Sức hấp dẫn của các quỹ ETF?

Hải Thanh - Lê Mỹ (Diễn đàn doanh nghiệp)

Mỗi đợt cơ cấu danh mục của quỹ ETF sẽ gia tăng thanh khoản rất tốt cho thị trường, nhưng, sau khi các quỹ ETF ổn định danh mục, nhà đầu tư sẽ… mất phương hướng.

Sức hấp dẫn của các quỹ ETF?

Dự thảo Thông tư hướng dẫn thành lập và quản lý Quỹ hoán đổi danh mục (ETF, Echange - Traded Fund) đang giúp các nhà đầu tư hy vọng nhiều hơn vào sự cải thiện thanh khoản cho thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, đây không phải là điều kiện duy nhất để quỹ mở linh hoạt mới có thể thực thi đầu tư ở VN mà chỉ là một sự thiết lập hành lang pháp lý, đi theo sau hoạt động của các quỹ mở vốn đã có mặt khá sôi động trên thị trường.

ETF - “Chỉ báo của thị trường”

Trong tháng 9/2012, nếu cần chọn một phiên giao dịch nào tiêu biểu cho hoạt động của các quỹ ETF, chắc chắn các nhà đầu tư sẽ chọn phiên giao dịch vào ngày 21/9. Đây là phiên đã có hàng loạt cổ phiếu trong rổ VN30 Index tăng mạnh với khối lượng lớn.

Nhiều CTCK đều có quan điểm nhận định 21/9 đánh dấu phiên giao dịch cuối cùng trước khi các quỹ FTSE - Vietnam Index ETF và Van Eck Market Vector ETF áp dụng điều chỉnh các mã thành phần trong động thái tái cân bằng hàng quý.

CTCK Bản Việt phân tích: “Chúng tôi nhận thấy giá một số cổ phiếu liên quan đến việc tái cân bằng đã biến động mạnh. Trừ STB, tất cả các mã có tỉ trọng tăng tại các quỹ ETF, gồm HSG, PGD, SBT trong rổ của FTSE và BVH, HAG, VCB trong rổ của Van Eck, đều tăng.

FTSE có vẻ giao dịch mạnh tay hơn, đẩy các mã tăng trần. Các mã bị loại khỏi FTSE như GMD, KDC, PNJ, và PPC, đều đóng cửa tại mức sàn.

Các mã ước tính giảm tỉ trọng trong quỹ VanEck như CTG (+2,2%) và DPM (1,1%) đi ngược lại kết quả tái cân bằng và tăng điểm. Chốt phiên, chỉ số VNI tăng 1,59% đóng cửa tại ngưỡng 395,48 điểm và chỉ số HNI tăng 2,32% đóng cửa tại ngưỡng 56,71 điểm. Tổng thanh khoản tăng mạnh 73% lên 1.985 tỉ đồng với các giao dịch liên quan tới các ETF”.

Bảng công bố thông tin một số quỹ đang niêm yết

Sức hấp dẫn của các quỹ ETF? - Ảnh 1

Vấn đề quan trọng là thị trường có thể thấy gì chỉ từ một phiên giao dịch tăng đột biến này? Về phía các nhà đầu tư, đây có thể xem như một động thái chuẩn bị cho việc làm đẹp danh mục báo cáo, làm tăng giá trị tài sản ròng (NAV, Net Asset Value) và đó là chỉ báo cho các nhà đầu tư còn lại trên thị trường chọn thời điểm “thoát hàng”.

Nhà đầu tư Nguyễn Nam, sàn chứng khoán GLS cho biết, do còn nắm giữ một ít cổ phiếu nên đây là dịp “canh” quỹ ETF đẩy giá cổ phiếu nhằm làm đẹp báo cáo, theo đó anh sẽ đẩy bán bằng mọi giá và… “không chơi chứng khoán nữa”. Tâm lý của những người như anh Nam không chỉ là số ít.

Phiên giao dịch mở cửa thị trường tuần 24/9 giảm mạnh bởi hàng loạt các cổ phiếu lao dốc với khối lượng thấp và kéo theo một tuần giảm điểm sau đó đã chứng minh sự hiện hữu tâm lý này trong số đông.

