Sức mạnh công nghệ của AI và điện toán đám mây


Chúng ta đang cùng thế giới đứng trước sự thay đổi mang tính bước ngoặt quan trọng, với sự kết hợp giữa sức mạnh của công nghệ trí tuệ nhân tạo AI và điện toán đám mây.

Hội thảo ngày An toàn thông tin Việt Nam 2023" có chủ đề "An toàn dữ liệu trong thời đại điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo". Ảnh: VGP/LS
Hội thảo ngày An toàn thông tin Việt Nam 2023" có chủ đề "An toàn dữ liệu trong thời đại điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo". Ảnh: VGP/LS

Ngày 30/11, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (Vnisa) phối hợp với Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức Hội thảo – Triển lãm quốc tế ngày An toàn thông tin Việt Nam 2023, có chủ đề "An toàn dữ liệu trong thời đại điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI)".

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông  nhấn mạnh, chúng ta đang cùng thế giới đứng trước sự thay đổi mang tính bước ngoặt quan trọng, với sự kết hợp giữa sức mạnh của công nghệ trí tuệ nhân tạo AI và điện toán đám mây. Chúng có thể mở ra cánh cửa cơ hội lớn, đồng thời cũng đặt ra những thách thức rất lớn về quản trị và an toàn dữ liệu.

Hiện nay, 60% dữ liệu doanh nghiệp trên thế giới được lưu trữ trên đám mây. Chi tiêu của người dùng cuối trên toàn thế giới cho các dịch vụ đám mây công cộng ước tính lên tới 597,3 tỷ USD trong năm 2023. Riêng 3 công ty điện toán đám mây lớn nhất thế giới chiếm 58% thị phần toàn cầu.

Tuy nhiên, chi phí trung bình cho một vụ vi phạm dữ liệu cũng đạt mức cao kỷ lục, 4,45 triệu USD.

Trí tuệ nhân tạo cũng đang trở thành công nghệ chiến lược, mũi nhọn để các nước trên thế giới, các tập đoàn công nghệ tìm kiếm sự thống trị, dẫn dắt trong cuộc cạnh tranh công nghệ toàn cầu. Đặc biệt, AI cũng sẽ cần một lượng dữ liệu khổng lồ được thu thập và phân tích.

Theo ông Nguyễn Thành Hưng - Chủ tịch Vnisa, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, năm 2023 đánh dấu sự bùng nổ của công nghệ đám mây và AI. Tuy nhiên, sự bùng nổ của điện toán đám mây và AI dấy lên những lo ngại và thách thức lớn hơn bao giờ hết cho sự đảm bảo an toàn thông tin của cá nhân, tổ chức, trong đó đặc biệt là an toàn dữ liệu vì dữ liệu là nền tảng gốc.

Chủ tịch Vnisa cũng cho biết, đơn vị này mới tiến hành khảo sát năm 2023 với gần 200 tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam về công tác đảm bảo an toàn thông tin. 

Kết quả, vẫn còn tồn tại một số vấn đề như thiếu hụt nguồn nhân lực và kinh phí cho công tác đảm bảo an toàn thông tin; 26% tổ chức, doanh nghiệp cho rằng các nền tảng điện toán đám mây chưa an toàn và đủ tin cậy; gần 35% chưa có ý định đưa các ứng dụng và dịch vụ lên điện toán đám mây.

Có 45% tổ chức, doanh nghiệp chưa ứng dụng trong công việc các công nghệ trên nền tảng trí tuệ nhân tạo như ChatGPT, Chatbot, BingAI...

Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, khi cùng hòa vào làn sóng công nghệ của thế giới, điều quan trọng là chúng ta cần nhanh nhạy nắm bắt thời cơ và kịp thời tìm ra những giải pháp để chủ động ứng phó với rủi ro có thể xảy ra. An toàn để phát triển, thay vì đứng nhìn và tụt lại phía sau.

Vì vậy, mỗi bộ, ngành cần tự nhận thức được nguyên tắc "thực sao ảo vậy". Tức là cơ quan, tổ chức nào quản lý cái gì trong đời thật thì cũng sẽ quản lý cái đó trên không gian mạng. Như vậy mới đủ nguồn lực làm không gian mạng lành mạnh và trong sạch.

Đồng thời, phải nâng câo nhận thức, kỹ năng an toàn thông tin cho tất cả cán bộ của tổ chức, ưu tiên sử dụng sản phẩm, giải pháp và dịch vụ của doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam.

Thực tiễn đã chứng minh Việt Nam có chuyên gia giỏi, đầy đủ sản phẩm, giải pháp đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí kỹ thuật, phù hợp với nhu cầu của tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam.

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, Bộ Thông tin và truyền thông đã khai trương "Nền tảng hỗ trợ quản lý bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ"

Đây được coi là bước ngoặt quan trọng trong hoạt động chuyển đổi số về quản lý và tổ chức thực thi công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng nói chung và bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ nói riêng. Nền tảng cung cấp một công cụ quản lý đồng bộ, tập trung công tác quản lý nhà nước về an toàn thông tin từ Trung ương tới địa phương. Mỗi bộ, ngành, địa phương sẽ sử dụng nền tảng để quản lý tổng thể công tác bảo đảm an toàn hệ thống thông tin thuộc phạm vi của mình.

Theo Hiền Minh/baochinhphu.vn