Sức lan tỏa của chính sách nhà ở cho dân
(Tài chính) Hơn 2 năm trước, khi chính sách Chiến lược nhà ở quốc gia được đưa ra, dư luận xã hội râm ran chuyện có mơ cũng không được an cư. Tuy nhiên, đến thời điểm này có thể khẳng định rằng chính sách đã điểm đúng huyệt, đi vào cuộc sống, đã có hàng trăm dự án được triển khai tiếp nhận hàng vạn gia đình có khó khăn về nhà ở có nhà.
Cầu vượt cung
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng tại Hội nghị trực tuyến ngành xây dựng tổ chức ngày 16.1, đến nay, cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 102 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 38 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng 19.686 căn hộ; 64 dự án nhà ở cho công nhân, với quy mô xây dựng 20.277 căn hộ. Hiện đang tiếp tục triển khai 150 dự án, trong đó có 91 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 55.830 căn hộ; 59 dự án nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 66.753 căn hộ. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai TP dẫn đầu cả nước về nhu cầu nhà ở xã hội. Nếu như TP Hồ Chí Minh cần khoảng 130.000 căn thì Hà Nội cũng cần khoảng trên 115.000 căn. Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho biết, hiện TP Hồ Chí Minh có khoảng 30 nghìn người đang có nhu cầu bức thiết về nhà ở. Thực tế, số người đang rất cần nhà ở còn cao hơn nhiều. Riêng ngành giáo dục đã có khoảng 20 nghìn người có nhu cầu mua nhà ở xã hội. Bên cạnh số lượng cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang hưởng lương trực tiếp từ ngân sách còn có lực lượng cán bộ Trung ương đóng trên địa bàn và người thu nhập thấp. Đồng quan điểm, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục nhấn mạnh, nhà ở là vấn đề đại sự đối với từng gia đình. Việc xây dựng nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu rộng rãi của một bộ phận to lớn người dân. Theo số liệu thống kê, trong các năm 2013, 2014, Hà Nội đã hoàn thành 9 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, với gần 6 nghìn căn hộ được đưa vào sử dụng. Nếu tính cả nguồn cung căn hộ tương lai thì cũng sẽ khó đáp ứng nổi con số 115.000 căn.
Chỉ cần 310 triệu đồng có nhà xã hội
Là doanh nghiệp rất thành công trong việc xây dựng nhà ở xã hội, Tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera Nguyễn Anh Tuấn cho biết, đến thời điểm này Tổng công ty Viglacera đã triển khai và bán hơn 10 nghìn căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Tổng công ty Viglacera đang tiếp tục triển khai một dự án khu nhà ở thu nhập thấp tại Đặng Xá - Gia Lâm. Khu nhà này bao gồm 5 khối nhà D5, D6, D7, D8, D9 được xây dựng trên lô đất diện tích 3,7ha. Mỗi tòa nhà cao 6 tầng, có thang máy và thiết kế hiện đại, tầng 1 làm chức năng sinh hoạt cộng đồng và để xe, số lượng các tầng có khoảng 1.139 căn.
Các căn hộ được thiết kế với nhiều loại diện tích, từ 35,8m2 đến 69,5m2, giá bán dự kiến dưới 9 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT và phí bảo trì). Như vậy chỉ với từ 310 triệu đồng, khách hàng đã có cơ hội sở hữu một căn hộ chung cư chất lượng tốt. Bên cạnh đó, khách hàng mua nhà ở xã hội còn được hưởng gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng của Chính phủ. Theo đó khách hàng sẽ được vay đến 80% giá trị căn hộ trong vòng 10 năm với mức lãi suất không vượt quá 6%/năm, tài sản thế chấp chính là căn hộ vừa mua. Thuế VAT áp dụng mức 5%.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Quân Trương Anh Tuấn cho biết, với gần 6.000 căn hộ, các dự án nhà ở xã hội đang triển khai đã góp phần rất lớn trong công tác hiện thực hóa Chiến lược nhà ở quốc gia của Chính phủ. Tổng giám đốc Tổng công ty 789 (Bộ Quốc phòng) Nguyễn Quốc Dũng cho biết, trước kia doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn như nợ đọng kéo dài, chưa có cơ chế giám sát năng lực của chủ đầu tư. Tuy nhiên, từ khi Luật Xây dựng được QH thông qua với những quy định chặt chẽ, cụ thể đã tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp. Luật đã chú trọng đến khâu tiền kiểm thay vì hậu kiểm, từ đó nâng cao chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư....
