Tái cấu trúc doanh nghiệp : Tránh “bình mới rượu cũ”
Trong khuôn khổ Báo cáo thường niên DN VN 2010 do VCCI chủ trì, ngày 22/12/2010, VCCI tổ chức hội thảo “Xu hướng tái cấu trúc DN năm 2010”. Đây được coi là một trong những phần quan trọng nhất của báo cáo bởi tính thời sự của chủ đề này.

Bà Phạm Thị Thu Hằng - Viện trưởng Viện phát triển DN trực thuộc VCCI cho rằng, quá trình tái cấu trúc DN được thực hiện nhằm thích nghi với những thay đổi của môi trường kinh doanh. Mặt khác, việc xây dựng các chính sách, chiến lược phát triển dài hạn của một nền kinh tế lại phải dựa vào sự phát triển của bản thân mỗi DN, mỗi ngành nghề kinh doanh.
Sôi nổi hoạt động M&A
Trên thực tế, do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế, quá trình tái cấu trúc DN của VN đang diễn ra, nếu nhìn bề ngoài có vẻ “im ắng” song thực tế theo khảo sát của VCCI các DN đang diễn ra rất sôi động, thể hiện qua việc phá sản, chấm dứt hoạt động, sáp nhập, mua bán DN (M&A), việc thay đổi lớn nhất về cơ cấu vốn, thay đổi chủ sở hữu, thay đổi HĐQT hay các lãnh đạo DN... Bên cạnh các hoạt động M&A được tạo ra do bối cảnh và diễn biến kinh tế, vẫn có những thương vụ M&A được tạo ra trên cơ sở tính toán chiến lược dài hạn.
Nói về tình hình mua bán, sáp nhập DN, hợp nhất DN hiện nay, TS Nguyễn Minh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện phát triển DN thuộc VCCI nhận định, suy thoái kinh tế đang làm phí thâu tóm một DN hấp dẫn hơn.
Theo VCCI, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2010, tổng số các hoạt động mua bán DN là 172 thương vụ trị giá 584 triệu USD, cao hơn so với cùng kỳ 2009 là 112 thương vụ và 232 triệu USD. Nếu nhìn vào những năm trước khi cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra, trong 2 năm 2007 - 2008, đa số các thương vụ mua bán diễn ra chủ yếu ở các DN nước ngoài. Phải đến năm 2009, việc mua bán, sáp nhập DN VN mới gia tăng mạnh, chiếm tới 40% tổng số giao dịch trên thị trường.
Hướng nào cho tái cấu trúc DN ?
Nhìn từ góc độ tái cấu trúc nền kinh tế, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, kinh tế VN đang là nền kinh tế gia công, “chúng ta nói XK 70 tỷ USD, nhưng hàm lượng nào là gia công, hàm lượng nào là tạm nhập, tái xuất cần phải làm rõ. Tái cấu trúc nền kinh tế cần tăng hàm lượng nội địa, làm thế nào để không dựa vào gia công là chính. Các DN FDI vào VN chỉ gia công rồi XK sẽ rất nguy hiểm, cần đặt câu hỏi họ để lại gì cho VN”. Ông Bùi Kiến Thành lấy ví dụ một đôi giày Nike sản xuất ra không biết bao nhiêu nhưng bán ra chưa đến 20 USD, qua Singapore đổi hóa đơn bán lại 40 USD, qua Mỹ bán gần 200 USD. Chúng ta là nền kinh tế thị trường, Chính phủ không làm kinh tế, Chính phủ tạo môi trường thông thoáng cho DN và nhân dân làm kinh tế. Bên cạnh đó Tập đoàn kinh tế Nhà nước cũng phải làm theo kinh tế thị trường chứ không phải làm các chính sách và xã hội, ông Thành nhận xét.
Trong khi đó, TS Đặng Đức Đạm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh cho rằng, với khu vực DNNVV chiếm tới 97% tổng số DN, là khu vực có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, cần tiếp tục hoàn thiện và đảm bảo tính ổn định khung pháp lý, cải cách thủ tục hành chính và chính sách tài chính nhằm tạo môi trường đầu tư bình đẳng, minh bạch, thông thoáng. Bên cạnh đó, tạo các chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng cơ cấu tín dụng cho DNNVV, tạo điều kiện hơn nữa cho các DN vay vốn trung và dài hạn, vay vốn đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm mới...
Ở khu vực DNNN, TS Đạm cho rằng cần tập trung vào tăng cường hiệu lực quản lý DNNN, tách biệt vai trò của Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu, điều tiết. Chính phủ cần xác định một chính sách rõ ràng với tư cách là chủ sở hữu với các mục tiêu cụ thể mà Chính phủ trông đợi sẽ thu được từ các DNNN. Các DN nhà nước cần phải chịu áp lực cạnh tranh giống như các thành phần kinh tế khác, trên tất cả các khía cạnh của thị trường, kể cả về vốn, và chịu sự điều chỉnh của quy luật thị trường... Trong khi đó, cổ phần hoá vẫn là chính sách ưu tiên trong trung hạn. Việc cấp thiết trước mắt là cần áp dụng các chuẩn mực về quản trị DN hiện đại với khu vực DN này, đặc biệt là những chuẩn mực công bố và minh bạch thông tin, quản lý rủi ro và về bổ nhiệm và hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban giám đốc.
Nói về tình hình tái cấu trúc DN nhà nước, giám đốc một DN lớn của Nhà nước nhìn nhận: Các quy định của pháp luật về tái cấu trúc chưa rõ ràng. Vị giám đốc này cho rằng, cổ phần hóa là một hướng đi quan trọng của tái cấu trúc nhưng nhiều nơi không làm triệt để, nhiều nơi bị ép trong khi để các DN tự tái cấu trúc thì rất nhanh, hiệu quả. “Không ai nói DN tư phải tái cấu trúc vì các DN này phải thay đổi hằng ngày. Còn các DN nhà nước đôi khi muốn thay đổi thì vướng cơ chế”.
Mặt khác, các chuyên gia cho rằng tái cơ cấu nền kinh tế điều quan trọng là tránh tình trạng “Bình mới rượu cũ”. Và, một vấn đề quan trọng nữa là phân bổ lại nguồn lực. Với DN quan trọng là phải tổ chức lại bộ máy, con người, cơ chế để làm sao sử dụng nguồn lực hiệu quả, ai hiệu quả thì được giao làm. Có như thế mới đảm bảo đúng “chất” của quá trình tái cấu trúc DN hiện nay.