Tác hại của hàng hóa không rõ xuất xứ, gắn nhãn mác Việt Nam

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Tại một số cửa khẩu biên giới đã xuất hiện thực trạng hàng hóa không rõ xuất xứ, gắn mác hàng Việt Nam. Đáng lo ngại hơn là số hàng hóa này sau khi nhập lậu, được dán nhãn mác thành hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, gây tác hại không nhỏ đối với sản xuất trong nước, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu hàng Việt.

Tại Chi cục Hải quan Cốc Nam, xã Tân Mỹ, Văn Lãng, Lạng Sơn, lực lượng hải quan và cơ quan chức năng đã phát hiện và thu giữ nhiều vụ vận chuyển hàng lậu từ Trung Quốc sang Việt Nam, có gắn mác Made in Vietnam. Các mặt hàng bị thu giữ đa dạng về chủng loại, từ quần áo, giày dép, túi xách, linh kiện điện tử, vải da, đến thiết bị xây dựng.

Đáng chú ý là tại kho lưu giữ hàng hóa này còn có cả sản phẩm mang thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao như Bóng đèn Rạng Đông - một thương hiệu Việt có tiếng trên thị trường nhiều năm qua. Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cốc Nam, tỉnh Lạng Sơn Phan Cảnh Thành cho biết, chi cục đã phát hiện và xử lý những đối tượng vận chuyển những hàng hóa nhái Việt Nam sản xuất tại Trung Quốc nhưng mang thương hiệu xuất xứ tại Việt Nam.

Khẳng định đã xuất hiện tình trạng làm giả, làm nhái hàng Việt Nam từ Trung Quốc, khi làm thủ tục nhập khẩu vẫn là hàng Trung Quốc với đầy đủ hóa đơn, chứng từ, rất khó khăn cho cơ quan gác cửa biên giới, Phó cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn Vy Công Tường cho biết, hiện nay đang có tình trạng doanh nghiệp Việt Nam sang đặt hàng tại Trung Quốc là sản xuất hàng hóa theo mẫu, tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu hoặc kiểm tra trên đường thì vẫn là nhãn mác do Trung Quốc sản xuất. Nhưng khi về Việt Nam lại sử dụng nhãn mác hàng Việt Nam để đánh lừa người tiêu dùng.

Nêu giải pháp xử lý doanh nghiệp Việt Nam bắt tay với doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất hàng hóa Việt Nam tại Trung Quốc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương Đỗ Thanh Lam cho rằng, chúng ta phải nắm chắc được tình hình, phương thức thủ đoạn, đối tượng và việc vận chuyển hàng vào Việt Nam. Chúng ta có lực lượng hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, quản lý thị trường, công an. Tuy nhiên, hiện nay các đối tượng làm ăn phi pháp sản xuất hàng khi về Việt Nam thì lại tổ chức dán nhãn hàng Việt Nam. Đây là cái khó, cần nghiên cứu kỹ để có giải pháp đồng bộ giải quyết tình trạng này.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, đây là hành vi gian lận gây thiệt hại rất lớn cho cả 3 bên: suy giảm lòng tin của người tiêu dùng; uy tín về chất lượng sản phẩm cũng như doanh thu của doanh nghiệp có thương hiệu Việt bị giảm sút; Nhà nước bị thất thu nguồn ngân sách không nhỏ do hàng nhái, hàng giả. Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú thì cho rằng, có lẽ chúng ta phải tiến tới ký hiệp định đa phương, song phương về vấn đề quản lý hàng hóa ngay từ bên kia biên giới, chứ khi hàng ồ ạt nhập vào trong nước như thế này thì quản lý rất khó. Khi hàng thông quan thì bên kia kiểm định một lần, chúng ta kiểm định lại thì rất chặt chẽ.

Nhằm tránh nguy cơ của cuộc đổ bộ hàng hóa gắn mác Made in Việt Nam nhưng lại sản xuất từ Trung Quốc thì trong các điều khoản cam kết của các nước tham dự FTA song phương và đa phương đã nêu rõ: điều khoản về truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm được đặt lên hàng đầu để nhận được ưu đãi. Nếu khi phát hiện hàng hóa đó không được sản xuất tại Việt Nam hoặc nguyên liệu đầu vào không được nhập từ 1 nước thứ 3 (cho phép) thì các nước đối tác có quyền đặt các hàng rào kỹ thuật hoặc cấm nhập. Và như vậy, nếu một doanh nghiệp vướng phải tình trạng này, thiệt hại về uy tín cho thương hiệu Việt sẽ là rất lớn nếu không nói bị tẩy chay vì gian lận.