Sức mạnh kinh tế, tài chính thế giới sẽ thuộc về Trung Quốc

Theo CafeF

Nhà lãnh đạo nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ phải đương đầu với thực tế: sức mạnh kinh tế, tài chính đang chuyển sang một số nước khác, đứng đầu là Trung Quốc.

Thế giới ngỡ ngàng nhìn Trung Quốc

 

Trong bối cảnh thế giới đang trải qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế tệ hại nhất từ thời Đại Suy thoái, một trật tự thế giới đang được lập lại với trọng tâm hướng về Trung Quốc. Những số liệu đã công bố nói lên rất nhiều điều. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP toàn cầu năm 2009 sẽ có thể tăng trưởng âm 1,3%. Trung Quốc dù vậy vẫn sẽ tăng trưởng từ 6,5% đến 8,5%.

 

Quý 1/2009, thị trường chứng khoán thế giới hạ 4,5%. Thị trường chứng khoán Trung Quốc tương phản hoàn toàn, chỉ số Shanghai Composite tăng 38%. Tháng 3/2009, doanh số ô tô tại Trung Quốc đạt mức kỷ lục 1,1 triệu xe, vượt qua doanh số ô tô Mỹ tháng thứ 3 liên tiếp.

 

Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nhận xét dù khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với kinh tế Trung Quốc, khủng hoảng còn mang lại cả những cơ hội. Với tiềm lực tài chính hiện tại, Trung Quốc có cơ hội thể hiện sức mạnh của mình.

 

Nhận ra thời điểm quan trọng đã đến, Trung Quốc quyết định đóng vai trò quan trọng và tích cực hơn trong đấu trường tài chính quốc tế. Với dự trữ ngoại tệ lên tới 2 nghìn tỷ USD, các công ty Trung Quốc đã đi khắp thế giới để mua lại công ty và nguồn năng lượng ở châu Phi, Mỹ Latinh, Nga và Kazakhstan.

 

Ở nội địa, chính phủ đầu tư mạnh tay vào các dự án cơ sở hạ tầng và các chương trình phúc lợi xã hội, hệ thống y tế và một số dự án phát triển nông thôn. Mục tiêu chính của các biện pháp trên là thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa khu vực thành thị và nông thôn.

 

Chính quyền của Tổng thống Obama không khỏi ngỡ ngàng trước những gì Trung Quốc đang làm. Họ coi tăng trưởng GDP của Trung Quốc như một sự điều chỉnh phù hợp trong bối cảnh các nền kinh tế khác đi xuống, ngoại trừ Ấn Độ. Vì thế Mỹ đã ngừng kêu ca về việc Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ so với USD, hàng Trung Quốc trở nên rẻ, hàng Mỹ vì thế mất lợi thế cạnh tranh tại thị trường nước ngoài.

 

Bí quyết thành công của Trung Quốc

 

Vậy bí quyết thành công của Trung Quốc trong thời kỳ tệ hại hiện nay là gì? Thứ nhất, hệ thống ngân hàng chịu sự quản lý chặt chẽ của nhà nước, hệ thống ngân hàng có nguồn tiền dồi dào trong khi tín dụng ngân hàng tại Mỹ và châu Âu cạn kiệt. Chi tiêu tiêu dùng và đầu tư vốn tại Trung Quốc vì thế vẫn tăng nhanh.

 

Từ khi đi theo đường lối của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình năm 1978, kinh tế Trung Quốc đã trải qua nhiều thăng trầm trong đó có lạm phát tăng cao, giảm phát, suy thoái, trình độ phát triển của các khu vực không cân xứng, chênh lệch giàu nghèo, sự khác biệt về cuộc sống thành thị và nông thôn sâu sắc.

 

Chính phủ Trung Quốc ứng phó với việc này bằng một loạt chính sách tài khoá và tiền tệ, như điều chỉnh tỷ lệ lãi suất, nguồn cung tiền, và đạt được thành công vang dội hơn thế hệ lãnh đạo trước. Lý do chính cho điều này là hệ thống ngân hàng chịu sự điều tiết chặt chẽ của nhà nước đóng vai trò là nơi giữ tiền tiết kiệm bắt buộc của tất cả các thành viên.

 

Chính sách “mỗi cặp vợ chồng một đứa trẻ” được đưa vào thực tế năm 1980 để kiềm chế tăng trưởng dân số quá nhanh của Trung Quốc, chính phủ giảm hỗ trợ đối với nhân viên làm việc trong doanh nghiệp nhà nước, các bậc cha mẹ vì thế buộc phải tiết kiệm. Chương trình chăm sóc sức khoẻ khu vực nông thôn sụp đổ, nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc không còn được đảm bảo về việc được chăm sóc sức khoẻ, họ càng có lý do để dành tiền nhiều hơn. Tỷ lệ tiết kiệm tăng cao, nguồn tiền của ngân hàng do nhà nước nắm giữ ngày một dồi dào.