Không chỉ có các nhà đầu tư cá nhân là chọn thời điểm các quỹ ETF khuấy động thị trường, tái cân bằng danh mục để thoát hàng, mà các nhà đầu tư ngoại cũng đã tranh thủ thoái vốn ngay khi các quỹ ETF có động thái này. Sau nhiều tháng mua ròng, khối đầu tư nước ngoài đã quay đầu bán ròng mạnh trong tuần cuối tháng 9.

Riêng trên HOSE, họ đã bán ròng 304 tỉ đồng. Kết quả là chứng khoán đã giảm 18/24 nhóm ngành niêm yết vào tuần cuối tháng 9. Dẫn đầu các nhóm ngành ngành giảm bảo hiểm với mức giảm 4,78%, Bất động sản giảm 3,64%, Chứng khoán giảm 3,13%...; tương ứng với nhận định của một số chuyên gia về việc các nhà đầu tư nước ngoài đang “kính nhi viễn chi” với cổ phiếu nhóm ngành tài chính, ngân hàng, bất động sản, và ngược lại rất “tâm đắc” nhóm ngành tiêu dùng.

Cụ thể trong tuần giao dịch cuối tháng 9, nhóm ngành sản xuất thực phẩm và đồ uống, đã tăng 3,29%. Ngoài yếu tố tăng trưởng kinh doanh của các DN theo mùa vụ như CTCP Kinh Đô, phải chăng sự tăng trưởng đột biến của cả nhóm ngành này còn có ý nghĩa như một chỉ báo cho xu hướng của các nhà đầu tư nước nói chung trên thị trường trong thời gian tới?

Từ những diễn biến trên, có thể nhận thấy các quỹ ETF đã và đang trở thành các chỉ báo “hướng dẫn” cho TTCK VN. Nói một cách cụ thể thì các quỹ ETF không còn thuần túy là chỉ số theo dõi khi các nhà đầu tư cá nhân tìm cách dự đoán và giao dịch dựa trên kết quả tái cân bằng định kỳ hàng quý.

Tuy nhiên, ở khía cạnh tích cực, mỗi đợt đợt tái cân bằng định kỳ hàng quý của các quỹ ETF sẽ có ý nghĩa gia tăng thanh khoản rất tốt cho thị trường, nhưng ở chiều ngược lại, sau mỗi đợt khuấy động, khi các quỹ ETF ổn định danh mục, nhà đầu tư sẽ… mất phương hướng vì không thể dựa trên các mã được thêm vào/loại ra khỏi các chỉ số để đầu tư nữa, và giao dịch trên thị trường sẽ không còn mạnh mẽ, ít nhất là đến lần điều chỉnh hàng quý lần sau.

Các quỹ: lỗ kép

Hiện tại, phần lớn các quỹ trong và ngoài nước đang thua lỗ nặng với giá trị tài sản ròng trên đơn vị âm so với mệnh giá và chứng chỉ quỹ đang giao dịch dưới NAV. Hầu hết các chứng chỉ quỹ (CCQ) đang giao dịch thấp hơn giá trị NAV trên 30%, trừ VF1 – Quỹ đầu tư Chứng khoán VN.

Còn Quỹ đầu tư DN hàng đầu VN VF4 do CTCP Quản lý quỹ đầu tư VN quản lý dưới sự giám sát của ngân hàng TNHH HSBC thì đang đoạt “ngôi vương” trong số các CCQ niêm yết về việc thua lỗ khi NAV giảm còn 6.254 tỉ đồng và so CCQ với mệnh giá đã mất 37% giá trị.

Ngay trong phiên giao dịch sôi động của các quỹ ETF 21/9 thì VF4 lại giao dịch ở mức 4.2, dưới giá trị NAV gần 33% và mất 58% so với mệnh giá. Rõ ràng, các nhà đầu tư đã không còn mặn mà với quỹ đầu tư.

Không chỉ thua lỗ do sụt giảm của thị trường, quỹ đầu tư còn chịu thiệt hại do tỉ giá. Giả sử một quỹ đầu tư nước ngoài tham gia thị trường VN trên 5 năm về trước thì ngoài việc thua lỗ do thị trường giảm giá, họ còn bị lổ kép do thiệt hại về tỷ giá.

Lấy ví dụ đơn giản: Tỉ giá USD do NH Ngoại Thương VN công bố ngày 16/9/2007 là 16.200đồng/USD và tỉ giá bán ra đồng USD ngày 13/9/2012 (thời điểm công bố NAV các quỹ) là 20.870 đồng. Mức chênh lệch về tỉ giá trong 5 năm xấp xỉ 29%.

Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài thông qua các quỹ cũng đang chịu thua lỗ do lạm phát và lãi suất thực âm. Một nhà đầu tư nước ngoài đã từng đặt bài toán đơn giản: Nếu anh có môt triệu đồng ở thời điểm năm 2010 có thể mua được 40 tô phở giá 25.000 đồng /tô ở quán A, và nếu anh gửi số tiền đó vào ngân hàng với lãi suất 15% năm để nhận lại 1,15 triệu vào năm sau, thì tổng 111,5 triệu đồng đó chỉ còn mua được 32 tô phở cũng ở chính quán đó. Qua đó, mức thiệt hại giá trị thật của các quỹ liệu có thể tính toán được?

Theo quan điểm của chúng tôi, do thua lỗ nên các quỹ đang phải gia tăng giá trị tài sản, thêm huy đống vốn. Đây cũng là một cách giúp quỹ đầu tư bình quân lỗ.

Giả sử anh có một khoản đầu tư ban đầu là 100 đồng, sau 2 năm còn lại 50 đồng tức mức lổ 50%, nếu gọi thêm vốn đầu tư 100 đồng thì tổng vốn 100+100 =200 và mức lổ giảm đi 50/(100+100) tương đương 25%, do vậy không chỉ các quỹ mà nhiều DN niêm yết cũng có vốn tăng dần qua các năm trong khi thị trường biến động ngày càng xấu đi.

Theo đó, cũng có thể thấy là sau một thời gian đầu tư vào VN, dù lãi hay lỗ, giá trị tài sản của các quỹ đã liên tục tăng. VF1 đã tăng từ 300 tỉ đồng năm 2004 lên 500 tỉ đồng năm 2006, sau đó là 1.000 tỉ năm 2007.

Quỹ FTSE Vietnam Index ETF có NAV biến động trong biên độ hẹp theo sát chỉ số Vn-Index nhưng tài sản ròng quỹ lại tăng 60 lần so với mức ban đầu. Nhà đầu tư rất khó căn cứ vào giá trị tài sản khổng lồ của các quỹ đầu tư đang “chôn” tại TTCK VN mà đánh giá đây vẫn là thị trường vô cùng hấp dẫn với các nhà đầu tư ngoại.

Tóm lại, ngay cả các quỹ, dù mở hay đóng cũng đang đứng trước “sóng to gió cả” và khó khăn chung của TTCK như vậy, liệu nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào một vài dự thảo, hành lang pháp lý sơ bộ để tăng thêm sức hấp dẫn của thị trường?

Theo báo cáo ngày 16/04/2012 của Cty LCF Rothschilds (Anh), VN đang có 32 quỹ đầu tư có tên tuổi và công khai thông tin đang hoạt động (còn khá nhiều quỹ đầu tư và nhà đầu tư tổ chức khác hoạt động ở trên thị trường song LCF Rothschilds không thể thu thập được số liệu trong báo cáo).

Theo báo cáo này, đa số các quỹ hoạt động ở thị trường VN đều có thời gian hoạt động từ 5-10 năm và đầu tư vào nhiều dạng tài sản như: cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư vốn trực tiếp, bất động sản, cơ sở hạ tầng và nguồn tài nguyên. Tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ đầu tư tại thời điểm 16/04/2012 là: 4,1 tỉ USD. Như vậy, so với lúc đỉnh cao (có tổng tài sản lên tới 6 tỉ USD) thì tại thời điểm này rõ ràng tính trung bình các quỹ ngoại đã thua lỗ hơn 31%...

Trong một báo cáo khác cũng của Rothschild (Anh) tại thời điểm giữa tháng 9, VN hiện đang có hơn 20 quỹ đầu tư đại chúng nước ngoài, có chứng chỉ quỹ niêm yết đang hoạt động tại TTCK.

Quy mô của các quỹ khá đa dạng, từ vài chục tới vài trăm triệu USD. Và mặc dù có quy mô đa đạng, có tổng giá trị tài sản lớn nhưng nhìn chung, các quỹ đều đang ở trong tình trạng cạn tiền mặt cũng như luôn có nhu cầu huy động tăng vốn.