Chuyển đổi nhà ở thương mại để cân đối lệch pha
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay khi mà nhu cầu nhà ở xã hội đang vượt cung, đồng thời cũng để giải quyết tồn đọng phân khúc nhà ở thương mại thì các doanh nghiệp nên chuyển đổi sang nhà ở xã hội. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, việc tổ chức xem xét, cho phép chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, cho phép điều chỉnh cơ cấu diện tích các căn hộ nhà ở thương mại cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, phù hợp với tiêu chí cho vay theo Nghị quyết 02 của Chính phủ cũng đã được tính toán triển khai. Đến nay, Hà Nội đã có 15 dự án kiến nghị được chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, với tổng số căn hộ dự kiến chuyển đổi khoảng 5.500 căn hộ nhà ở thương mại thành 10.600 căn hộ nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã chấp thuận chủ trương cho phép chuyển đổi 6 dự án, ngoài ra còn 6 dự án đang tiếp tục xem xét. Đã có 25/30 dự án nhà ở thương mại được điều chỉnh cơ cấu, với số lượng khoảng 14.300 căn hộ, tăng trên 4.400 căn.
Đối với TP. Hồ Chí Minh cũng đã xem xét 26 dự án, trong đó 10 dự án chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, với số lượng căn hộ xin chuyển sang làm nhà ở xã hội khoảng 10.200 căn hộ, tăng trên 4.300 căn hộ; 15 dự án điều chỉnh cơ cấu căn hộ với số lượng căn hộ thương mại điều chỉnh khoảng 10.700 căn hộ, tăng trên 2.400 căn hộ. Đại diện lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian tới thành phố sẽ làm việc với các quận, huyện xác định các quỹ đất công để làm nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, thành phố cũng tiến hành rà soát 150 dự án bồi thường dở dang do thiếu vốn không thể triển khai để kêu gọi các doanh nghiệp tham gia làm nhà ở xã hội.
Có thể trong thời điểm kinh tế còn khó khăn nhưng với trách nhiệm là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về nhà ở, trong thời gian qua Bộ Xây dựng đã hiến kế nhiều chính sách góp phần quan trọng đúng với tinh thần của Hiến pháp 2013 là quyền có chỗ ở của người dân.
+ Về chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, đến tháng 12.2014 đã thực hiện hỗ trợ cho 40.809 hộ, trong đó có 34.060 hộ đã hoàn thành và 6.763 hộ đang triển khai. Bộ Tài chính đã thực hiện giải ngân 1.900 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương (đạt 84%);
+ Về chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long (giai đoạn 2): đã cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng 178/179 cụm, tuyến dân cư và bờ bao, bố trí cho 42.792/56.520 hộ dân thuộc đối tượng thụ hưởng chương trình vào ở (đạt tỷ lệ 75,7%).
+ Về chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh lũ, lụt khu vực miền Trung theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28.8.2014 của Thủ tướng Chính phủ, tổng số hộ cần hỗ trợ là 40.500 hộ, kinh phí dự kiến 1.157 tỷ đồng. Chương trình triển khai từ tháng 9.2014, đến nay các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc rà soát đối tượng, phê duyệt đề án để thực hiện hỗ trợ.
+ Về chương trình 167 giai đoạn 2: dự kiến hỗ trợ cho 510.700 hộ. Theo đó, Bộ Xây dựng đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình để thực hiện trong năm 2015.