 

Trung Quốc chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, xuất khẩu sau đó tăng mạnh, tăng trưởng kinh tế trung bình đạt 12%/năm.

 

Tín dụng tại Bắc Mỹ và châu Âu trở nên cạn kiệt, nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc giảm, hàng triệu công nhân Trung Quốc làm việc tại nhà máy thuộc khu công nghiệp ven biển mất việc, chính phủ Trung Quốc tập trung vào kiểm soát tình trạng thất nghiệp và đảm bảo mức lương cho những người đang còn làm việc.

 

Tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị hiện nay chỉ là 4,2% bởi nhiều công nhân bị sa thải đã trở về quê hương. Những ai trở về nông thôn được khuyến khích tham gia vào chương trình đào tạo của chính phủ để có thể có kỹ năng nghề nghiệp tốt hơn trong tương lai.

 

Trong khi các nhà lãnh đạo phương Tây không làm được điều gì hơn là trừng phạt những nhân vật cộm cán ngành ngân hàng về việc nhét đầy túi tiền thưởng dù ngân hàng của họ làm ăn thua lỗ, chính phủ Trung Quốc buộc quản lý hàng đầu tại các công ty nhà nước hạ lương khoảng 15% đến 50%

 

Để đảm bảo tăng trưởng cho nền kinh tế mà sự tăng trưởng này phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng năng lượng, công ty năng lượng nhà nước Trung Quốc đang ký nhiều hợp đồng năng lượng tương lai với tập đoàn nước ngoài.

 

An ninh năng lượng

 

Khi Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu dầu vào năm 1993, cứ sau 3 năm, lượng nhập khẩu dầu lại tăng gấp đôi. Trung Quốc vì vậy dễ chịu ảnh hưởng của biến động trên thị trường năng lượng quốc tế, chính phủ cũng chú ý đến vấn đề năng lượng trong các chính sách ngoại giao.

 

Một số công ty năng lượng nhà nước Trung Quốc đã tham gia vào dự án khai thác năng lượng ở nước ngoài. Cho đến nay, việc đa dạng nguồn năng lượng của Trung Quốc đã trở thành trung tâm của chính sách ngoại giao.

 

Lo ngại về biến động tại Trung Đông, nguồn cung cấp dầu hàng đầu của thế giới, công ty năng lượng Trung Quốc lùng sục khắp châu Phi, Úc, và châu Mỹ - Latinh để tìm kiếm nguồn dầu, khí gas tự nhiên và nhiều khoáng sản khác cần thiết để phát triển công nghiệp và xây dựng. Tại châu Phi, Trung Quốc hướng mục tiêu đến Angola, Cônggô, Nigeria và Xuđăng. Năm 2004, lượng nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ 3 nước này tương đương 3/5 lượng nhập khẩu dầu từ khu vực vịnh Ba Tư.

 

Trung Quốc đã dừng hợp đồng năng lượng với Nga và nước Kazakhstan thuộc Trung Á thậm chí từ trước khi giá dầu hạ mạnh và tín dụng toàn cầu thắt chặt.

 

Nay khi giá dầu hạ mạnh, tín dụng khó khăn, công ty năng lượng hàng đầu của Nga đã đồng ý cung cấp cho Trung Quốc 300 nghìn thùng dầu/ngày trong khoảng thời gian 25 năm để nhận được khoản vay 25 tỷ USD từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc. Ngân hàng Xăng dầu Trung Quốc đã đồng ý cho Kazakhstan vay 10 tỷ USD như một phần trong trong hợp tác phát triển dự trữ hydrocarbon.

 

Trung Quốc cũng tiến hành nhiều biện pháp thâm nhập vào khu vực sản xuất xăng và khí đốt của khu vực Nam Mỹ. Khi quan hệ giữa Tổng thống Hugo Chavez và Tổng thống Bush xấu đi, quan hệ giữa Venezuela và Trung Quốc được củng cố nhiều hơn.

 

Năm 2006, Tổng thống Hugo Chavez cho biết lượng xuất khẩu dầu từ nước này sang Trung Quốc sẽ tăng 3 lần trong 3 năm. Theo một dự án mới, các công ty Trung quốc sẽ xây dựng nhà máy tại Venezuela để khai thác mỏ dầu mới tại nước này.

 

Đồng nhân dân tệ có trở thành đồng tiền quốc tế không?

