“Sức khỏe” thật của thị trường
Trong thời gian qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng quá nhanh của nhiều cổ phiếu, cộng với việc ảnh hưởng của thị trường chứng khoán thế giới, khiến tính hấp dẫn của thị trường giảm sút, nguy cơ rủi ro tăng cao.
Năm 2018 có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ thị trường chứng khoán, tuy nhiên, định giá cổ phiếu trong năm nay có vẻ đã đắt đỏ hơn. Cuối năm 2017, dựa trên dự báo lợi nhuận của Top 70, P/E dự phóng năm 2018 là 18,8 lần. Trong khi đó, P/E hiện tại là 19,4 lần.
“Báo động” chỉ số P/E
Theo thống kê của các công ty chứng khoán, năm 2017, con số tăng trưởng lợi nhuận trung bình của các doanh nghiệp niêm yết đang đạt 20,5% trong khi mức tăng trưởng của các năm trước thường chỉ dao động 8-15%. Các chuyên gia tin rằng khi tổng hợp toàn bộ các báo cáo của năm 2017, con số có thể cao hơn, lên mức 23%.
Con số tích cực này trở thành trụ đỡ vững vàng cho giá cổ phiếu doanh nghiệp thăng hoa. Trong đó, những cổ phiếu có mức tăng giá tốt, dẫn dắt thị trường vẫn đến từ các ngành bán lẻ,bất động sản, ngân hàng, dịch vụ tài chính, thực phẩm đồ uống. Nhiều chuyên gia tài chính dự báo, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn tiếp tục xu hướng tăng trong năm nay.
Từ đầu năm đến nay, nhiều bluechip đã có mức tăng giá ấn tượng, khiến P/E tăng lên nhanh chóng. Theo một báo cáo mới nhất, các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn hiện đã trở nên quá đắt đỏ khi chỉ số P/E bình quân của Top 10 là gần 35.
Điển hình như GAS, tính đến phiên giao dịch ngày 2/3, cổ phiếu này đã tăng 22,7%, so với đầu năm, lên mức giá 117.000 đồng/ cổ phiếu, hệ số P/E đạt hơn 27 lần; VRE cũng tăng 17% từ đầu năm đến nay, hệ số P/E đạt 52,4 lần.
Mức P/E cao cho thấy nhà_đầu tư đang chú tâm hơn tới yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, kỳ vọng nhiều hơn đối với tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm mới. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những cổ phiếu P/E cao một cách khó hiểu.
Điển hình như ROS, hệ số P/E của cổ phiếu này đã lên tới hơn 78 lần, với mức vốn hóa đạt 66.314 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh không có gì nổi bật.
Cổ phiếu KPF của CTCP Tài chính Tân Hoàng Minh đã có 22 phiên tăng trần liên tiếp, trước khi giảm điểm, và duy trì giao dịch trồi sụt từ giữa tháng 1 đến nay, chốt phiên giao dịch ngày 2/3, cổ phiếu này giao dịch tại mức giá 35.400 đồng/ cổ phiếu. Hệ số P/E của cổ phiếu KPF đạt 36,7 lần, trong khi EPS năm 2017 đạt 960 đồng.
Một cái tên khác là cổ phiếu HAR của CTCP Đầu tư thương mại bất động sản An Dương Thảo Điền_cũng đang có xu hướng tăng trưởng. Cổ phiếu này đã tăng 30% kể từ đầu năm đến nay, hệ số P/E đạt 40 lần trong khi EPS năm 2017 là 270 đồng.
Trên thực tế, không thể không tính đến việc hệ số P/E cao không phải do giá thị trường của cổ phiếu, mà do thu nhập EPS của công ty đang ở mức thấp, điều này cho thất khả năng sinh lời của doanh nghiệp này thấp.
Tháng 2 vừa qua, thị trường thế giới đánh dấu một tháng đầy sóng gió của phố Wall kể từ năm 2008. Nhà đầu tư lo lắng về việc Fed buộc phải tăng lãi suất do nền kinh tế đã phát triển quá nóng và chính sách giảm thuế. Bên cạnh đó, Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ sẽ thực hiện áp thuế nhập khẩu 25% cho thép và 10% cho nhôm.
Sẽ có thêm nhiều cú sốc?
Những nguyên nhân này khiến thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận chỉ số Dow Jones, S&P 500, Nasdaq tiếp tục giảm.
Bên cạnh đó, trong đợt tái cấu trúc sắp tới của các quý ETF, nhiều khả năng cổ phiếu VRE sẽ được bổ sung vào cả hai rổ chỉ số FTSE Vietnam Index và MVIS Vietnam Index với tỷ trọng lớn, đồng nghĩa với việc có khá nhiều cổ phiếu lớn khác sẽ bị hạ tỷ trọng để cân bằng danh mục. Đây sẽ là một lượng cung đáng kể cho thị trường.
Hơn nữa, đại đa số các nhà đầu tư đều có xu hướng co hẹp danh mục cổ phiếu, nhóm cổ phiếu ngân hàng – bất động sản vẫn là chủ yếu, nhưng sẽ sẵn sàng thoát ra bất cứ lúc nào để bảo toàn thành quả đạt được của năm 2017.
Chính sách siết chặt tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, kiểm soát tín dụng tiêu dùng cũng là một trong những yếu tố rủi ro cho thị trường trong thời gian tới.
Ngoài ra, không thể không nhắc đến chính sách điều chỉnh tỷ lệ ký quỹ (margin) của Ủy ban chứng khoán Nhà nước trong thời gian tới đây nhằm điều chỉnh sự biến động khôn lường của margin thời gian qua.
Theo HSC, triển vọng thị trường sẽ tích cực cho đến mùa hè, nhưng sau đó, tình hình nhiều khả năng kém khả quan.
Cũng theo HSC, thị trường chứng khoán Việt Nam đang phụ thuộc không nhỏ vào các yếu tố bên ngoài như diễn biến trên thị trường Mỹ, dòng vốn đầu tư toàn cầu trước động thái tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Rủi ro của thị trường năm nay được nhận định lớn hơn năm 2017.
Biện pháp chuẩn bị cho việc điều chỉnh thị trường bớt nóng, tránh đột ngột rơi sốc, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư của các cơ quan quản lý dường như vẫn còn bỏ ngỏ.