Sức mạnh của dân ở khu vực kinh tế tư nhân sẽ tạo ra nguồn lực lớn lành mạnh và bền vững

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Trong tuần qua, đã diễn ra hai sự kiện kinh tế quan trọng là Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2014 và Diễn đàn Quan hệ đối tác phát triển Việt Nam. Theo nhiều chuyên gia, đối tác phát triển nước ngoài đánh giá kinh tế nước ta có dấu hiệu phục hồi thông qua các chỉ số kinh tế vĩ mô. Trong kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của người dân ở khu vực kinh tế tư nhân.

Sức mạnh của dân ở khu vực kinh tế tư nhân sẽ tạo ra nguồn lực lớn lành mạnh và bền vững
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Sự tin tưởng của các chuyên gia, đối tác nước ngoài vào sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở. Trong năm 2014, nước ta đã đạt được kết quả khá toàn diện trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có phát triển kinh tế. Cụ thể, lạm phát được kiểm soát ở mức khoảng 3%, bội chi ngân sách ở mức 5,3% và bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn, tăng trưởng GDP đạt 5,9%. Đáng mừng là tăng trưởng xuất khẩu đạt 13%, với tổng kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên đạt mức 150 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với trước khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Và việc xuất siêu trong 3 năm liền cho thấy, chất lượng và giá bán của hàng hóa xuất khẩu nước ta có đủ sức cạnh tranh với nhiều quốc gia và đã nhận được sự tin tưởng của các bạn hàng. Trên thị trường tài chính, Việt Nam thành công trong việc tăng dự trữ ngoại tệ và luôn bảo đảm 12 tuần nhập khẩu trở lên. Giá trị đồng tiền Việt Nam cũng được kiểm soát, bảo đảm, nên các doanh nghiệp và đối tác đầu tư, kinh doanh đều yên tâm.
Tuy nhiên, các chuyên gia nước ngoài đánh giá, trong thành công của việc ổn định tỷ giá, lãi suất, nếu lạm phát được kiểm soát ở mức 5% cũng sẽ tạo thuận lợi cho nền kinh tế phát triển. Những chính sách này cần phải tiếp tục được bảo đảm ổn định lâu dài trong chiến lược tăng trưởng, cũng như có giải pháp để tăng thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng, cải cách thị trường tài chính... Bên cạnh đó, Việt Nam cần có một kế hoạch rõ ràng về giải quyết nợ xấu trong quá trình thực hiện cải cách ngành ngân hàng. Theo các đối tác phát triển, những nỗ lực tăng cường khung pháp lý cho hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng gần đây là rất quan trọng, song phải trả lời câu được hỏi lấy vốn ở đâu ra để giải quyết nợ xấu? Nếu không có giải pháp đáng tin cậy thì các ngân hàng sẽ ngần ngại khi doanh nghiệp tư nhân vay vốn, nhất là doanh nghiệp nhỏ. Một lĩnh vực nữa mà các nhà tài trợ đang mong chờ ở Việt Nam là đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, cụ thể là tăng đầu tư công và gấp rút hoàn thành cổ phần hóa 432 tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong hai năm 2014 - 2015, hướng đến một nền kinh tế thị trường có kỷ luật và phân chia lợi ích công bằng.

Cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đặt kỳ vọng vào cơ hội đầu tư - kinh doanh sau khi các hiệp định thương mại song phương và đa phương được ký kết, sự hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. Nhưng đi kèm với thuận lợi thì Việt Nam phải tạo được sức hấp dẫn, cạnh tranh mới khi hạn mức về thuế quan trong khu vực này sẽ không còn. Những cải cách của ngành thuế, hải quan cần nhân rộng ra các ngành khác để tạo bước chuyển mạnh mẽ trong cơ quan quản lý nhà nước. Việc cải cách thủ tục hành chính cũng phải bảo đảm sự hài hòa với khu vực, thực hiện chương trình cải cách tư pháp nhằm tăng cường các thiết chế pháp lý, tạo môi trường kinh doanh không chỉ thuận lợi mà còn an toàn cho người dân và doanh nghiệp.

Một vấn đề quan trọng nữa trong phát triển kinh tế của nước ta, cải cách thể chế phải khơi dậy toàn bộ sức mạnh của người dân, phát huy khu vực tư nhân sẽ tạo nguồn lực lớn cho xã hội, tạo ra ngành công nghiệp phụ trợ. Để thực hiện mục tiêu này cần tăng thêm số lượng doanh nghiệp tư nhân và làm cho các doanh nghiệp đó mạnh lên. Khu vực tư nhân phải được đối thoại với cơ quan công quyền để đưa ra những chính sách đồng bộ, khả thi. Khu vực này cũng cần được tiếp cận về vốn, tài nguyên và khoa học công nghệ, thông tin để sẵn sàng hội nhập, kinh doanh hiệu quả hơn, từ đó giúp nền kinh tế nước ta phát triển lành mạnh, bền vững hơn.

Năm 2015, Chính phủ xác định, tập trung điều hành theo hướng tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn, vững chắc hơn, phấn đấu đưa mức tăng trưởng GDP đạt 6,2%. Chủ động kiểm soát lạm phát trong năm 2015 khoảng 5%, giảm nhanh nợ xấu còn 3%. Do vậy, rất cần sự nỗ lực, tập trung của các các bộ, ngành phối hợp trong việc hoàn thiện hệ thống chính sách và cả quá trình thực hiện những chính sách này.