 

Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đã bắt đầu quốc tế hoá đồng nhân dân tệ. Trung Quốc đang trong quá trình đẩy mạnh việc sử dụng đồng nhân dân tệ tại Hồng Kông. Là một phần của Trung Quốc, Hồng Kông cũng có đồng nội tệ riêng là đô la Hồng Kông. Hồng Kông là một trong những thị trường tài chính tự do nhất thế giới, thoả thuận này sẽ giúp quốc tế hoá đồng nhân dân tệ.

 

Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào đầu tháng 4/2009 bàn luận khá nhiều về những gì Trung Quốc đã làm. Hội nghị phân tích về tình hình khủng hoảng tài chính hiện nay và đưa ra giải pháp táo bạo.

 

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên đề cập đến khủng hoảng tài chính toàn cầu đã gây xáo trộn đến thế giới. Nhớ lại tháng 8/1971 khi cựu Tổng thống Richard Nixon loại bỏ USD khỏi chế độ bản vị vàng.

 

Thời điểm đó, đồng USD được coi là đồng tiền dự trữ chính của thế giới. Từ năm 1971, sức mạnh của USD được củng cố bởi uy tín và kinh tế của nước Mỹ.

 

Chỉ riêng trong khoảng 1994 đến hết năm 2000, có 9 nước với cuộc khủng hoảng kinh tế gây ảnh hưởng lên kinh tế toàn cầu: Mêhicô (1994), Thái Lan-Indonexia-Malaysia-Hàn Quốc-Philippin (1997-1998), Nga và Brazil (1998) và Achentina (2000).

 

Theo ông Chu, khủng hoảng tài chính là kết quả của việc nhu cầu của nước phát hành đồng tiền dự trữ không hợp với nhu cầu tài chính quốc tế. Ví như để giải quyết những khó khăn sau vụ khủng bố ngày 11/09, Ngân hàng Trung ương Mỹ hạ lãi suất xuống mức 1% để kích cầu nội địa ở thời điểm nhiều nền kinh tế khác bên ngoài nước Mỹ cần tỷ lệ lãi suất cao hơn để làm dịu tăng trưởng tại nước họ.

 

Ông sau đó nói tới đồng SDR (Special Drawing Rights) của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). SDR. SDR là một đơn vị thanh toán do IMF đề xướng năm 1969, tổng hòa giá trị của đồng USD, đồng bảng Anh, đồng euro châu Âu và đồng yên Nhật, dùng làm đồng tiền dự trữ quốc tế, nhưng cho đến nay chỉ được sử dụng bởi các chính phủ và các tổ chức tài chính quốc tế.

 

Ông Chu nhấn mạnh rằng SDR vẫn chưa phát huy hết vai trò. Ông cho rằng nếu đồng SDR được phát huy đầy đủ vai trò, một ngày đồng tiền này sẽ có thể trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới. Ý tưởng của ông Chu nhận được phản hồi tích cực từ phía Nga, nước này đưa ra ý kiến nên đưa vàng vào rỏ tiền tệ của IMF như một yếu tố ổn định.

 

Đồng rúp hiện nay đang được neo vào một rỏ tiền tệ trong đó bao gồm 55% đồng euro và 45% là USD. Chỉ trong 1 thập kỷ, đồng euro đã trở thành loại tiền tệ được dự trữ nhiều thứ 2 trên thế giới. 30% dự trữ tiền tệ trên thế giới là đồng euro, 67% là đồng USD.

 

Bộ trưởng Tài chính Mỹ ngay lập tức phản ứng với ý kiến của ông Chu: “Ý kiến của phía Trung Quốc rất đáng để cân nhắc.” Thị trường tài chính Mỹ đang căng thẳng coi đây như một dấu hiệu cho thấy đồng USD đang mất đi vị thế hàng đầu. Tổng thống Obama lên tiếng: “Tôi không nghĩ thế giới cần một loại tiền tệ toàn cầu. Đồng USD hiện vẫn rất mạnh.”

 

Trên thực tế, với tính cách thận trọng vốn có của người Trung Quốc, ông Chu không bao giờ đề cập đến vị thế của USD trong các bài phát biểu của mình, ông cũng không nói rằng đồng nhân dân tệ nên được đưa vào những đồng tiền đứng đầu ông đề xuất ra.

 

Tất cả dấu hiệu hiện nay cho thấy Mỹ sẽ không thể có lại được vị trí hàng đầu sau khủng hoảng. Những năm tới, nhà lãnh đạo nền kinh tế hàng đầu thế giới này sẽ phải đương đầu với thực tế sức mạnh kinh tế đang chuyển dời, sức mạnh tài chính đang dần chuyển sang những khu vực thịnh vượng khác của thế giới, đặc biệt là Trung Quốc.