp để đáp ứng các nhu cầu đã xác định bao gồm thông qua hỗ trợ tài chính hiện tại và hỗ trợ tài chính mới, cho vay hỗ trợ khẩn cấp, cho vay chính sách, đầu tư khu vực tư nhân, và tri thức và hỗ trợ kỹ thuật.